TRIỂN LÃM CHUYÊN ĐỀ “HÌNH TƯỢNG SƯ TỬ VÀ NGHÊ TRONG NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC CỔ VIỆT NAM”
- Thứ sáu - 24/04/2015 07:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Căn cứ Quyết định số 909/QĐ-BVHTTDL ngày 30/3/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc cho phép Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Nam Định, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức triển lãm “Hình tượng Sư tử và Nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” nhằm góp phần giới thiệu và quảng bá những giá trị độc đáo của kho tàng di sản nghệ thuật điêu khắc dân tộc đến với công chúng.
Như chúng ta đã biết, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay mang lại cho chúng ta nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức trong việc bảo tồn di sản văn hoá, giữ gìn bản sắc dân tộc và các giá trị thẩm mỹ truyền thống. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, sự xuất hiện của những con sử tử đá ngoại lai tại một số điểm di tích hoặc trong không gian văn hóa người Việt đã trở thành một trong những vấn đề tranh luận sôi nổi trên báo chí. Từ góc nhìn văn hóa truyền thống mang tính biểu tượng, chúng ta thấy không gian tín ngưỡng cổ truyền đã định hình qua nhiều thế kỷ đang bị lai căng, pha tạp và biến dạng. Điều này có nguyên nhân từ khoảng trống trong giáo dục di sản nghệ thuật và đặc biệt là thiếu cơ hội để công chúng được khám phá và tìm hiểu một cách căn bản về nét đẹp tạo hình cũng như ý nghĩa biểu tượng văn hóa của một số hình tượng linh vật trong nghệ thuật cổ Việt Nam.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là kho tư liệu quý báu những sưu tập hiện vật nghệ thuật đặc sắc của dân tộc trong đó một số lượng hiện vật không nhỏ về hình tượng sư tử và nghê chứa đựng những giá trị thẩm mỹ cao về tạo hình với sự phong phú, đa dạng trong cách thể hiện. Tuy nhiên, gần như chưa có một triển lãm chuyên đề riêng nào giới thiệu về hình tượng hai linh vật đặc biệt này.
Triển lãm "Hình tượng Nghê và Sư tử trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam" trưng bày, giới thiệu 60 tài liệu hiện vật, từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến Nguyễn, được tạo tác bằng các chất liệu đá, gốm, sành, gỗ, đồng...và một số tư liệu, tài liệu khoa học phụ của các tổ chức, đồng nghiệp có liên quan như hình ảnh, các bản vẽ đạc họa, tường giải trên cơ sở nghiên cứu hiện vật... Hình tượng sư tử và nghê lần đầu tiên ra mắt công chúng trong và ngoài nước tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Triển lãm chuyên đề một cách có hệ thống, tiếp nối những thành công qua những trưng bày tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắc Lắc.
Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm định hướng thẩm mỹ công chúng trên cơ sở sưu tập hiện vật bảo tàng để giáo dục toàn diện về trí - đức - thể - mỹ. Từ đó giúp công chúng nâng cao sự hiểu biết và biết trân trọng và tự hào với kho tàng di sản và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Triển lãm khai mạc vào lúc 8h30 ngày 27/4/2015 (Thứ 2) và trưng bày đến ngày 15/5/2015, tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, số 1 đường Đội Cấn, thành phố Thái Nguyên.
BAN TỔ CHỨC