CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Sôi nổi các hoạt động tại lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa xuân Kỷ Hợi năm 2019

Sôi nổi các hoạt động tại lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa xuân Kỷ Hợi năm 2019
Đến hẹn lại lên, sáng ngày 14/02, tức ngày mùng 10 tháng Giêng năm Kỷ Hợi, tại sân lễ hội Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa, Ủy ban nhân dân huyện Định Hóa đã long trọng tổ chức Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hoá, xuân Kỷ Hợi 2019. Đến dự có đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh cùng đông đảo du khách thập phương.

 

Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa có từ xa xưa, sau một thời gian dài bị mai một, đến năm 2002, lễ hội được khôi phục, bảo tồn. Năm 2017, lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa chính thức được công nhận là  Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

01
Chương trình nghệ thuật chào mừng. Ảnh: Nam Đan

Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là lễ hội xuống đồng, được tổ chức sau một năm vất vả với công việc đồng áng, mừng thành quả lao động đã đạt được của mình, đồng thời tạ ơn trời đất, thần linh, tổ tiên và mở đầu tốt đẹp cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu, bản làng yên vui, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Khởi nguồn của lễ hội được hình thành từ cách sống thành làng bản quần cư trong cộng đồng của dân tộc Tày, một trong những nét văn hoá độc đáo của người Tày ở vùng Việt Bắc. Ngày nay, trong điều kiện đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em, lễ hội Lồng Tồng không còn riêng là lễ hội của người Tày mà đã trở thành lễ hội chung, nơi quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng nhất của các dân tộc như: NùngDao, Sán Chay... biểu trưng của tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Định Hoá trong quá tình hội nhập và phát triển.

2
Nghi lễ cầu mùa của dân tộc Tày, dân tộc Sán Chay; Lễ cầu phúc của dân tộc Dao. Ảnh: Nam Đan

Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa, xuân Kỷ Hợi 2019 với những nội dung phong phú, bao gồm cả phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm những nghi lễ truyền thống có từ lâu đời của các dân tộc như: Lễ cầu mùa của dân tộc Tày, dân tộc Sán Chay; Lễ cầu phúc của dân tộc Dao, Lễ xuống đồng (cày tịch điền)... Phần hội với các trò hội dân gian như hội tung còn, múa lân, bịt mắt bắt dê, cờ tướng, kéo co, thi giã bánh chưng, bánh dày… Đặc biệt Ban Tổ chức đã bố trí trại trà quê và giao lưu dân ca, dân vũ. Đây là điểm dừng chân thú vị của du khách gần xa với mong muốn thưởng trà, tìm hiểu rõ hơn về sản phẩm chè và dân ca các dân tộc huyện Định Hóa.

1
Nghi lễ cày tịch điền. Ảnh: Nam Đan

Ngoài ra, đến với Lễ hội còn là dịp để du khách khám phá những giá trị lịch sử cách mạng tại Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, nơi có 128 điểm di tích lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954). Hiện đã có 49 địa điểm di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong đó có 23 điểm được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, 26 điểm được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

 

 Minh Đỗ