Sa Pa – “Nơi gặp gỡ đất trời”
- Thứ năm - 03/08/2017 06:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà thờ đá cổ ở Thị trấn Sa Pa - Ảnh: Đức Quân
Lung linh thị trấn sương mù
Từ thành phố Hòa Bình, chúng tôi qua địa phận các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc rồi nhập vào làn đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Bỏ lại phía sau sự sầm uất của thành phố vùng biên ải Cốc Lếu, chúng tôi theo ngã rẽ với quanh co đèo dốc hơn 30 cây số để chạm vào điểm đến Sa Pa.
Mùa này là mùa bà con xứ lạnh nơi đây trẩy mận, trẩy đào. Những chị em phụ nữ người Mông dành phần lớn thời gian lên đồi thu hái, chuyển xuống cho khách những trái quả đặc sản căng mọng, tươi ngon vẫn giữ nguyên màu phấn. Vừa đi, vừa thong dong ngắm cảnh hai bên đường và rồi chúng tôi ngỡ ngàng khi trước mắt hiện hữu một thị trấn trong màn sương mờ ảo với hầu hết những ngôi nhà được xây bằng đá, gạch có lớp vỏ xù xì nửa cổ kính, nửa hiện đại. Men theo các lối nhỏ đi vào tận sâu những ngóc ngách của thị trấn giờ cũng đều được bê tông hoặc làm bằng gạch thông thoáng, dễ đi.
Tìm hiểu nhịp sống không mấy gấp gáp của người dân bản xứ theo chúng tôi là một trải nghiệm hết sức thú vị. Khi đoàn chúng tôi đến, chị Mùa Y Súa, một phụ nữ người dân tộc Mông ở bản Cát Cát đang mải miết pha sợi, đan những chiếc ví, móc khóa xinh xinh. Chị Súa cho biết: Nếu làm chuyên cần thì mỗi ngày cũng được 5 – 6 sản phẩm. Nhiều khách du lịch vào bản dạo chơi, đến xem và hỏi mua về làm quà lưu niệm nên gia đình cũng xem đó là một nghề tạo thu nhập. Hỏi ra chúng tôi mới biết, ngoài nghề truyền thống là trồng bông, lanh, dệt vải thì trồng rau, các loại củ, quả sạch cũng là nghề mang lại nguồn thu nhập chính đối với bà con. Tận dụng lợi thế thời tiết, khí hậu khác biệt, các loại rau, củ, quả đặc sản được trồng nhiều như mầm đá, cải mèo, dâu tây… Phần lớn sản vật được cung cấp, phục vụ nhu cầu khách du lịch.
Còn giờ là lúc chúng tôi tha hồ ngắm cảnh, dạo chơi. Phải nói rằng để đi hết những cảnh đẹp của thị trấn Sa Pa thì 2 ngày cuối tuần là chưa đủ. Có nhiều điểm đến hấp dẫn, trong đó du khách khó lòng bỏ qua chợ Sa Pa – nơi tụ họp, tái hiện rõ nhất cuộc sống của người dân bản xứ. Gần đấy là nhà thờ Đức mẹ Mân Côi xây dựng từ năm 1895 được coi là dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Đây là nơi du khách rất thích đến để chụp ảnh, ghi lại hình ảnh nhà thờ đá cổ không thể thiếu khi nhắc đến thị trấn sương mù. Phiên chợ tình diễn ra vào tối thứ 7 ngay tại sân quần Sa Pa còn các tối khác có các chương trình văn nghệ bản sắc phục vụ du khách cũng là một dấu ấn về miền đất xinh đẹp, nên thơ này. Rảo bước một đoạn là đến khu biệt thự cổ với hàng chục ngôi nhà mang dáng dấp kiến trúc đô thị của Pháp. Cùng với thời gian, những căn biệt thự vẫn giữ nguyên vẻ đẹp diễm lệ pha chút rêu phong khiến du khách tò mò không thể rời mắt.
Điểm đến tiếp theo trên hành trình khám phá Sa Pa là khu du lịch Núi Hàm Rồng. Nếu ai "trót” lên rồi hẳn sẽ ngỡ ngàng như đang lạc vào chốn "bồng lai tiên cảnh”. Men theo bậc đá có vô vàn cỏ cây, hoa lá, rừng cây lá kim trải dọc lối đi. Những thảm cỏ, mỏm đá lô nhô, những thảm hoa rực rỡ đủ kiểu, đủ màu, chim chóc thỏa sức hát ca và rừng đào khoe sắc thắm. Cảnh đẹp đó khiến du khách khó cưỡng lại, cứ thế hòa mình vào thiên nhiên, đất trời bao la, tươi đẹp. Từ đỉnh núi Hàm Rồng nhìn xuống, du khách được ngắm toàn cảnh Sa Pa, thung lũng Mương Hoa, Sa Pả, Tả Phìn huyền ảo.
Sẽ thật đáng tiếc nhất nếu lên Sa Pa mà không chinh phục được đỉnh Fasipan kỳ vĩ hiểm trở. Tôi đã nắm lấy cơ hội này để không có gì phải tiếc nuối trong chuyến du lịch đến Sa Pa. Trước đây, để lên được ngọn núi được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương này với độ cao 3.143m nếu đi bộ, leo núi phải 6- 7 ngày. Còn giờ, người ta đã xây bậc đá để việc lên xuống bớt gian nan. Tuy nhiên cũng phải cất công cả ngày trời mới chinh phục được ngọn núi cao nhất Việt Nam và cao nhất bán đảo Đông Dương. Một cách khác giúp lên Fansipan thuận lợi hơn là với hệ thống cáp treo, du khách có thể đi cáp treo và kế tiếp một chặng tàu để lên núi, khoảng thời gian cả lên lẫn xuống núi trong vòng một buổi chiều. Khó tả hết cảm giác vừa sợ hãi, vừa thỏa mãn dù bằng cách này hay cách khác chinh phục đỉnh Fansipan. Tôi đã hét thật to khi lần đầu tiên phất cờ chinh phục đỉnh fansipan giữa bốn bề sương khói, gió rít liên hồi và nhiệt độ trên đó chỉ khoảng 4 - 5 độ C, dù đã mặc áo mưa vẫn run rẩy vì giá lạnh
Để Sa Pa hấp dẫn hơn trong lòng du khách
Đó là một Sa Pa thân thiện với cách thu hút du lịch bằng dịch vụ đang ngày càng lấy lại được thiện cảm của khách bốn phương. Câu chuyện về những trẻ em người Mông chèo kéo, đeo bám du khách đã không còn là vấn nạn gây bức xúc như những năm trước đây báo chí từng phản ảnh. Thay vào đó, trên đường phố của thị trấn, các hàng quán được sắp xếp, bày trí khá quy củ. Những người bán đồ lưu niệm ở chợ và các khu phố mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, du khách có thể đề nghị chụp ảnh chung, trò chuyện mà không nhất thiết phải mua đồ. Các khu phố ẩm thực, chợ đêm luôn đông khách nhưng hiếm khi có chuyện du khách kêu mất thứ này, thứ kia.
Chúng tôi hỏi chuyện một du khách nước ngoài, anh Andrew đến từ nước Pháp, anh Andrew cho biết: Đây là lần thứ 2 anh đến với Sa Pa, ấn tượng của anh trong lần trở lại Sa Pa khác hơn so với lần đầu. Chợ về đêm đông vui hơn, có rất nhiều món ăn ngon, đặt biệt là các món nướng. Giá cả không còn chuyện hét giá với khách Tây, trên các khu buôn bán, du lịch vắng hẳn hiện tượng đeo bám đòi khách mua đồ lưu niệm.
Mỗi ngày, tại khu chợ trung tâm thị trấn, khu ẩm thực và tuyến đường, hệ thống loa phát thanh phát đi những thông điệp kêu gọi "vì một du lịch Sa Pa văn minh, thân thiện”, trong đó đề cao vai trò, ý thức của người dân cùng chung tay xây đắp văn hóa du lịch. Người dân đã và đang có những chuyển biến về điều này. Bên cạnh đó, những người làm công tác an ninh trật tự đô thị cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tránh để những hiện tượng "không đẹp” phát sinh.
Một sức hấp dẫn cũng đến từ du lịch Sa Pa đó là điều kiện ăn nghỉ, giá cả rất hợp lý so với các điểm du lịch khác trong cả nước. Các khách sạn, nhà nghỉ nằm rất gần các điểm vui chơi, thưởng ngoạn. Chỉ cần tản bộ vài bước chân là du khách đến được nhà thờ hay sân quần nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vườn hoa, chợ và khu du lịch Núi Hàm Rồng… Du khách có thể chọn được phòng nghỉ tốt ngay khu trung tâm với giá dao động từ 200 – 350 nghìn đồng/ngày đêm với điều kiện phải đặt trước bởi Sa Pa thường hay cháy phòng nghỉ. Sa Pa hút khách du lịch ở cả 4 mùa trong năm, được ví như Đà Lạt thứ 2 với kiểu thời tiết đặc trưng, cảnh sắc vô cùng nên thơ, tươi đẹp. Hà cớ gì bạn không thử đến "nơi gặp gỡ đất trời” với diệu kỳ và ám ảnh ca từ "Sa Pa chiều nghiêng huyền thoại, mặt trời mọc lên từ má em…”, chinh phục nóc nhà Đông Dương và có những trải nghiệm, khám phá tuyệt vời về một điểm du lịch trong tốp đầu được du khách lựa chọn?!