CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Quản lý homestay như thế nào?

Quản lý homestay như thế nào?
Với mục đích tạo ra một sản phẩm du lịch văn hóa khác biệt, mô hình lưu trú nhà dân (homestay) đã góp phần tạo thêm nét riêng cho du lịch Quảng Nam những năm qua. Tuy nhiên, sự phát triển nóng, vượt tầm kiểm soát, cộng với công tác quản lý không theo kịp đã dẫn đến những “méo mó” đối với sản phẩm du lịch đặc thù này.

CÒN NHIỀU BẤT CẬP

Là một trong 8 loại hình kinh doanh lưu trú theo quy định, homestay tại Quảng Nam bắt đầu hình thành từ năm 2009 và đến năm 2013 thì phát triển “nở rộ” với tốc độ tăng bình quân trên 40%/năm. Đi cùng với đó là những bất cập, tồn tại cần phải nhìn nhận để có hướng điều chỉnh kịp thời.  

images1320046 45 2
Nhiều cơ sở homestay chỉ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất mà ít quan tâm đến trải nghiệm văn hóa cho khách (ảnh chỉ minh họa)

Tăng trưởng nóng

Tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 228 hộ kinh doanh lưu trú homestay với tổng số 891 phòng, chiếm hơn 10% tổng số phòng lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung chủ yếu tại Hội An với 212 hộ, 868 phòng; Duy Xuyên: 5 hộ (5 phòng); Đông Giang (làng Bhơ Hôồng và Đhrôồng): 8 hộ  (15 phòng); Điện Bàn: 3 hộ (3 phòng)… Tốc độ tăng bình quân về số cơ sở homestay giai đoạn 2014 – 2016 khoảng 44%/năm và số lượng phòng tăng 41%/năm. Riêng năm 2016, lượng khách lưu trú loại hình này ước đạt 100 nghìn lượt, chiếm khoảng 7,5% lượng khách lưu trú Quảng Nam, tăng 11% so với cùng kỳ, doanh thu hơn 35 tỷ đồng, công suất sử dụng phòng năm 2016 khoảng 43%, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động.

Tại TP.Hội An, hầu hết xã, phường đều có homestay, nhiều nhất là Cẩm Châu và các vùng ven Tân An, Cẩm Thanh, Cẩm Phô, Cẩm An. Nếu như năm 2012, Hội An chỉ có 6 homestay thì sang năm 2013 tăng lên 90 cơ sở và đến tháng 9.2016 con số này đã đạt 212 homestay với 868 phòng. Phát triển nhanh nhất và đạt số lượng “kỷ lục”, phải kể đến Cẩm Châu: 58 cơ sở (229 phòng); Tân An: 28 cơ sở (127 phòng); Cẩm Phô: 21 cơ sở (100 phòng)… Hầu hết phòng ốc các homestay được đầu tư hiện đại, trung bình 63 triệu đồng/phòng, tương đương với trang thiết bị trong các phòng lưu trú đạt tiêu chuẩn từ 1 - 2 sao. Khách ở homestay Hội An được gia chủ phục vụ điểm tâm, hướng dẫn nấu ăn và mời dùng bữa cơm thân mật cùng gia đình. Ngoài ra, khách còn được dẫn đi chợ, đi dạo phố cổ hoặc được mời tham gia các sự kiện của gia đình như đám giỗ, đám cưới... Bên cạnh đó, khách cũng được gia chủ tổ chức tiệc vào các dịp lễ như Tết Nguyên đán, Giáng sinh, sinh nhật…

Theo bà Phạm Thị Ngọc Dung - Phó Trưởng phòng Thương mại du lịch Hội An, sự phát triển của homestay, bên cạnh những mặt được như giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người dân, quảng bá các giá trị văn hóa… thì cũng bộc lộ nhiều hạn chế, như tính đơn điệu, đơn lẻ, chưa có sự liên kết để tạo ra sản phẩm, dịch vụ văn hóa phục vụ khách mang tính cộng đồng, tình trạng cạnh tranh về giá diễn ra âm ỉ… Đặc biệt, hoạt động của một số homestay Hội An thời gian qua đã đi chệch hướng những quy định, tiêu chí về loại hình du lịch này. Không ít homestay chỉ đơn thuần như một nhà nghỉ hoặc khách sạn giá rẻ chứ không còn là nơi để du khách trải nghiệm các giá trị văn hóa. “Tháng 3.2015, phòng Thương mại du lịch Hội An phối hợp nhóm nghiên cứu luận văn tiến sĩ của trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng khảo sát về sự hài lòng của 129 du khách khi lưu trú tại homestay Hội An, kết quả cho thấy đa số cơ sở homestay không cung cấp thông tin về chương trình tổ chức hoạt động trải nghiệm dành cho khách để khách biết. Một số trường hợp khác thì du khách không quan tâm đến các hoạt động dịch vụ của cơ sở homestay tổ chức vì không có thời gian để tham gia” - bà Dung cho biết.

Thiếu bản sắc

Trong hội nghị chuyên đề về homestay vừa diễn ra tại Hội An, nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn homestay ở Quảng Nam đã bị biến dạng so với mục tiêu và ý nghĩa ban đầu. Bà Trần Thị Thu Hiền – Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Nam nhìn nhận, cần phải xác định lại, homestay ở Quảng Nam hiện nay là một sản phẩm du lịch hay là một loại hình lưu trú. “Theo tiêu chuẩn quy định của ASEAN thì đây là một sản phẩm du lịch đặc thù. Ở đó, khách có sự trải nghiệm văn hóa, qua đó thúc đẩy giao lưu văn hóa, hiểu biết, hòa bình. Góp phần nâng cao dân trí, bảo tồn văn hóa, giữ gìn truyền thống, cải thiện sinh kế, cải thiện môi trường… chứ không đơn thuần chỉ là một loại hình lưu trú như bấy lâu nay chúng ta vẫn nghĩ. Chính vì hiểu không đúng bản chất của homestay nên mới dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa ổn định và thiếu bản sắc” - bà Hiền phân tích.

Thực tế cho thấy, nhiều homestay thiên lệch quá mức về cơ sở vật chất, một số homestay hoạt động chuyên nghiệp như khách sạn mà chưa chú trọng đến trải nghiệm văn hóa. Bà Hiền cho rằng, hiện nay, ngoài Đông Giang, Duy Xuyên, Điện Bàn ít nhiều còn giữ đặc thù homestay (1 - 2 phòng/hộ) thì phần lớn homestay Hội An mang tính chất kinh doanh nhiều hơn, dẫn đến cạnh tranh về giá làm giảm chất lượng dịch vụ. Đồng tình với ý kiến trên, tuy nhiên theo ông Nguyễn Hưng – chủ cơ sở homestay Vườn Mít (Cẩm Châu) - các homestay Hội An không thể áp dụng mô hình homestay như quy định hiện nay, điều này là bất cập vì sản phẩm du lịch Hội An quá nhỏ, chỉ tập trung vào khu phố cổ, nên ngoài những mô hình homestay ở vùng quê, còn lại thuần túy chỉ là nơi để khách lưu trú và tham quan phố cổ. “Bây giờ nhiều homestay mới ra đời họ hạ giá để đón khách do đó việc kinh doanh rất khó khăn. Nếu như những năm trước tỷ lệ đón khách homestay của tôi khoảng 60%, giá phòng là 25 đô la, thì bây giờ tỷ lệ lấp phòng cũng chỉ hơn 20%, giá cũng hạ chỉ còn 13 đô la. Với giá này, chúng tôi cũng không thể để khách trải nghiệm đầy đủ, nên nói việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các homestay là có” - ông Hưng cho biết.

Theo bà Hiền, dù đa số homestay Hội An hiện đón khách tự phát nhưng trung tâm khó thể giúp đỡ giới thiệu, quảng bá ra bên ngoài được vì  không biết bản sắc của homestay Hội An là gì. Thậm chí, một bộ phận khách đăng ký lưu trú homestay đơn thuần vì giá cả rẻ hơn khách sạn chứ không quan tâm đến yếu tố văn hóa địa phương như mục tiêu các homestay hướng tới. “Đúng ra phải cạnh tranh về dịch vụ và bản sắc thì các homestay lại đi cạnh tranh về giá nên mới dẫn đến tình trạng như thời gian qua, và điều đó cũng có một phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc định hướng hoạt động của mô hình du lịch này. Vì đến nay UBND tỉnh và Sở VH-TT&DL cũng chưa ban hành văn bản pháp lý nào định hướng cho việc phát triển homestay. Còn UBND TP.Hội An cũng chỉ mới ban hành một số văn bản tạm thời để quản lý hoạt động kinh doanh lưu trú về homestay thôi” - bà Hiền nói.

NHỮNG ĐIỂM SÁNG

Năm 2016 – 2017 chứng kiến sự thành công của một số mô hình homestay ở An Bàng và Thanh Nam (Hội An) khi liên tiếp nhận được danh hiệu về lưu trú - như một sự ghi nhận về tính hiệu quả của cách làm du lịch nơi đây.

images1320047 45 8a (1)
Các homestay tại An Bàng đã biết đưa yếu tố văn hóa, cộng đồng vào đón khách  (Vĩnh Lộc).

1. Cách phố cổ Hội An khoảng 4km, làng An Bàng (Cẩm An) nằm bình yên bên chân sóng. Hàng bao đời nay cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với biển như không hề biết có một ngày quê mình sẽ trở thành làng du lịch. Một trong những người đi tiên phong khai phá tiềm năng du lịch An Bàng chính là chàng trai trẻ Lê Ngọc Thuận. Năm 2012, khu homestay đầu tiên với tên gọi An Bang Seaside Village (Làng du lịch ven biển An Bàng) ra đời từ sự gợi ý của những người bạn nước ngoài, mở ra một không gian mới cho du lịch Hội An cũng như người dân nơi đây. Trên diện tích 700m2, anh Thuận đã cải tạo, xây lại ngôi nhà theo kiến trúc dân dã, mái lá dừa - tranh ẩn mình dưới vườn cây xanh tốt. Từ khi khai trương hoạt động đến nay, dường như ngày nào cũng có khách lưu trú với thời gian kéo dài bình quân 10 ngày, riêng mùa hè, homestay luôn kín lịch khách đăng ký. Du khách lưu trú homestay không chỉ được nghỉ ngơi tắm biển giữa một không gian hoang sơ bình yên, mà còn được trải nghiệm những sinh hoạt đời thường với người dân thông qua các công việc hằng ngày như chài lưới, đánh cá hoặc tham gia dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ trong làng… Đến nay, An Bang Seaside Village đã phát triển thêm 2 khu với 15 phòng lưu trú nhưng vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu của khách.

Làng du lịch ven biển An Bàng chỉ là một trong số hơn 15 cơ sở homestay tại đây biết đưa yếu tố văn hóa vào phục vụ khách. “Ngoài nghỉ ngơi, tắm biển, tắm nắng du khách còn có thể tham gia những hoạt động lao động chài lưới cùng ngư dân, nếu khách nào muốn theo thuyền ra biển đánh cá thì chúng tôi thu vài đôla/giờ, xem như giúp người dân có thêm thu nhập” - ông Lê Ngọc Thuận cho biết. Đến nay, rất nhiều người dân trong làng đã hưởng lợi từ mô hình du lịch này, chủ yếu tham gia những công việc như phục vụ, dọn dẹp vệ sinh, buồng phòng, bảo vệ, nấu ăn cho khách… Đặc biệt, thông qua hoạt động lưu trú, nhiều trẻ em trong làng đã được học các lớp tiếng Anh miễn phí từ du khách. Ngoài ra, các homestay cũng tổ chức quyên góp tiền, sách vở từ khách để giúp trẻ em nghèo trong làng. Có lẽ vì vậy mà tháng 5 vừa qua, cụm du lịch homestay An Bàng đã được trao giải thưởng Homestay ASEAN Standard giai đoạn 2016 – 2018 vì đã đáp ứng được các tiêu chuẩn về dịch vụ buồng phòng, quản lý, gần địa điểm du lịch, an ninh, an toàn cùng các nguyên tắc bền vững.

images1320048 45 5b
Những hoạt động của du khách gắn với cộng đồng và sinh hoạt văn hóa của người dân (Vĩnh Lộc).

2. Trong khi ở một vài nơi, homestay đã bị biến dạng, trở thành nhà nghỉ hoặc khách sạn mini thì tại An Bàng, mô hình này đã phần nào đáp ứng được những yêu cầu của du lịch cộng đồng là giúp khách trải nghiệm các giá trị văn hóa bản địa trên nền tảng những tài nguyên du lịch tại chỗ. Trong đó, lợi thế về biển đã trở thành yếu tố then chốt giúp các homestay An Bàng khác biệt. Mô hình thành công của An Bàng cũng bắt đầu lan tỏa đến những nơi khác, điển hình là nhóm cơ sở homestay Thanh Nam (Cẩm Châu) như Trăng Quê, Hoa Lài, Cây Mận, Hương Bưởi, Hoa Giấy, Hồng Lộc… Tại những nơi này, khách lưu trú đã được trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt văn hóa với gia đình như ăn uống, làm vườn, đi chợ…

Theo ông Nguyễn Dũng - Chủ homestay Trăng Quê, cơ sở ông có 5 phòng (gồm 4 phòng đôi, một phòng gia đình) và bắt đầu đón khách từ năm 2010. Khách đến với gia đình sẽ được giới thiệu về các phong tục, tập quán, lễ hội và các món ăn truyền thống địa phương như mỳ Quảng, cao lầu… Điều đó luôn mang đến cho khách sự thích thú, hào hứng. “Nhà tôi có một khu vườn, mùa nắng tôi sẽ dạy khách làm vườn, còn mùa mưa sẽ dẫn khách đi chợ, rồi còn bày họ đúc bánh xèo…” - ông Dũng chia sẻ. Đặc biệt, thông qua hoạt động lưu trú, những đứa con anh cũng có điều kiện trau dồi thêm ngoại ngữ và được khách tặng những đồ dùng trong học tập nước ngoài như bút, thước, các tranh ảnh có phụ đề tiếng Anh. Cùng với đó, doanh thu từ homestay cũng khá ổn định với gần 30 triệu đồng/tháng.

Cũng như cụm homestay An Bàng, tháng 1.2017, cơ sở homestay Trăng Quê của ông Dũng cùng với 6 cơ sở homestay khác ở Thanh Nam đã được trao tặng giải thưởng Homestay ASEAN Standard giai đoạn 2016 - 2018 tại Singapore như một sự ghi nhận về mô hình homestay phát triển bền vững, gắn với cộng đồng và văn hóa bản địa.

“HIẾN KẾ” QUẢN LÝ

Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL: Sẽ ban hành quy chế quản lý

Homestay là một loại hình du lịch mà Quảng Nam có thế mạnh, vì vậy sắp tới chúng tôi sẽ ban hành quy chế về quản lý homestay. Tiếp đến sẽ tiếp tục các huấn luyện, đào tạo thêm cho các chủ hộ kinh doanh homestay. Tuy vậy, theo tôi hiện tượng đáng ngại nhất của homestay là biến tướng như một khách sạn, xem nó đơn thuần như là một cơ sở lưu trú để thu lợi mà không hiểu nó là một sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch, nên dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.  

Ông Võ Văn Vân - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam: Năm 2017 sẽ thành lập Chi hội homestay

Năm nay, hiệp hội sẽ tiến hành thành lập một số chi hội trực thuộc như chi hội lữ hành, chi hội Cù Lao Chàm, chi hội homestay… nhằm mục đích xâu chuỗi tất cả hoạt động, khắc phục những tồn tại, hạn chế bấy lâu. Trong đó, việc thành lập chi hội homestay sẽ giúp nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ phục vụ khách. Hiệp hội sẽ là cầu nối, tiếp thu tất cả những ý kiến, kiến nghị của những chủ cơ sở tập hợp, phản ánh các cơ quan ban ngành của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp cho các chủ cơ sở hoạt động tốt hơn. Hiện nay, hiệp hội đã thành lập ban vận động chi hội homestay Quảng Nam và đang dự thảo điều lệ hoạt động. Dự kiến, quý I.2017 nếu có điều kiện thuận lợi chúng tôi sẽ tiến hành đại hội thành lập Hội homestay tỉnh Quảng Nam trên địa bàn tỉnh.

Ông Dương Minh Bình - Chuyên gia homestay - Công ty TNHH Tư vấn và phát triển du lịch cộng đồng: Không có mô hình nào giống mô hình nào

Có thể nói cách làm homestay như thời gian qua ở Mỹ Sơn và Triêm Tây là không ổn. Cách đây 2 năm tôi đã đến làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn và đã từng nói, làm kiểu này không bao giờ có khách. Bởi vì anh cứ nghĩ anh xây một cái phòng rồi trang bị bên trong là khách có thể nghỉ ngơi. Không thể như vậy được, họ đến là để trải nghiệm, để thư giãn và hậu quả Mỹ Sơn bây giờ là thế nào ai cũng biết. Riêng Triêm Tây tôi thấy rất tiếc, cách đây một năm tôi đến, cả làng đều muốn làm du lịch cộng đồng, hôm nay tôi đến thăm lại đó là nỗi bức xúc của từng hộ gia đình vì không có khách.

Không có mô hình homestay nào giống mô hình nào vì phải căn cứ trên đặc điểm, văn hóa, vị trí địa lý… Do đó, muốn làm homestay phải hiểu về homestay trước theo một tiêu chí nào đó. Vì vậy, để homestay đi vào trật tự thì phải có nhà nước quản lý không để mạnh ai nấy làm.

Bà Nguyễn Thanh Bình - Vụ phó vụ khách sạn: Quản lý phù hợp

Sự phát triển homestay ở Quảng Nam so với nhiều địa phương khác cả nước là khá nhanh, nhưng thực ra đó là một loại hình tốt để mang lại thu nhập cho người dân. Vì để xây dựng một homestay thì chi phí không quá cao như các loại hình cơ sở lưu trú khác, người dân có thể tận dụng những phòng nghỉ không dùng đến trong gia đình để đón khách. Và khách du lịch cũng được thỏa mãn, bởi được ở với người dân, được hiểu thêm về văn hóa và cuộc sống sinh hoạt của chủ nhà. Vì vậy, tôi nghĩ là không phải lo quá nóng hay không nóng, quan trọng là định hướng nó để phát triển cho tốt.

Vấn đề Quảng Nam đang đối diện là việc quản lý chưa đầy đủ vì có rất nhiều hoạt động tự phát. Trong hoạt động du lịch, phải có sự quản lý để định hướng thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, nhằm đảm bảo yếu tố tối thiểu phục vụ khách. Do đó, giải pháp quan trọng hiện nay ở Hội An là phải đưa ra được đề án để phát triển loại hình homestay hợp lý và tạo thêm được các sản phẩm du lịch hấp dẫn với du khách. Từ trước đến nay, mọi người đến Hội An đều biết về du lịch phố cổ, bây giờ thêm loại hình homestay sẽ tạo ra những giá trị đặc thù để khách có thể có thêm được những trải nghiệm thú vị.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An: Tạm dừng cấp phép để chấn chỉnh

Hiệu quả lớn nhất của homestay Hội An là đã tạo thêm được một sản phẩm du lịch để du khách chọn lựa. Nó đã tạo điều kiện để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Loại hình này cũng bắt đầu phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống của Hội An về nếp sống, phong tục, về làng quê, làng nghề của mảnh đất và con người Hội An, giới thiệu truyền thống này đến với du khách. Tuy nhiên, phát triển homestay còn một số mặt tồn tại, như phát triển quá nóng, có biểu hiện xa rời đề án ban đầu của thành phố là tạo ra một sản phẩm du lịch chứ không phải là dịch vụ lưu trú đơn thuần. Nhiều hộ tập trung nâng cấp, cải tạo phòng ốc rất khang trang hiện đại, chủ yếu cạnh tranh về mặt chất lượng buồng phòng và giá phòng chứ không cạnh tranh bằng chất lượng cung cấp những trải nghiệm về văn hóa cho du khách. Có trường hợp chuyển nhượng homestay rồi cho thuê homestay kinh doanh... Trước thực trạng đó, vừa qua thành phố đã tiến hành tổng kết mô hình qua 4 năm thực hiện và đã quyết định tạm dừng các mô hình homestay trên địa bàn để chấn chỉnh và đặt ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, nhằm đáp ứng đúng yêu cầu về loại hình, nội dung hoạt động (trải nghiệm văn hóa, kiến trúc, diện tích, thế hệ gia đình…), hướng đến mục đích phát triển bền vững và thực sự là một sản phẩm văn hóa đặc trưng của Hội An.

 

Nguồn tin: baoquangnam.vn