CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Quá nhiều vướng mắc với homestay

Quá nhiều vướng mắc với homestay
Phát triển mô hình lưu trú trong nhà dân - homestay đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho dịch vụ lưu trú tại Hội An. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để định hình sản phẩm.
Tổ chức cho du khách trải nghiệm là quy định bắt buộc của mô hình homestay tại Hội An (QUỐC HẢI)

Khó tổ chức trải nghiệm

Năm 2016, cụm homestay làng ven biển An Bàng đã được Tổng cục Du lịch Việt Nam trao giải thưởng ASEAN giai đoạn 2016 - 2018. Đầu năm nay, Diễn đàn du lịch ASEAN lần thứ 36 - ATF 2017 diễn ra tại Singapore cũng đã trao giải thưởng “Homestay ASEAN” cho homestay Thanh Nam của Hội An. Đó là những tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của một mô hình lưu trú khá mới và mang nhiều nét riêng biệt tại Hội An. Tuy nhiên, theo Phòng Thương mại - du lịch Hội An, rất nhiều hạn chế, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh của mô hình đang khiến cho chất lượng sản phẩm giảm sút. Trước hết, các homestay chưa liên kết được với các hãng lữ hành trong việc cung ứng sản phẩm; hoạt động mang tính đơn lẻ. Công tác quảng bá chủ yếu là website nên chưa giới thiệu được các sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm. Thêm vào đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá và không tổ chức cho du khách tham gia trải nghiệm văn hóa truyền thống địa phương theo quy định của mô hình đang trở thành những vấn đề “khó gỡ”.

Nhiều năm tổ chức hoạt động homestay tại gia đình ở phường Tân An, ông Trần Văn Nhân cho biết: “Trên mạng hiện nay có home rao bán 7 USD/1 phòng cho 2 người, cả ăn sáng. Chứng tỏ họ không có khách, trong khi để phòng trống buộc họ phải trả chi phí, trả tiền điện nước. Còn khách thường ngủ 10h sáng mới dậy, đi 12h khuya mới về thì tham gia trải nghiệm cái gì?”. Theo thông tin phản hồi từ các cơ sở homestay,  lý do khiến khách không tham gia các hoạt động trải nghiệm tại cơ sở lưu trú là khách không có nhu cầu, thời điểm tổ chức các hoạt động trải nghiệm không phù hợp với quỹ thời gian của du khách. Không thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm theo đúng với định hướng phát triển mô hình homestay của thành phố là vấn đề chưa có chế tài để xử lý căn cơ. Bà Phạm Thị Ngọc Dung (Phòng Thương mại - du lịch Hội An) nói: “Tổ chức trải nghiệm cho du khách rất khó. Thứ nhất, trong các website, chủ homestay không giới thiệu nên khách không biết. Thứ hai, nếu tổ chức mà chỉ có 1 khách tham gia thì gia đình không thể làm được, dù biết không tổ chức hoạt động trải nghiệm cho du khách là không đúng với mô hình homestay theo quy định. Còn giá phòng thì rất thấp, có sự cạnh tranh không lành mạnh về giá”.

Quy định nào?

Trên thực tế, bản chất của mô hình homestay là loại hình lưu trú nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, do đó, số lượng phòng ngủ của gia đình là không hạn chế. Theo tiêu chuẩn 7800:2009 (Tiêu chuẩn nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê), không hạn chế số lượng phòng đón khách lưu trú đối với 1 cơ sở lưu trú.  Tuy nhiên, từ tháng 10.2014, TP.Hội An quy định “không quá 5 phòng đón khách lưu trú cho 1 cơ sở”. Điều này đã dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý ngành, không kiểm soát được số lượng phòng thực sự đón khách của cơ sở, chỉ xử lý theo Nghị định 167 của Chính phủ ngày 12.11.2013 về hành vi vi phạm “không duy trì đúng và đầy đủ các điều kiện về an ninh trật tự trong quá trình hoạt động kinh doanh” tại điểm c khoản 3 điều 11 của nghị định đối với các trường hợp đón khách vượt số lượng phòng cho phép.

Cũng theo quy định tại TCVN 7800:2009 thì diện tích phòng đơn tối thiểu 8m2, phòng đôi tối thiểu 10m2 và tăng diện tích 4m2 cho mỗi giường thêm. Như vậy, những phòng có diện tích rộng, cơ sở có thể bố trí nhiều giường đơn và các phòng này trở thành phòng tập thể. Điều này lại không đúng định hướng phát triển du lịch của thành phố. “Tôi kiến nghị UBND thành phố phải có chế tài cụ thể. Hiện chủ một số homestay không sinh sống tại cơ sở kinh doanh hoặc cho người khác thuê lại. Số lượng buồng phòng cũng vượt quá quy định” - ông Nguyễn Văn Mừng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Hội An đề nghị.

Khẳng định homestay là một loại hình du lịch mà Quảng Nam có thế mạnh, ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết tỉnh sẽ ban hành quy chế về quản lý homestay làm cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động. Tiếp đến sẽ tập huấn, đào tạo thêm cho các chủ hộ kinh doanh homestay. Tuy vậy, hiện tượng đáng ngại nhất của homestay là biến tướng như một khách sạn, xem nó đơn thuần như là một cơ sở lưu trú để thu lợi mà không hiểu mô hình này là một sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.  Vì thế, TP.Hội An đã tiến hành tổng kết mô hình qua 4 năm thực hiện và quyết định tạm dừng cấp phép một thời gian để chấn chỉnh và tìm giải pháp nâng cao chất lượng, đáp ứng đúng yêu cầu về loại hình, nội dung hoạt động, hướng đến mục đích phát triển bền vững. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thực trạng vi phạm quy định của mô hình diễn ra khắp nơi, trong đó, để được cấp phép hoạt động homestay, nhiều hộ liệt kê nhiều thế hệ “cùng ăn, cùng ở” với du khách nhưng không thực hiện. “Vì những điều vướng mắc trên mà sản phẩm sẽ trở thành vô nghĩa. Thực ra chúng ta ràng buộc trong đăng ký kinh doanh chưa chặt chứ không phải không có quy định để làm” - ông Sơn nói.

Tác giả bài viết: QUỐC HẢI