CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Phục dựng lễ hội lớn nhất của dân tộc Sán Dìu

Phục dựng lễ hội lớn nhất của dân tộc Sán Dìu
Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên, Viện VHNT Quốc gia Việt Nam vừa phối hợp với UBND TP Thái Nguyên tổ chức lễ Đại Phan của người dân tộc Sán Dìu. Qua 10 năm gần đối mặt với nguy cơ bị mai một, lễ hội lớn nhất của người Sán Dìu ở tỉnh Thái Nguyên đã được phục dựng trở lại thực hành nghi lễ thiêng liêng.

 

Ông Vũ Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Linh Sơn, TP Thái Nguyên cho biết, trong tín ngưỡng của người Sán Dìu, lễ Đại Phan có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đó là cầu an, cầu mùa, xua đuổi tà ma, dịch bệnh. Lễ hội này còn là sự tổng hòa các loại hình văn hóa đặc trưng của người Sán Dìu, từ phong tục tập quán đến các hình thức diễn xướng dân gian. Với những giá trị ấy, năm 2018, Bộ VHTTDL đã lựa chọn lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu để đưa vào chương trình mục tiêu phát triển văn hóa của tỉnh Thái Nguyên. Trên cơ sở đó, Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên và Viện VHNT quốc gia Việt Nam đã tiến hành điều tra khảo sát trên địa bàn các huyện Đồng Hỷ, Phổ Yên, TP Thái Nguyên là những nơi tập trung đông người Sán Dìu cư trú và đã lựa chọn lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu, trên địa bàn xã Linh Sơn, TP Thái Nguyên để thực hiện công tác bảo tồn.

Phục dựng lễ Đại Phan ở Thái Nguyên

Lễ hội Đại Phan là lễ hội lớn nhất của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Để thực hành lễ hội này nhất thiết phải nhờ đến các thầy cúng cao tay (cấp 4) ở khắp nơi về làm lễ cấp sắc cho một thầy cúng được lên cấp 4 (chức Đại Phan). Cũng tại buổi lễ các thầy cúng đến từ mọi miền Tổ quốc về xin sớ (xin lộc), nhân dân đến cầu lộc, cầu tài, cầu cho mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc... Phục dựng lễ Đại Phan của người dân tộc Sán Dìu, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa... đã cố gắng tái hiện, phục dựng hầu hết nghi thức cũng như những nét văn hóa đặt sắc của lễ hội này đúng với phong tục truyền thống. Theo TS Vũ Diệu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam, lễ Đại Phan có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đó là cầu an, cầu mùa, xua đuổi tà ma, dịch bệnh cho cả cộng đồng. Lễ hội này là sự tổng hòa các loại hình văn hóa đặc trưng của người Sán Dìu, từ phong tục tập quán đến các hình thức diễn xướng dân gian.

Tuy nhiên, trong vòng 10 năm trở lại đây, lễ Đại Phan ít được thực hành trong cộng đồng dân tộc Sán Dìu bởi tính chất và quy mô của nghi lễ. Bởi để có được lễ hội đúng với quy mô, nhất thiết phải có thầy cúng lên chức Đại Phan và trong nghi lễ phải mời được 12 thầy cúng cao tay, thông cáo sớ điệp đi tất cả các địa phương có người Sán Dìu sinh sống. Vẫn còn đó nghệ nhân Nông Văn Quý, xóm Thanh Chử, xã Linh Sơn, TP Thái Nguyên, chủ lễ Đại Phan 2018 đã từng nhiều lần thực hành, tham gia các lễ Đại Phan trước đây. Lễ Đại Phan tại xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên lần này cũng chứng kiến một thầy cúng lên chức Đại Phan là nghệ nhân Nông Văn Khoa đến từ xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ.

Bên cạnh cộng đồng dân tộc Sán Dìu thuộc xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên là chủ thể của di sản văn hóa, cùng chung tay bảo tồn và phục dựng lễ hội lớn nhất của đồng bào dân tộc Sán Dìu còn có người Sán Dìu xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên và đồng bào dân tộc Sán Dìu ở các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc cũng đã được các thầy cúng chuyển sớ điệp về dự lễ. Việc phục dựng và thực hành thành công lễ Đại Phan tại xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên lần này không chỉ khơi lại mạch nguồn mà còn khẳng định giá trị không thể mất đi của lễ Đại Phan trong đời sống văn hóa dân gian của người dân tộc Sán Dìu. Trong một tương lai không xa, đây sẽ là một di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của thành phố Thái Nguyên nói riêng và vùng trung tâm của các tỉnh khu vực phía Bắc Việt Nam.

Phúc Nghệ (Báo Văn hóa)