CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Phú Bình – Những thế mạnh để phát triển du lịch

Phú Bình – Những thế mạnh để phát triển du lịch
Phú Bình là một huyện trung du miền núi, nằm ở phía đông nam của tỉnh Thái Nguyên, trung tâm huyện cách thành phố Thái Nguyên 25 km. Cách đây khoảng 10 năm trở về trước, Phú Bình là một địa phương phát triển chậm, đường sá đi lại thì khó khăn, đại bộ phận người dân chỉ trông vào trồng trọt và chăn nuôi. Đến nay diện mạo đô thị đang ngày càng hiện rõ trên mảnh đất này với sự thu hút của các doanh nghiệp FDI cùng hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài công nghiệp, nông nghiệp, Phú Bình còn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái và du lịch tâm linh.

Phú Bình từ lâu đã được biết đến là mảnh đất có phong cảnh hữu tình, nhiều làng ven sông trên bến dưới thuyền, đất đai được phù sa bồi đắp màu mỡ tạo nên những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt, những cánh đồng dâu, ngô, khoai 4 mùa xanh tốt. Phú Bình còn là nơi lưu giữ được những nét đẹp ngàn xưa của Thái Nguyên, là cái nôi của nền văn hóa lâu đời trên đất Việt. Những di tích lịch sử với  kiến trúc nghệ thuật độc đáo đã tạo nên vẻ đẹp thanh bình giống như cái tên của vùng quê yêu dấu này. Trải qua 2 cuộc chiến tranh ác liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều địa danh trong huyện đã trở thành di tích lịch sử cách mạng, nơi đặt cơ sở in ấn, cất giấu tài liệu và đi lại hoạt động cách mạng của Xứ ủy Bắc kì những năm 1939-1945.

2
Chùa Mai Sơn, nhà in đặc biệt của Xứ ủy Bắc Kì. Ảnh: Minh Ngân   

Phú Bình là huyện có nhiều lễ hội nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Hàng năm, các lễ hội văn hóa, tâm linh ở Phú Bình như: Lễ hội Đền – Đình - Chùa Cầu Muối ( một trong những lễ hội lớn của tỉnh Thái Nguyên), lễ hội đình Phương Độ, lễ hội truyền thống cách mạng xã Kha Sơn, lễ hội truyền thống xã Thanh Ninh… thu hút đông đảo du khách thập phương không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà còn các tỉnh, thành lân cận (Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang…) đến tham quan và cầu may. Đến với các lễ hội ở Phú Bình, du khách không chỉ cầu may mà còn được tham gia, thưởng thức nhiều trò chơi dân gian như: đánh vật, chọi gà, kéo co, đua thuyền,…mà còn được nghe những câu hát mượt mà, tình tứ với lối hát đối đáp giao duyên trên bến dưới thuyền vốn tồn tại từ lâu ở các làng, xã ven sông Cầu xưa. Du khách có thể rũ bỏ hẳn những ưu phiền, những lo toan nơi phồn hoa đô hội khi đắm mình vào không gian sinh hoạt văn hóa của người dân nơi đây với cây đa, bến nước, mái đình, với lũy tre xanh và những cổng làng quê. Đó là biểu tượng của làng quê Việt Nam, đã ăn sâu vào tâm hồn mỗi người con xa quê để dù đi đâu họ vẫn luôn nhớ về nơi ấy.

3
Hát quan họ giao duyên trong lễ hội truyền thống đình Kha Sơn Thượng, xã Kha Sơn. Ảnh: Minh Ngân

Bên cạnh du lịch văn hóa tâm linh, Phú Bình hoàn toàn có thể phát triển du lịch sinh thái dựa trên những tiềm năng vốn có của mình. Tuy không có cảnh quan thiên nhiên đẹp nổi tiếng như một số địa phương khác trong tỉnh nhưng Phú Bình cũng có những địa danh và cảnh quan đẹp.Với địa hình đồng bằng xen lẫn đồi núi thấp, có một số hồ nước đẹp ( đập Kim Đĩnh – Tân Kim, hồ Trại Gạo - Tân Hòa, đập Hố Cùng - Tân Thành) cảnh sông nước hiền hòa, uốn lượn nên thơ của con sông Cầu chính là điều kiện thuận lợi để Phú Bình có thể xây dựng các khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.

4
Một góc Khu du lịch sinh thái Hồ Kim Đĩnh. Ảnh: Đức Quân

Hiện tại ở Phú Bình có Khu du lịch sinh thái Hồ Kim Đĩnh đã được đầu tư từ doanh nghiệp và thu hút một lượng lớn du khách đến với huyện. Dự án với diện tích 250ha, trong đó có 35 ha diện tích mặt nước. Hệ thống hạ tầng ở đây được xây dựng khá bài bản theo mô hình du lịch sinh thái kết hợp với dịch vụ ăn uống. Vào ngày nghỉ và lễ, tết khu du lịch đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày.

Bên cạnh đó Phú Bình còn có một số làng nghề nổi tiếng như làng nghề mộc Phương Độ (Xã Xuân Phương), làng nghề mộc Phú Lâm (Kha Sơn), Làng nghề chăn nuôi ngựa và chế biến các sản phẩm từ ngựa xóm Phẩm, xã Dương Thành, làng nghề tương nếp Úc Kỳ (xã Úc Kỳ); có nhiều trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, nhỏ khác nhau; cây trồng, vật nuôi cũng hết sức đa dạng, phong phú, có những sản vật địa phương nổi tiếng như bưởi Nga My, gạo nếp Thầu Dầu hay một món ăn hết sức dân dã mà lại ngon của người Hà Châu, ăn một lần để rồi nhớ mãi (trám đen, nham).

5
Trám bùi Hà Châu – Đặc sản của Phú Bình. Ảnh: Minh Ngân

Có thể nói, trên cơ sở những tiềm năng này, huyện Phú Bình có thể xây dựng những mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp du lịch tâm linh và tham quan mua sắm các sản phẩm của làng nghề, trải nghiệm cuộc sống thú vị ở một nông trang, thưởng thức những món ăn được chế biến từ thực phẩm sạch của địa phương. Ngoài ra có thể khôi phục lại những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Sán Rìu…ở các xã miền núi (Tân Thành, Tân Kim, Tân Hòa, Bàn Đạt) và những nét văn hóa truyền thống như hát ví, hát đối đáp quan họ ở các xã miền xuôi ven sông Cầu (Kha Sơn, Nga My, Hà Châu) để làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân đồng thời tạo ra sự thú vị cho du khách khi được trải nghiệm nhiều loại hình văn hóa trên cùng một mảnh đất yên bình, thơ mộng.

Tuy nhiên để xây dựng được những mô hình du lịch này cần phải có sự vào cuộc của các cấp, ngành địa phương với những quy hoạch cụ thể; sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân khi tham gia làm du lịch gắn với nông trại và làng nghề; đồng thời kêu gọi được các nguồn đầu tư từ doanh nghiệp cho phát triển du lịch. Hy vọng rằng, trong một tương lai không xa với tiềm năng du lịch vốn có, cùng với việc thu hút đầu tư và sự cần cù sáng tạo của người dân nơi đây, Phú Bình sẽ trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch hấp dẫn của tỉnh Thái Nguyên./.

      Tác giả: Thanh Ngân