CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Nghiên cứu, đổi mới các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách

Nghiên cứu, đổi mới các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách
Nhằm đánh giá thực trạng và nhận diện thương hiệu điểm đến của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, khả năng đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách tham quan, từ ngày 17/8 - 19/8/2018, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động trưng bày, trải nghiệm sáng tạo về văn hóa và Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại”.
IMG 2801
Trình diễn dệt thổ cẩm của dân tộc H'Mông (Ảnh:Nam Đan)

Các hoạt động trưng bày, trải nghiệm bao gồm: Tam phủ và trình diễn hầu đồng; Học mà chơi, chơi mà học; Âm nhạc dân gian và trải nghiệm sáng tạo; Bảo vệ môi trường tại cộng đồng, điểm đến và trường học. Các hoạt động trình diễn văn hóa của một số dân tộc như: In hoa văn bằng sáp ong của nghệ nhân dân tộc Mông; Nhuộm vải bằng màu tự nhiên của nghệ nhân dân tộc Thái; Làm giấy bản bằng nguyên liệu rơm của nghệ nhân dân tộc Dao. Tại đây, các nghệ nhân sẽ hướng dẫn cho học sinh khai thác vật liệu tự nhiên, thực hiện quy trình nhuộm các màu chàm, lam, xanh, đỏ…;Thi vẽ hoa văn đặc trưng của các dân tộc, lựa chọn các tác phẩm có chất lượng để khắc gỗ, in tranh trên chất liệu giấy rơm của người Dao; In tranh theo mẫu bản khắc sáng tạo mới...Ngoài ra, Bảo tàng còn tổ chức chợ vùng cao phía Bắc Việt Nam và ẩm thực dân tộc. Đồng thời chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ của 18 câu lạc bộ dân ca Hà Nội, Thái Nguyên cũng được tổ chức để phục vụ công chúng thăm quan.

Bảo tàng VHVDT Việt Nam - điểm đến hấp dẫn du khách

Trong giai đoạn hiện nay khi mà nhu cầu của khách thăm quan ngày càng cao, họ muốn được tìm hiểu kiến thức một cách đa chiều, được trải nghiệm, được giao tiếp và được đối thoại chứ không phải là hình thức thuyết minh một chiều từ Bảo tàng và “không được chạm vào hiện vật” . Xuất phát từ nhu cầu đó, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam luôn hướng đến việc đổi mới phương pháp tiếp cận, tìm tòi tổ chức nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm và kết nối lữ hành tạo nên các sân chơi lành mạnh cho công chúng và đáp ứng được mọi đối tượng thăm quan khi đến Bảo tàng. Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại” được tổ chức là một trong hoạt động nhằm hướng đến mục đích đó.  Hội thảo lần này nhấn mạnh việc phát triển nghề thủ công truyền thống từ nguyên liệu tự nhiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thay đổi nhận thức, định hướng, khuyến khích mọi người sử dụng nguyên liệu tự nhiên trong sản xuất và tiêu dùng, đồng thời tiếp cận công nghệ mới trong sản xuất thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Hội thảo cũng nghiên cứu phát triển, khuyến khích công chúng tham gia vào các hoạt động giáo dục, trải nghiệm tại Bảo tàng. Theo đó, trong những ngày diễn ra Hội thảo, các nghệ nhân sẽ hướng dẫn, truyền dạy một số công đoạn in, nhuộm màu thủ công bằng nguyên liệu tự nhiên cho học sinh, sinh viên theo phương pháp mà các nước trong cộng đồng ASEAN đã làm.

IMG 2805
Trải nghiệm của các em học sinh tại bảo tàng VHCDTVN (Ảnh:Nam Đan)

Thông qua các hoạt động đó, góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa Bảo tàng, trường học, các tour du lịch lữ hành trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, đây cũng là hoạt động hướng tới kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 02/9/ 1945 – 02/9/2018 của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Minh Đỗ