Nên có đô thị du lịch để tạo thương hiệu phát triển
- Thứ tư - 24/05/2017 12:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cơ sở lưu trú cần đăng ký xếp hạng để thu hút khách
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các đại biểu đối với dự án Luật Du lịch sửa đổi.
Đề cập đến những vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, văn hoá cao. Do đó, sự phát triển của ngành du lịch phụ thuộc rất nhiều vào các ngành và nhiều đạo luật khác, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến dự án Luật Du lịch và sự phát triển của ngành du lịch như liên quan đến visa, ưu đãi đầu tư, thuế và quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, đất đai, hạ tầng… Điều đó cho thấy, phát triển ngành du lịch phụ thuộc nhiều vào các ngành khác, không thể tự đứng một mình được. Vì vậy, cũng nên sửa đổi hoặc bổ sung các đạo luật khác cho phù hợp.
Đi vào cụ thể các vấn đề được xã hội quan tâm như xếp hạng cơ sở lưu trú, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu ý kiến, xếp hạng tự nguyện hay bắt buộc đã ban hành quy chuẩn. Một doanh nghiệp lưu trú du lịch muốn hoạt động được thì trước hết phải bảo đảm các điều kiện về buồng phòng, có tiêu chuẩn cụ thể vì đây là quy định tối thiểu để cơ sở lưu trú hoạt động. Bên cạnh đó là tiêu chuẩn nên phải cấp hạng sao cho cơ sở lưu trú đó.
Vì thế, trong Dự thảo Luật lần này có nêu 2 phương án. Một phương án của Luật Du lịch 2005 là bắt buộc xếp hạng sao và phương án tự nguyện sẽ theo hướng hội nhập, bởi hiện nay nhiều tập đoàn nước ngoài họ đi theo hệ thống của họ. Nếu doanh nghiệp muốn có thương hiệu thì phải đăng ký để khách du lịch họ đăng ký lưu trú. Nếu nằm ngoài việc đăng ký xếp hạng sao thì rất khó cho doanh nghiệp lưu trú phát triển. Doanh nghiệp lưu trú nằm ngoài xếp hạng thì sẽ không có khách. Qua đó, cũng bảo đảm quyền lợi cho khách nhiều hơn.
Về đô thị du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, điều này đã được quy định nhưng trong quá trình thực hiện vấn đề này có một số khó khăn như chỉ có thị xã Cửa Lò đáp ứng được điều kiện đó. “Có lẽ, đô thị du lịch nên là một thương hiệu nhằm tạo ra thương hiệu như Hội An, Huế, Đà Lạt… để du khách quốc tế thấy được đó là đô thị du lịch thì sẽ đến nhiều hơn, đất nước chúng ta nên có nhiều đô thị du lịch hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề xuất.
Quảng bá xúc tiến du lịch chưa ấn tượng
Liên quan đến Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, sự đồng tình cao của đại biểu đối với quy định này là cần thiết để đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch. Thực tế hiện nay chúng ta chỉ có 2,5 triệu USD để làm công tác xúc tiến quảng bá du lịch, trong khi các nước trong khu vực có hàng trăm triệu USD.
“Do vậy, công tác xúc tiến quảng bá du lịch của chúng ta không đi đến đâu cả, không tạo ra được ấn tượng gì đối với du khách. Việc hình thành Quỹ này là rất cần thiết”, Bộ trưởng Thiện thẳng thắn nhìn nhận.
Đề cập đến công tác lữ hành, tour du lịch không đồng và hướng dẫn viên du lịch, Bộ trưởng Thiện cho rằng, thực ra 3 vấn đề này liên quan mật thiết với nhau. Hiện nay, do chúng ta quản lý lữ hành chưa tốt, hướng dẫn viên du lịch cũng chưa tốt, từ đó dẫn đến câu chuyện tour du lịch giá rẻ. Doanh nghiệp thực hiện tour giá rẻ bằng việc thu những khoản thu khác, đấy mới là gốc của vấn đề. Chúng ta phải chặn được việc này mới giải quyết được.
Vấn đề này được quy định trong Dự thảo Luật sửa đổi lần này như doanh nghiệp lữ hành phải có kinh nghiệm, người làm phải có bằng cấp, tăng cường công tác quản lý đối với hướng dẫn viên du lịch. Điều quan trọng là phải quản lý chặt chẽ như họ đưa du khách vào mua ở những cửa hàng liên kết của họ mà giá đắt, không bảo đảm chất lượng thì quản lý thị trường, thuế phải thu, phải phạt.
“Từ thực tế này, Dự thảo Luật đã có quy định về hành vi bị cấm với điều khoản về thu lợi bất chính bị xử lý nghiêm để hạn chế tình trạng tour giá rẻ”, Bộ trưởng Thiện cho biết.