Một ngày trải nghiệm tại xã Thần Sa, huyện Võ Nhai
- Thứ ba - 12/11/2024 16:56
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thác Mưa Rơi thuộc xã Thần Sa, huyện Võ Nhai.
Trong thời gian 01 ngày ở Thần Sa, chúng tôi được anh Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thần Sa đưa đi tham quan một số di tích lịch sử, danh thắng và trải nghiệm tìm hiểu giá trị văn hoá của đồng bào nơi đây. Điểm đầu tiên trong hành trình khám phá là thác Mưa Rơi (Theo tiếng Tày còn gọi là thác Nậm Rứt). Thác Mưa Rơi cách trung tâm thành phố Thái Nguyên hơn 40km, nằm ngay cạnh đường vào UBND xã Thần Sa. Thác với sự đan xen của nhiều dòng thác khác nhau, có độ cao khoảng vài chục mét, đổ trắng xóa xuống sông Thần Sa. Dọc theo bờ sông có những tảng đá to, nhỏ khác nhau, tất cả hoà quyện với nhau tạo nên một bức tranh sơn thuỷ hữu tình, mang đến cho mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi cảm giác bình yên, xua tan mọi vất vả, lo âu của cuộc sống thường ngày.
Rời thác Mưa Rơi, chúng tôi đi tham quan Khu di tích khảo cổ học Thần Sa. Đây là nơi phát hiện những chứng tích về quá trình cư trú của người tiền sử thuộc giai đoạn hậu thời kỳ đá cũ với một loạt mái đá, hang động như: Phiêng Tung, Ngườm, Nà Ngùn, Thắng Choong, Hạ Sơn… Trong đó Mái đá Ngườm là một di chỉ khảo cổ học quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích khảo cổ học Thần Sa. Di chỉ Mái đá Ngườm có hình hàm ếch, cao 60 mét, mặt bằng mái đá rộng khoảng trên 800m2 thuộc dãy núi Ngườm, xóm Kim Sơn, xã Thần Sa. Qua lời giới thiệu của anh Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thần Sa chúng tôi được biết: Di chỉ khảo Mái đá Ngườm đã qua 5 lần lần khảo sát và khai quật vào những năm 1981, 1982, 1985 – 1986, 2017 và gần đây nhất là đầu năm 2024. Sau những lần khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những nền văn hóa khác nhau với hàng nghìn hiện vật của thời kỳ đồ đá như: Pongo (đười ươi), hàm xương răng voi, tiêu bản gồm đá, hạch đá, công cụ cuội có vết ghè rìa lưỡi, mảnh tước, phiến tước, công cụ mũi nhọn, rìu tay,… đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên.
Di chỉ Mái đá Ngườm Thần Sa.
Chúng tôi cũng đã được tham quan những nếp nhà sàn cổ và tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Tày tại xóm Trung Sơn, xã Thần Sa. Nơi đây vẫn giữ được hơn 100 ngôi nhà sàn tồn tại qua nhiều thế hệ. Ngoài những ngôi nhà sàn truyền thống, người dân xóm Trung Sơn còn lưu giữ được những nghi lễ, văn hóa dân tộc, nghề thủ công truyền thống và ẩm thực đặc trưng của dân tộc Tày.
Những nếp nhà sàn cổ thuộc xóm Trung Sơn,
xã Thần Sa, huyện Võ Nhai.
Bếp củi là nơi gắn kết các thành viên trong gia đình sau những giờ làm việc.
Nghề đan lát luôn được người dân ở xóm Trung Sơn gìn giữ.
Tin tưởng rằng, với thiên nhiên kỳ vỹ, nền văn hoá khảo cổ cùng những phong tục tập quán và ẩm thực đặc sắc của người dân địa phương sẽ là những lợi thế để phát triển du lịch và thu hút du khách đến với mảnh đất Thần Sa nói riêng và Võ Nhai nói chung trong thời gian tới./.
Tác giả: Đoàn Chiên