Một ngày trải nghiệm tại ATK Định Hóa
- Thứ ba - 05/05/2020 03:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cũng giống như bất kỳ một đoàn khách nào khi hành hương về ATK, điểm đầu tiên mà đoàn chúng tôi dừng chân là Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh đèo De (nhân dân vẫn gọi là Nhà thờ Bác). Cùng tâm nguyện dâng lên Bác nén tâm nhang thành kính, cầu cho mọi sự bình an. Mặc dù đang tiết trời giữa hè, thậm chí đang là những ngày nắng nóng cao điểm, nhưng khi đến với Nhà thờ Bác, chúng tôi cảm nhận một tiết trời hoàn toàn khác biệt. Sương mù giăng trắng bao phủ dãy núi Hồng lịch sử, trời lất phất mưa bay như muốn gột rửa cho mỗi người một tâm hồn thanh tịnh khi về với Bác kính yêu.
Sau khi dâng hương tại Nhà thờ Bác, chúng tôi được hướng dẫn viên của Ban quản lý Khu di tích lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa dẫn đi tham quan, trải nghiệm một số di tích, danh thắng tại xã Phú Đình theo một cung đường khép kín.
Di tích đầu tiên mà đoàn được đến thăm là cụm di tích Khuôn Tát gồm cây đa Khuôn Tát (Nơi Bác Hồ và các chiến sỹ cảnh vệ thường chơi bóng chuyền), suối Khuôn Tát (nơi Bác thường tắm giặt và câu cá) và lán Khuôn Tát nơi Bác từng ở và làm việc. Từ cây đa Khuôn Tát di chuyển qua con suối Khuôn Tát, nước trong vắt chảy róc rách ngày đêm, rồi tản bộ trên con đường mòn uốn lượn như hình zích zắc, hai bên là những cánh đồng lúa xanh mơn mởn đang thì con gái, xa xa bên sườn đồi thấp thoáng là những mái nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, chúng tôi đã đến với đồi Nà Đình. Nơi có lán và căn hầm Khuôn Tát. Đây là nơi Bác Hồ đã từng ở và làm việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc nhiều lần: Từ 20 đến 28/11/1947; từ 11/01/1948 đến 7/3/1948; từ 5/4 đến 01/5/1948 và một số lần trong năm 1953. Lán Khuôn Tát cũng là nơi Bác giao nhiệm vụ cho Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trước khi cầm quân ra mặt trận Điện Biên Phủ (mật danh Trần Đình): “Tướng quân tại ngoại, giao cho chú toàn quyền quyết định”, “Trận này rất quan trọng phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh…” Thấm thía lời dặn của Bác và xét diễn biến thực tế trên chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", và đó được coi là quyết định quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Sau khi thăm lán Khuôn Tát đoàn chúng tôi được hướng dẫn viên dẫn đi theo con đường bê tông nhỏ, rất thuận tiện chạy dọc theo suối Khuôn Tát chừng 300m để khám phá và chinh phục danh thắng thác Khuôn Tát. Thực sự được trải nghiệm trên cung đường này đã đem đến cho chúng tôi những cảm giác rất thú vị và đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Khi còn là sinh viên (khoảng hơn 10 năm về trước), tôi cũng đã cùng bạn bè đến thác Khuôn Tát. Tuy nhiên cung đường mà tôi khám phá ở thời điểm đó khác hoàn toàn với hiện tại. Lúc đó, chúng tôi chỉ được khám phá tầng thác cuối cùng của Khuôn Tát, chứ rất khó khăn trong việc di chuyển để chinh phục 7 tầng thác. Nhưng hôm nay đến đây, chúng tôi đã được bạn hướng dẫn viên đưa đi trên cung đường từ thượng nguồn thác Khuôn Tát xuống dần đến chân thác, ngắm và chinh phục trọn vẹn 7 tầng thác Khuôn Tát, điều mà trước đây tôi chỉ có thể nhìn qua ảnh. Đứng ở tầng thác cao nhất, bạn sẽ cảm nhận thiên nhiên ở đây hùng vĩ biết bao, hai bên thác là dãy núi cao sừng sững như che chắn bảo vệ cho thác nước. Những tảng đá to, nhẫn bóng, những vụng nước trong vắt nhưng không quá sâu…tất cả như muốn níu chân du khách. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi cùng đồng nghiệp đã tranh thủ check - in, nô đùa bên những con thác. Cảm giác mọi phiền muội lo toan gần như tan biến.
Điểm đến tiếp theo trên hành trình khép kín mà chúng tôi được đến thăm là lán Tỉn Keo và Nhà trưng bày ATK Định Hóa. Nơi đây ghi dấu sự kiện, ngày 6/12/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, thông qua kế hoạch tác chiến mùa Xuân 1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Có thể nới di tích Tỉn Keo là nơi phát tích của chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu.
Sau hành trình đi bộ gần 1 km tham quan các di tích, danh thắng theo một cung đường khép kín tại Phú Đình, chúng tôi đã về nghỉ ngơi và ăn trưa tại Trung tâm dịch vụ ATK. Với sự đón tiếp rất nồng hậu, chân thành và mộc mạc cùng những món ăn giản dị mang đậm chất núi rừng Định Hóa đã làm ấm lòng những du khách như chúng tôi. Ngồi nhâm nhi chén rượu men lá của đồng bào, thưởng thức những món ăn chỉ ở nơi đây mới có như: Cơm lam, gà đồi, lợn bản xào mọc nhĩ rừng, củ cọ nấu xương, cá suối nấu mẻ, thịt trâu xào măng, rau bò khai xào… sẽ để lại những dư vị không thể nào quên trong lòng mỗi thực khách.
Ăn trưa xong, trước khi tiếp tục hành trình di chuyển, chúng tôi tản bộ đi tham quan những gian hàng, nơi bán những mặt hàng lưu niệm và những sản vật của ATK để mua về làm quà cho người thân. Những sản vật của bà con nơi đây rất mộc mạc, đó là túi măng vừa mới đào trên rừng về, vài chai mật ong của nhà nuôi được hay ít bánh lẳng, mấy ống cơm lam… Sự mộc mạc, giản dị này đã trở thành một nét đặc trưng riêng của mảnh đất ATK góp phần thu hút du khách.
Cũng đã sang chiều, đoàn chúng tôi lên xe và di chuyển đến tham quan 2 điểm cuối cùng trong hành trình 01 ngày tại ATK, đó là Làng văn hóa du lịch Bản Quyên và di tích Khau Tý thuộc xã Điềm Mặc. Hai điểm tham quan này rất gần nhau nên thuận tiện cho chúng tôi trong việc di chuyển. Đến Làng văn hóa du lịch Bản Quyên, du khách có thể tản bộ để đến với di tích Khau Tý. Cùng đi bộ trên con đường bê tông sạch sẽ, ngắm những mái nhà sàn thấp thoáng bên đồi, thánh thót đâu đây tiếng đàn tính và những câu hát then mượt mà của những chàng trai, cô gái của bản, hay check- in tại các cọn nước sẽ đem lại cho du khách những phút giây thư thái đến lạ.
Đến với di tích Khau Tý, là địa điểm đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở, làm việc (Từ 20/5 đến 11/10/1947) để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chúng tôi như cảm nhận vẫn còn đâu đây bóng hình của Bác, hàng râm bụt năm xưa Bác trồng, chiếc bàn nơi Bác ngồi làm việc, dụng cụ Bác tập thể thao… Khau tý được coi là “Phủ Chủ tịch đầu tiên tại ATK Định Hóa”. Tại đồi Khau Tý Bác đã hoàn thành bản thảo cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” và viết bài thơ “Cảnh khuya”.
Một cảm giác thật khó tả với mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi sau khi trở lại chiến khu xưa. Sự cảm phục, lòng thành kính với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam và niềm tự hào về một giai đoạn hào hùng của lịch sử dân tộc sẽ luôn hiện hữu trong mỗi người con dân đất Việt như chúng tôi. ATK không chỉ là một khu di tích có giá trị về mặt lịch sử mà còn là một điểm đến tâm linh kết hợp du lịch sinh thái hấp dẫn. Chúng tôi đã đến và cảm nhận còn bạn thì sao? Hãy lên lịch và xây dựng cho mình một chuyến đi thật ý nghĩa về nơi này bạn nhé!
Tác giả: Minh Đỗ