CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Làng Văn Hóa – Du Lịch các dân tộc Việt Nam: Vì sao lượng khách tăng đột biến?

Làng Văn Hóa – Du Lịch các dân tộc Việt Nam: Vì sao lượng khách tăng đột biến?
Sau một năm thực hiện phương án tổ chức hoạt động thường xuyên (hằng ngày) của nhóm nghệ nhân, đồng bào dân tộc tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ðồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), lượng khách đến đây tăng nhiều hơn so với những năm trước. Có thể nói, những hoạt động thường xuyên của đồng bào, nghệ nhân đã góp phần tạo nên sức sống cho “Ngôi nhà chung”.

Lượng khách tăng đột biến

Từ tháng 10/2015, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức thí điểm hoạt động hàng ngày của 8 cộng đồng dân tộc (Mường, Thái, Ê Đê, Khơ Mú, Khmer, Tày, Dao, Ba Na) tại không gian các làng. Trước đó, từ tháng 9/2010 đến tháng 9/2015, hoạt động của đồng bào các dân tộc tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam chủ yếu theo hình thức huy động phục vụ hoạt động trong 3 dịp tổ chức sự kiện thường niên gồm: Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc (Dịp đầu năm mới), “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” (dịp ngày 19/4 hằng năm), Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” (tháng 11 hàng năm) và một số sự kiện, lễ hội được tổ chức trong năm. Tính trung bình, mỗi năm có khoảng 1000 lượt đồng bào của khoảng 30 dân tộc được huy động theo sự kiện tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, với khoảng thời gian hoạt động từ 3-7 ngày/ đợt.

Theo ông Lâm Văn Khang (Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam), lượng khách tới “Ngôi nhà chung” này đã có sự tăng đột biến. Cụ thể, trung bình số lượng khách đến tham quan Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam những năm trước chỉ đạt từ 150.000 – 200.000 lượt/năm. Năm 2015 đạt khoảng 250.000 lượt khách thì ước tính đến 10 tháng đầu năm 2016 đã trên 400.000 lượt khách. Dự báo, năm 2016, lượng khách tới đây có thể đạt tới con số 450.000 lượt.

Nhiều hoạt động đặc sắc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Lý giải về sự tăng trưởng này, theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc BQL Khu các làng dân tộc, nếu theo hình thức huy động phục vụ hoạt động chung thì tổng thời gian có đồng bào các dân tộc hoạt động tại Làng chỉ chiếm khoảng 25-30 ngày/ năm. Thời gian còn lại, du khách chỉ được tham quan các không gian kiến trúc, cảnh quan của các dân tộc và nghe thuyết minh viên giới thiệu chung về Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Cũng vì thiếu hoạt động thường xuyên nên chưa thu hút được khách du lịch, các công ty lữ hành không thiết kế tour do thiếu kế hoạch và tính ổn định của các hoạt động hằng ngày. Sự hiện hữu của 8 cộng đồng dân tộc (Mường, Thái, Ê Đê, Khơ Mú, Khmer, Tày, Dao, Ba Na) trong chính không gian văn hóa của cộng đồng đã góp phần hoàn thiện không gian mang tới những trải nghiệm văn hóa cho du khách.

Kết hợp bảo tồn và phát triển du lịch

Dù xa quê hương bản quán nhưng đồng bào các dân tộc đều ý thức giữ nếp sinh hoạt hằng ngày để giới thiệu tới du khách về đặc trưng của dân tộc mình. Từ khi “xuống Làng”, ông Uông Văn Hòa, đại diện nhóm cộng đồng dân tộc Tày (Thái Nguyên) cho biết, các hoạt động sinh hoạt thường nhật của bà con, giới thiệu nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực, các sản phẩm nông sản, thủ công nghiệp đặc trưng của địa phương đều được tổ chức tại các không gian làng truyền thống. Vào mỗi dịp cuối tuần, các nghệ nhân trình diễn, giao lưu dân ca, dân vũ, giới thiệu trò chơi dân tộc đặc trưng… cho du khách. Tại đây, đồng bào và các nghệ nhân trồng chè để đãi khách đến nhà bát nước chè xanh, trồng rau xanh để phục vụ cho khách đặt ăn cơm tại nhà sàn, thêu thùa, dệt vải để giới thiệu nghề vừa để bán sản phẩm thủ công…

Với lợi thế gần Hà Nội, lại có môi trường sống, không gian sống thuận lợi, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cần giữ được mắt xích liên kết với cộng đồng địa phương – chuyên gia tư vấn– cơ quan truyền thông - hãng lữ hành thì mới đảm bảo phát triển bền vững. Đây là ý kiến của TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Nhìn nhận sau 1 năm triển khai, ông Nguyễn Quý Phương (Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch) cho rằng sản phẩm của Làng Văn hóa - Du lịch đã thực sự đưa vào khai thác hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn cần đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc với phát triển du lịch, vừa phải mang lại nguồn thu để đảm bảo mức sống tối thiểu cho bà con, và tái đầu tư cho Làng Văn hóa để hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Theo ông Phương, trước mắt, Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc nên tổ chức bộ phận marketing, truyền thông, nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên, tăng cường liên kết với các công ty du lịch và trường học để khai thác các sản phẩm du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, du lịch học đường, tạo không gian cho du khách tìm hiểu di sản, tham gia các chương trình học kỳ quân đội, trải nghiệm cuối tuần…Lịch hoạt động tại đây cũng nên được thông tin đều đặn tới các công ty du lịch và truyền thông để họ chủ động lên kế hoạch xây dựng tour, tuyến, quảng bá hiệu quả. Cơ quan quản lý khi xây dựng cơ chế bán vé cũng nên phân định mức giá trong tuần, dịp nghỉ lễ, nghỉ hè, các chương trình giảm giá để kích cầu.

Tại Hội nghị tổng kết trong 1 năm tổ chức thí điểm hoạt động hằng ngày của đồng bào dân tộc vừa được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cuối tháng 10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái đã nhấn mạnh đến vai trò của đồng bào các dân tộc với tư cách là chủ thể văn hóa, người giữ gìn những    nếp nhà truyền thống, giữ gìn bản sắc và truyền sức sống, tạo hồn cho Làng Văn hóa, bởi nơi đây không phải là một bảo tàng mà là nơi tái hiện lại cuộc sống của đồng bào các dân tộc, để du khách trong nước và quốc tế có thể hiểu được về đất nước và con người Việt Nam. 
 

Nguồn tin: baodulich.net.vn