CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


LỄ HỘI CỐ ĐÔ HOA LƯ – NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

LỄ HỘI CỐ ĐÔ HOA LƯ – NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
"Ai là con cháu Rồng tiên. Tháng Ba mở hội Trường Yên thì về".

 

 

 Hàng năm cứ vào dịp tháng ba âm lịch, nhân dân Trường Yên lại nô nức chuẩn bị Lễ hội để tưởng nhớ, tri ân công đức hai vị anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn. Lễ hội được tổ chức đều đặn hàng năm và trở thành truyền thống tại di tích Cố đô Hoa Lư trên địa bàn xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình -  nơi tọa lạc của 2 ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành. Vì thế mà lễ hội có nhiều tên gọi: Lễ hội Trường Yên, lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư, lễ hội Cờ lau.

4
Nghi lễ dân hương tại cố đô Hoa Lư – Ninh Bình. Ảnh: Huệ Trần

 

Hơn 1000 năm trước, sau khi bình định 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng và chọn Hoa Lư làm kinh đô nước Đại Cồ Việt, mở ra nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta. Rồi đến nhà Lê nối nghiệp nhà Đinh, với những chiến công hiển hách trong công cuộc đánh Tống bình Chiêm, giữ yên bờ cõi.

Lễ hội cố đô Hoa Lư hay còn gọi là hội Trường Yên là lễ hội lớn nhất tỉnh Ninh Bình và được công nhận là lễ hội truyền thống cấp quốc gia từ năm 2015. Hội diễn ra hàng năm từ ngày 8 đến ngày 10 tháng ba âm lịch.

5
         Nghi lễ rước nước trên sông Hoàng Long. Ảnh: Huệ Trần

          Phần lễ gồm hai nghi lễ trang nghiêm là lễ rước nước và lễ tế. Đoàn rước nước khởi hành từ đền vua Đinh Tiên Hoàng, đi đầu là cờ ngũ hành, cờ hành thuỷ (màu đen) đi giữa, sau đến đoàn múa rồng biểu hiện cho ý thức cầu nước và là biểu tượng vật thiêng (rồng vàng) từng cứu Đinh Tiên Hoàng thuở hàn vi; rồi tới phường bát âm đi hàng đôi, tiếp theo đến kiệu long đình do bốn chàng trai khiêng, trên đặt một cái choé để đựng nước Thánh, đoàn rước tiến về phía sông Hoàng Long. Đoàn rước có một thuyền rồng (thuyền chính) chèo ra giữa sông làm lễ, sau đó thả đồ vàng mã và đồ lễ xuống sông tạ ơn Hà Bá. Tiếp đó người chủ tế thả một chiếc vòng tròn vải đỏ xuống dòng sông, nước được múc từ trong vòng tròn này, đổ vào choé qua một lớp vải đỏ trên miệng. Nước trong vòng tròn vải đỏ là được lọc qua lớp vải sẽ càng tinh khiết hơn. Khi nước đã đầy choé, các thuyền tản ra, quay mũi về bến, riêng thuyền rước choé nước còn quay sang bên trái rồi mới trở lại bến cũ và tiếp tục cuộc rước nước về đền.

Phần lễ tế diễn ra cùng lúc ở hai đền vua Đinh và đền vua Lê. Bài văn tế chia thành chín đoạn (cửu khúc). Sau khi chủ tế xướng xong một đoạn có hai người phường nhà trò (một nam - đàn; một nữ - hát) diễn giải lại nội dung đoạn văn tế bằng điệu ca trù. Kết thúc lễ tế, khách hành hương trảy hội vào điện thờ ở hai đền dâng hương làm lễ và chiêm bái di tích.

7
Tế nữ quan tại lễ hội Hoa Lư. Ảnh: Huệ Trần 


          Du khách trảy hội có thể tham dự các hoạt động như: đại lễ cầu siêu, lễ hoa đăng, các trò chơi dân gian: đánh cờ người, đua thuyền, kéo co, chọi gà, đu bay, thi đấu các môn thể thao: vật dân tộc, đánh bóng chuyền… thi thư pháp, hát chầu văn, bình thơ, thi thơ, trò kéo chữ, múa gậy, múa rồng, múa lân…Độc đáo nhất của hội Trường Yên là trò "Cờ lau tập trận", diễn lại sự tích quãng đời chăn trâu thuở nhỏ của Đinh Bộ Lĩnh trên đất Trường Yên.

Mùa xuân trẩy hội Trường Yên cũng là dịp du khách đi thăm di tích đền vua Đinh, đền vua Lê, thăm lăng vua Đinh trên đỉnh núi Mã Yên, tưởng nhớ về nguồn cội, tổ tiên - một vùng đất “địa linh nhân kiệt”./.

 

 Huệ Trần