Khởi động Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc
- Thứ tư - 23/08/2017 05:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Các em học sinh người Dao đỏ huyện Lâm Bình trong một cuộc triển lãm ảnh của địa phương
Sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành các quyết định, kế hoạch, quy chế cho Ngày hội, Ban Tổ chức đã họp bàn, phân công nhiệm vụ, triển khai công việc đến từng thành viên. 12 tỉnh/thành phố tham gia gồm: Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Sơn La, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Hà Nội. UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch cụ thể, chi tiết giao các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh thực hiện.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa là đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh, vừa là đơn vị chủ trì, đầu mối, phối hợp thực hiện triển khai các phần việc của Ngày hội. Sở chỉ đạo các phòng, cơ quan, đơn vị chức năng trực thuộc, căn cứ nhiệm vụ được phân công, phối hợp triển khai công việc đúng kế hoạch, tiến độ với các phần việc chính: Chuẩn bị chu đáo cho Lễ khai mạc, bế mạc của Ngày hội và 6 hoạt động liên quan gồm: Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Dao; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Dao; Trưng bày, triển lãm “Sắc màu văn hóa dân tộc Dao”; Thi đấu các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian dân tộc Dao; Trưng bày giới thiệu ẩm thực dân tộc Dao; Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao”.
Ông Trần Hải Quang, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết, đơn vị được giao chuẩn bị lực lượng gồm 230 nghệ nhân, diễn viên quần chúng dân tộc Dao tiêu biểu tham gia Ngày hội. Hiện trung tâm đang phối hợp với Câu lạc bộ Bảo tồn dân tộc Dao và trưởng nhóm của 9 ngành Dao trong tỉnh đi khảo sát thực tế tại cơ sở. Một số tiết mục đặc sắc của các ngành Dao đã được chọn như: “Tết nhảy” của người Dao quần chẹt xã Hợp Hòa (Sơn Dương); Hòa tấu nhạc cụ trống của người Dao đỏ xã Sơn Phú (Na Hang); Múa màng của người Dao tiền xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa); Nghi lễ mừng thọ của người Dao đỏ xã Tân Thành (Hàm Yên). Về ẩm thực, mỗi ngành Dao chọn những món đặc sắc nhất, như ngành Dao quần chẹt có món thịt lợn luộc chấm nõn chuối, nộm rau bao...
Trung tâm còn có nhiệm vụ tuyển chọn 3 thiếu nữ mặc trang phục dân tộc Dao đẹp nhất để trình diễn cùng các tỉnh; tham gia gian hàng Triển lãm “Sắc màu dân tộc Dao”; thiết kế 7 cụm cổ động, 100 panô, áp phích, 50 băng rôn trên các tuyến đường chính của thành phố Tuyên Quang và dựng 200 m2 quảng bá hình ảnh của 12 tỉnh tham gia; thiết kế logo của Ngày hội. Sau khi thống nhất tiết mục, món ẩm thực tiêu biểu ở cơ sở, Trung tâm sẽ cử cán bộ về hướng dẫn việc biểu diễn, tập luyện cho thống nhất, ăn khớp với kịch bản của chương trình, ý tưởng của tổng đạo diễn.
Những ngày này, tại Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh, nghệ sỹ, diễn viên đang tập trung cao độ cho nhiệm vụ được giao. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Trưởng đoàn khẳng định, đơn vị sẽ tập trung huy động 120 diễn viên chuyên và không chuyên phối hợp với đơn vị tổ chức sự kiện, tổng đạo diễn, làm tốt nhiệm vụ biên đạo, biểu diễn được phân công. Những tiết mục múa, hát, chơi nhạc cụ tinh túy nhất của dân tộc Dao Tuyên Quang sẽ được các nghệ sỹ, diễn viên của đơn vị thể hiện với sự cố gắng cao nhất, tạo sức lôi cuốn, hấp dẫn khán giả, để lại ấn tượng cho người xem.
Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cũng đang triển khai nhiều phần việc chính. Ông Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm chia sẻ, mấy ngày nay cường độ làm việc của đơn vị được đẩy lên cao. Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam cử cán bộ đi khảo sát, bố trí, sắp xếp các gian hàng Trưng bày, triển lãm “Sắc màu dân tộc Dao” của 12 tỉnh; chủ trì bố trí 6 gian hàng của các huyện và 13 gian hàng của các xã, phường của thành phố Tuyên Quang nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương trên tuyến hành lang đại lộ Tân Trào đoạn từ khách sạn Mường Thanh đến khu vực Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Trung tâm còn phối hợp với Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội tổ chức Lễ hội Bia Hà Nội tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Thanh thiếu nhi tỉnh. Tại đây, còn có sự tham gia của khoảng 30 gian hàng ẩm thực của các huyện, thành phố, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Tuyên Quang hiện có trên 100 nghìn người Dao sinh sống, là dân tộc thiểu số đông thứ 2 sau dân tộc Tày, phân bố ở cả 7 huyện, thành phố với đầy đủ 9 ngành Dao: Dao đỏ, Dao tiền, Dao Quần chẹt, Dao Quần trắng, Dao Coóc mùn, Dao Coóc ngáng, Dao Thanh y, Dao Ô gang, Dao Áo dài. Ông Bàn Xuân Triều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn dân tộc Dao tỉnh phấn khởi nói, nhân dân trong tỉnh, nhất là đồng bào Dao vui mừng, tự hào khi Tuyên Quang đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất. Đây là cơ hội cho người Dao của các tỉnh, thành phố về đây tụ hội, giao lưu, giới thiệu bản sắc văn hóa. Vì vậy, đồng bào Dao trong tỉnh sẽ mang những nét đặc sắc ngành Dao của mình về nghi lễ, phong tục, tập quán, trang phục, ẩm thực, trò chơi dân gian, thể thao, văn nghệ... tham gia, góp phần vào sự thành công của Ngày hội.
Bài, ảnh: Quang Hòa