Khai mạc Lễ hội văn hóa thế giới TP. Hồ Chí Minh – Gyeongju 2017
- Chủ nhật - 05/11/2017 10:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tham dự buổi lễ về phía Hàn Quốc có ngài Na Jong Min, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc; ngài Kim Kwan Yong, Tỉnh trưởng và đại diện lãnh đạo các sở, địa phương thuộc tỉnh Gyeongsangbuk. Dự buổi lễ còn có đại diện Vương quốc Campuchia, Mông Cổ và đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Về phía Việt Nam có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; lãnh đạo HĐND, UBND thành phố Hồ Chí Minh và các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đoàn đại biểu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc sở VHTTDL.
Tiết mục cổ động Silla, tái hiện không khí cung điện vua chúa ngày xưa
Hai nước Việt Nam và Hàn Quốc dù cách xa địa lý nhưng có nhiều nét tương đồng về văn hóa, lịch sử và con người. Đặc biệt, năm 2017 đánh dấu cột mốc đáng nhớ trong suốt 25 năm qua khi quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được nhiều thành tựu trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, thương mại, giáo dục, du lịch… Trong phát biểu đáp từ, ngài Kim Kwan Yong, tỉnh trưởng tỉnh Gyeongsangbuk – Hàn Quốc cho rằng: Lễ hội văn hóa thế giới được tổ chức để cùng nhau góp phần xây dựng tương lai chung, và Việt Nam - Hàn Quốc sẽ củng cố vị thế là đối tác kinh tế lớn, có quan hệ thương mại lớn thứ 3 của nhau cùng với rất nhiều kiều bào hai nước đã qua lại và sinh sống.Phát biểu khai mạc Lễ hội, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Lễ hội Văn hóa thế giới Thành phố Hồ Chí Minh – Gyeongju 2017 là minh chứng cho vai trò hội nhập quốc tế của Thành phố, góp phần thúc đẩy quá trình hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, giáo dục giữa Việt Nam và Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung. Lễ hội Văn hóa thế giới Thành phố Hồ Chí Minh có chủ đề “Giao lưu Văn hóa vì một châu Á thịnh vượng” sẽ diễn ra trong 23 ngày từ 11/11 – 3/12.
Cùng trong phát biểu khai mạc, ông Kim Kwan Yong tỉnh trưởng tỉnh Gyeongsangbuk không quên nhớ về mối nhân duyên 800 năm về trước: Khi con trai của hoàng thúc Triều Lý, Lý Long Tường tên là Lee Jong Chong đã từng cai quản cả một vùng Andong, nay là đô thị tỉnh lỵ của tỉnh Gyeongsangbuk và hậu duệ của ông đã chọn nơi này làm quê hương của mình. Vì vậy, chương trình Lễ hội Văn hóa thế giới được tổ chức là sự kết hợp bởi sức mạnh của Việt Nam và Hàn Quốc vốn đã có mối quan hệ giao lưu từ rất lâu đời. Ngài Choi Yang Sik, Thị trưởng thành phố Gyeongju, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc, thành phố kết nghĩa với TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Thông qua lễ hội văn hóa thế giới, thành phố Gyeongju mong muốn giới thiệu đến người dân Việt Nam và toàn thế giới những đặc sắc, tinh túy trong văn hóa triều đại Silla – một vương triều đã từng rất hưng thịnh trong lịch sử Hàn Quốc. Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng để đưa Lễ hội văn hóa thế giới đến Hà Nội và Thái Nguyên
Với chủ đề cho đêm khai mạc “Bừng nở những đóa hoa”, người xem được thưởng lãm một câu chuyện tình yêu dựa trên khuôn mẫu lối sống nhân duyên giữa hai quốc gia, được thể hiện bằng những điệu múa và bài hát của Shilla thật đẹp và năng động.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tham gia buổi khai mạc Lễ hội văn hóa thế giới
TP. Hồ Chí Minh – Gyeongju
Đây là lần thứ 3, tỉnh Gyeongsangbuk đưa Lễ hội văn hóa thế giới Gyeongju đến với bạn bè quốc tế. Năm 2006, lễ hội Gyeongju- Angkor tại Campuchia; năm 2007 lễ hội Gyeongju – Istanbul và trong lần thứ 3 tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Gyeongsangbuk muốn nhấn mạnh đến yếu tố thịnh vượng, hợp tác trong khu vực châu Á. Với ý nghĩa đó, thông qua lễ hội lần này, tỉnh Gyeongsangbuk mong muốn khẳng định mối quan hợp tác chặt chẽ 12 năm qua và nhiều năm tiếp sau với tỉnh Thái Nguyên.
Ngoài các đoàn nghệ thuật từ Hàn Quốc, khán giả còn được theo dõi các màn trình diễn của các nghệ sỹ Việt Nam, Mông Cổ, Nga, Campuchia… Trên phố đi bộ Nguyễn Huệ dài khoảng 1km, có 2 sân khấu và khu quảng bá. Đây chính là nơi trình diễn Lễ hội âm nhạc điện tử Việt- Hàn, các buổi biểu diễn do 16 đoàn đến từ 15 quốc gia sẽ biểu diễn âm nhạc, biểu diễn thời trang Việt - Hàn, biểu diễn võ thuật truyền thống Việt-Hàn… Người dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 3 tuần tràn ngập không khí lễ hội, tại các địa điểm khác như Công viên 23/9, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, các rạp chiếu phim, Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh.
Đoàn Thanh niên Việt - Hàn trao cờ hữu nghị, báo cáo về hành trình giao lưu thanh niên Việt Nam – Hàn Quốc
Trong khuôn khổ lễ khai mạc, hai sinh viên Kim Young Min và Phạm Kiều My – đại diện cho hành trình giao lưu văn hóa thanh niên Việt - Hàn đã trao cờ cho đại diện thanh niên chủ nhà Việt Nam. Đây là lá cờ biểu trưng, đi đầu trong đội hình 50 thanh niên Việt Nam – Hàn Quốc xuất phát từ Thái Nguyên và có mặt trong buổi khai mạc Lễ hội văn hóa thế giới như một biểu trưng của nhiệt huyết, khát vọng tuổi trẻ hai nước.
Hai tuần trước, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã cùng ngài Woo Byungyoon, phó Tỉnh trưởng tỉnh Gyeongsangbuk trực tiếp truyền lửa, giao nhiệm vụ cho 50 thanh niên của hành trình giao lưu văn hóa thanh niên Việt – Hàn ở lễ xuất quân tại Thái Nguyên. Gặp lại tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng chỉ chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: Từ trình của thanh niên hai nước Việt - Hàn vừa qua, đó không chỉ là hành trình dọc theo dải đất hình chữ S, mà đó còn là hành trình gắn kết của những mối liên hết ngày càng bền chặt hơn về kinh tế, chính trị, giao lưu văn hóa, ngoại giao nhân dân giữa tỉnh Gyeongsangbuk với các địa phương của Việt Nam, mà khởi đầu của hành trình đó, từ Thái Nguyên.
Lê Tùng
Thainguyentv.vn