Kha Sơn – Khai mạc Đại hội Thể dục Thể thao và Hội truyền thống cách mạng
- Thứ năm - 09/03/2017 08:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kha Sơn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Kha Sơn cùng với Hiệp Hòa (Bắc Giang) và Phổ Yên được chọn làm ATK II, nơi đi lại hoạt động, chỉ đạo cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ những năm 1939-1945. Kha Sơn trở thành nơi nuôi giấu, che chở cho cán bộ cách mạng; nơi tổ chức nhiều hội nghị quan trọng của Trung ương; nơi in ấn tài liệu và chuyển tới các địa phương những văn kiện quan trọng của Trung ương Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Xứ ủy Bắc kì, đồng thời đóng vai trò là cầu nối xuất sắc giữa ATK và đồng bằng, trung du với căn cứ địa Việt Bắc, tạo ra sự thống nhất hành động, thống nhất lực lượng, thống nhất lãnh đạo trong các cấp, góp phần to lớn vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, 1945.
Ngày 14-3-1945, Chi bộ Kha Sơn Hạ phát động quần chúng nhân dân trong xã đứng lên giành chính quyền thắng lợi. Ngọn cờ khởi nghĩa giành chính quyền của huyện Phú Bình cũng bắt đầu từ mảnh đất này và đi vào lịch sử như mốc son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc.
Đại biểu dự khai mạc (Ảnh: Mai Sinh)
Hiện trên địa bàn xã còn lại 11 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 7 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 4 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tiêu biểu nhất phải kể đến Cụm di tích lịch sử văn hóa xã Kha Sơn, bao gồm: Chùa Mai Sơn, đình Kha Sơn Hạ - chùa làng Ca, đình Kha Sơn Thượng, rừng Mấn, rừng Rác và nền nhà ông Cao Nhật. Những di tích này đều đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định xếp hạng số 985/QĐ-VH ngày 7/5/1997.
Lễ diễu hành của cán bộ và nhân dân các dân tộc xã Kha Sơn (Ảnh: Mai Sinh)
Hằng năm, vào ngày 14-3, Đảng bộ và nhân dân dân xã Kha Sơn đều long trọng tổ chức Lễ kỉ niệm và Lễ hội lịch sử truyền thống xã Kha Sơn để tưởng nhớ và tôn vinh công lao to lớn của thế hệ cha anh, đồng thời, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng của quê hương cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Tiết mục múa hát "Việt Nam ơi, mùa xuân đến rồi" trong đêm giao lưu văn nghệ (Ảnh: Mai Sinh"
Lễ hội truyền thống và Đại hội Thể dục Thể thao năm nay diễn ra trong hai ngày, 14-15/3 với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao hấp dẫn như: giao lưu văn nghệ, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, kéo co, chọi gà... thu hút đông đảo các vận động viên, nhân dân và du khách thập phương tham gia.