CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc hướng tới phát triển du lịch sinh thái

Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc hướng tới phát triển du lịch sinh thái
Vùng chè Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khí hậu thuận lợi và bao bọc bởi đồi núi, những khe suối nguồn tạo điều kiện cho cây chè phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm trà.

 

 

 

 

Cũng nhờ sự sáng tạo trong phương thức sản xuất và bàn tay yêu lao động, người dân nơi đây đã biến vùng chè Tức Tranh thành vùng chè nổi tiếng, tạo ra sản phẩm trà có vị đặc trưng riêng. Hiện nay, Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc là đơn vị sản xuất chè lớn của vùng chè Tức Tranh và đi đầu trong việc chuyển đổi sang mô hình trồng chè hữu cơ.

Được thành lập từ năm 2018, Hợp tác xã gồm 15 thành viên chính và 108 thành viên liên kết. Hiện nay, Hợp tác xã đã chuyển đổi 40ha trồng chè theo tiêu chuẩnVietGAP sang trồng chè hữu cơ đạt tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ Quốc gia TCVN 11041 – 2:2017. Để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm, Hợp tác xã đã đầu tư một số máy móc hiện đại phục vụ sản xuất như: Máy nghiền bột trà xanh, máy đóng gói trà tự động, máy làm kẹo trà xanh...  Hợp tác xã chè Khe Cốc có các dòng sản phẩm như: Chè đinh, chè tôm nõn, chè móc câu, chè túi lọc, kẹo trà xanh, các loại bột trà matcha... Những sản phẩm này đã có mặt tại một số tỉnh, thành trong cả nước, trong đó thị trường Hà Nội là chủ yếu và ký hợp đồng xuất khẩu với một số nước thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội như: Pháp, Ba Lan, Ý... 

Máy nghiền bột trà xanh, máy đóng gói trà tự động
 
của Hợp tác xã chè Khe Cốc.  Ảnh: Thu Hương
Sản phẩm chè của Hợp tác xã. Ảnh: Thu Hương.

Qua trao đổi anh Tô Văn Khiêm, Giám đốc Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc, đồng thời cũng là một trong ba nghệ nhân của Thái Nguyên được phong tặng danh hiệu nghệ nhân chè Việt Nam năm 2019, anh cho biết: Sang năm tới (năm 2022), Hợp tác xã dự kiến sẽ khởi công xây dựng homestay, phòng thưởng trà, bể cá Koi, tạo cảnh quan để du khách check in, xây dựng bể bơi composite trên đỉnh đồi chè và tiến tới mở rộng khu sản xuất, chế biến sản phẩm trà. Khi đó, đến với Hợp tác xã, du khách sẽ được tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc cây chè, tham quan đồi chè, tìm hiểu quy trình trồng, chăm sóc chè và trải nghiệm cuộc sống nhà nông. Đồng thời, khách du lịch còn được tự tay hái chè, sao chè, pha trà, đóng gói sản phẩm và chế biến các món ăn có nguyên liệu từ trà xanh như : Gà hấp trà, đậu chiên trà, cá song kho trà,  bánh, kẹo trà...  Để đa dạng các hoạt động tham quan, trải nghiệm cho du khách, anh cũng cho biết, Hợp tác xã sẽ kết hợp với mô hình du lịch cộng đồng tại xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh để du khách trải nghiệm và tìm hiểu múa Tắc Xình, hát Sấng Cọ của dân tộc Sán Chay; đưa du khách đi tham quan, trải nghiệm vườn cây ăn quả tại xóm Gốc Gạo... Anh Khiêm cũng cho biết thêm, để không gian sống luôn trong lành cũng như tạo một môi trường thân thiện và an toàn cho du khách, anh còn có ý tưởng tại đây chỉ sử dụng xe đạp và xe điện, không sử dụng ô tô, xe máy trong vùng sản xuất và phát triển du lịch.

Du khách trải nghiệm hái chè cùng bà con. Ảnh: Thành Hải.
Lán thưởng trà phục vụ du khách. Ảnh: Tiến Thành.
Mô hình kết hợp trồng chè và cây ăn quả
 tại xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương. Ảnh: Đoàn Chiên.

Có thể nói, việc xây dựng và triển khai mô hình kết hợp sản xuất chè với phát triển du lịch sinh thái tại Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc trong thời gian tới là một hướng đi đúng đắn và sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói riêng cũng như tạo thêm điểm du lịch mới trên bản đồ du lịch của tỉnh Thái Nguyên./.

Bài viết: Đoàn Chiên