Hợp tác xã Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên - Đơn vị đầu tiên triển khai dịch vụ trải nghiệm về văn hóa trà
- Chủ nhật - 17/04/2022 11:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Với tổng diện tích trên 2ha chè, trong đó có khoảng 1ha là giống chè trung du cổ trải dài trên những quả đồi bát úp, cùng với kinh nghiệm theo nghề truyền thống của gia đình đã trên 50 năm, nhiều năm qua sản phẩm của Hợp tác xã rất được ưa chuộng trên thị trường. Được biết, để có được những ấm trà ngon, xứng đáng với danh hiệu “Thái Nguyên đệ nhất danh trà” từ quy trình chăm sóc phải đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGap - chuyển đổi theo hướng hữu cơ, quá trình chế biến sản phẩm cũng hết sức công phu, tuân theo một quy trình kỹ thuật liên hoàn cực kỳ nghiêm ngặt để cho ra sản phẩm thành phẩm.
Khách du lịch trải nghiệm tại Hợp tác xã.
Tại vùng chè Tân Cương hiện nay, có khá nhiều điểm du lịch cộng đồng trải nghiệm về văn hóa trà như: Hợp tác xã chè Hảo Đạt, Hợp tác xã Tâm Trà Thái, cơ sở sản xuất chè Thắng Hường... Trong đó, Hợp tác xã Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên là một điểm dừng chân lý tưởng với du khách. Tuy rằng không nằm trên trục đường chính ĐT 267 như một số cơ sở khác nhưng đổi lại việc du khách di chuyển trên cung đường bê tông uốn lượn dẫn vào cơ sở lại đem đến những trải nghiệm ấn tượng, có thể ngắm nhìn những đồi chè Tân Cương ở tầm nhìn xa hơn và có nhiều không gian để du khách lưu lại những bức hình đẹp.
Không gian cảnh quan của Hợp tác xã khá đẹp.
Hợp tác xã Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên có không gian cảnh quan khá đẹp, hệ thống đường bê tông nhỏ lên đến gần 1.000m trong khu vực đồi chè để du khách tham quan, chụp ảnh được thuận tiện; có hồ nước, làm cầu tạo bối cảnh để du khách check in; dựng chòi quanh hồ để du khách ngồi thưởng trà, ngắm cảnh và câu cá...
Khách tham quan khu sản xuất.
Với mong muốn đem lại cho du khách hoạt động trải nghiệm văn hóa trà một cách trọn vẹn nhất, đặc biệt là du khách quốc tế, hiện nay, Hợp tác xã Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên đã triển khai các dịch vụ phục vụ du khách như: Đại diện Hợp tác xã nói chuyện về văn hóa vùng chè Tân Cương, phí là 200.000đ/giờ; trải nghiệm đi hái chè gồm có mũ, nón, gùi đựng chè và trang phục dân tộc (có nghệ nhân hướng dẫn), phí là 50.000đ/người; trải nghiệm chế biến chè cùng nghệ nhân làm chè, phí 30.000đ/người; câu cá giải trí, phí 20.000đ/cần câu. Các dịch vụ áp dụng với đoàn khách từ 10 người trở lên. Với những đoàn khách có số lượng ít hơn có thể liên hệ trước với cơ sở để có được gói trải nghiệm hợp lý và hấp dẫn nhất. Đặc biệt, du khách khi tham gia dịch vụ trải nghiệm tại cơ sở, khi ra về sẽ được Hợp tác xã tặng những phần quà hết sức ý nghĩa. Nếu du khách không có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động trải nghiệm mà chỉ tham quan và mua sắm các sản phẩm của cơ sở, Hợp tác xã vẫn luôn chào đón và hoàn toàn miễn phí.
Du khách trải nghiệm chế biến chè cùng nghệ nhân.
Về dịch vụ phục vụ ẩm thực, tùy theo nhu cầu của khách đặt, Hợp tác xã sẽ lên thực đơn đảm bảo hợp lý với các món ăn đa phần nguồn nguyên liệu do gia đình tự nuôi, trồng được. Với khách có nhu cầu lưu trú, hiện cơ sở 3 phòng đôi, phí 300.000đ/phòng; phòng nghỉ cộng đồng từ 10-20 khách, phí 80.000đ/người/ngày (Có thể phục vụ tối đa 30 khách).
Hợp tác xã Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên thu hút khá nhiều đoàn khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Anh Bùi Trọng Đại, Giám đốc Hợp tác xã Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên cho biết: Giai đoạn trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Hợp tác xã thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Trung bình mỗi tháng có khoảng 10 đoàn khách quốc tế đến trải nghiệm. Từ 15/3 khi Chính phủ cho phép mở của lại hoạt động du lịch, Hợp tác xã đã cải tạo lại các nương chè; vệ sinh toàn bộ khu vực lưu trú và ôn luyện ngoại ngữ để có thể trò chuyện, giao lưu trực tiếp với du khách nước ngoài. A Đại chia sẻ thêm, trong 2 tháng gần đây, cơ sở cũng đã đón hàng chục đoàn khách, trong đó có 3 đoàn khách quốc tế. Đây thực sự là những tín hiệu hết sức lạc quan cho du lịch cộng đồng vùng chè Tân Cương nói riêng và du lịch Thái Nguyên nói chung./.
Tác giả: Minh Đỗ