Hỗ trợ người khuyết tật khi đi du lịch: Thiếu và yếu
- Thứ năm - 01/06/2017 04:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Là một người khuyết tật, Hoa hậu Vầng trăng khuyết 2014 Nguyễn Thị Ánh Ngọc chia sẻ những hạn chế mình đã từng gặp như việc hướng dẫn viên cho NKT chưa học ngôn ngữ cơ thể để thuận lợi hơn trong việc giới thiệu, nói chuyện với những người khiếm thính.Về phương tiện du lịch chưa đồng bộ các tiêu chí như thoáng mát, rộng rãi, có chỗ lên xuống cho người di chuyển bằng xe lăn... “Những điều này khiến bản thân NKT cảm thấy phiền phức, ngại ngần mỗi khi đi du lịch” – Chị Ánh Ngọc nói.
Một khó khăn nữa là các cơ sở hạ tầng du lịch cũng chưa thực sự chú trọng đến việc phục vụ riêng cho nhóm đối tượng này. Chẳng hạn như hệ thống đường sá vẫn còn nhiều chỗ chênh lệch lớn về độ cao, các xe buýt, taxi chưa có thang nâng giúp người sử dụng xe lăn lên, xuống dễ dàng. Còn tại các điểm du lịch, phần lớn vẫn là bậc tam cấp mà chưa có đường dốc thoải. Nhiều khách sạn không có lối đi riêng cho NKT.
Ngay cả bàn ghế cũng như các dịch vụ khác cũng chưa phù hợp với nhóm du khách này, ví dụ như vị trí công tắc đèn, nơi treo khăn mặt, khăn tắm, nhà vệ sinh, thang máy,…Chị Trần Thị Minh – chuyên viên hỗ trợ NKT (trung tâm vì sự phát triển của cộng đồng ACDC) chia sẻ từ thực tế hoạt động của trung tâm, mỗi lần tổ chức hội thảo, tọa đàm kết hợp du lịch tại các tỉnh thì việc bố trí ăn nghỉ cho các hội viên là NKT của trung tâm là cả một vấn đề nan giải: “Chúng tôi phải có kế hoạch kết nối với Hội khuyết tật các điểm cầu, địa phương từ sớm để chuẩn bị cơ sở vật chất cho các hội viên tham gia chuyến đi. Một trong những điểm hạn chế hiện nay là phòng tiếp cận cho người đi xe lăn không nhiều hoặc nếu có thì giá lại cao”.
Chia sẻ về thực tế này, ông Lê Công Năng – Trưởng phòng truyền thông Viettrantour cho biết: “Hiện tại chúng tôi chưa triển khai các tour chuyên biệt do nhu cầu lượng khách này chưa nhiều. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu có khách hàng là NKT đăng ký, Viettrantour vẫn nhận và có một số lưu ý về các điều kiện phục vụ tour cho NKT (người nhà đi cùng trợ giúp, chi phí hỗ trợ người đi kèm, phòng khách sạn phù hợp cho NKT, xe đưa đón có thang nâng cho NKT vận động)
Còn ông Trần Quốc Nam (Ủy viên thường trực Hội NKT Hà Nội – Chủ tịch Hội NKT Thị xã Sơn Tây) cho rằng, 1 trong 4 rào cản chính đối với NKT là môi trường tiếp cận. Vấn đề này được quy định tại điều 40 chương VII của Luật NKT. Thực tế hiện nay, xã hội đã có những nhìn nhận tích cực hơn về sự hòa nhập NKT qua việc tháo gỡ các rào cản về môi trường nhưng chủ yếu mới chỉ dừng lại ở một số công trình công cộng như: trường học, bệnh viện... và chỉ ở các đô thị lớn.
Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những hạn chế như việc xã hội và cộng đồng chưa nhìn thấy du lịch và được tiếp cận được các điểm du lịch như một nhu cầu chính đáng của NKT. Vì thế, cần phải có sự thay đổi trên cơ sở tâm lý hiểu về NKT bằng tư duy của người không khiếm khuyết để thấy rằng NKT không chỉ cần sự thuận lợi trong các dịch vụ như chung cư, xe buýt, trường học, bệnh viện... mà phần tinh thần (du lịch) cũng là một nhu cầu chính đáng và quan trọng của NKT.