CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


HỘI THẢO BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VÀ NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH THÁI NGUYÊN

HỘI THẢO BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VÀ NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH THÁI NGUYÊN
Ngày 22/10, tại Trung tâm Thương mại - Du lịch Dũng Tân (Thành phố Sông Công), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên”. Tham gia Hội thảo có đại diện lãnh đạo Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, các công ty lữ hành cùng các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh.

 

Đồng chí  Nguyễn Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên phát biểu khai mạc.

Ảnh: An Bình

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên nhận định những giá trị văn hoá truyền thống và nghề thủ công truyền thống của tỉnh Thái Nguyên đã và đang được bảo tồn hiệu quả. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng giúp cho ngành du lịch tỉnh có những bước phát triển. Năm 2018, tỉnh Thái Nguyên đã đón trên 2,5 triệu lượt khách, tuy nhiên sự phát triển của du lịch Thái Nguyên chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, vì vậy tỉnh cần phát huy hơn nữa giá trị văn hoá, cảnh quan riêng có và nghề thủ công truyền thống của địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Hội thảo đã diễn ra nghiêm túc, thu hút nhiều tham luận từ các nhà khoa học và các chuyên gia về lĩnh vực bảo tồn di sản, phát huy giá trị di sản, phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch Thái Nguyên như: Du lịch cộng đồng ở Tây Bắc và bài học kinh nghiệm với tỉnh Thái Nguyên của TS. Trần Hữu Sơn; Tiềm năng phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc tỉnh Thái Nguyên - Những vấn đề đặt ra của TS. Trương Sỹ Vinh; Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) - Tiềm năng phát triển hệ thống sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên của PGS.TS. Trần Văn Ơn; Cảnh quan văn hóa chè Thái Nguyên trong mối liên hệ với cảnh quan chè của khu vực Châu Á của Ths. Nguyễn Viết Cường; Đặc trưng của nghề truyền thống tỉnh Thái Nguyên của TS. Tạ Quốc Khánh.  Ngoài ra, hội thảo còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đơn vị lữ hành để góp phần xây dựng những địa điểm du lịch của tỉnh Thái Nguyên thành những điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: An Bình

Tổng kết Hội thảo, Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học, các chuyên gia cùng các công ty lữ hành đã dự và có nhiều ý kiến tham luận, đóng góp cho Hội thảo. Những ý kiến này là những nội dung quan trọng, góp phần tích cực trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa, phát triển du lịch tại tỉnh Thái Nguyên. Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xây dựng báo cáo tham mưu với tỉnh trong việc hoạch định chính sách, bảo tồn bền vững giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, từ đó chủ động hơn trong việc thu hút du khách đến với Thái Nguyên, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh./.

Ngọc Linh