|
Chè Thái Nguyên là 1 trong 8 đặc sản được Tổ chức kỷ lục Châu Á xác lập
|
8 đặc sản quà tặng Việt Nam đoạt kỷ lục châu Á lần 1 - 2013, ngoài Chè (Thái Nguyên) còn có Bánh đậu xanh Hải Dương, Quế Trà Bồng (Quảng Ngãi), Sâm Ngọc Linh (Kon Tum), Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh), Bánh phồng sữa dừa (Bến Tre), Tiêu Phú Quốc (Kiên Giang)…Do đặc điểm nằm dưới chân núi Tam Đảo nên nơi đây có một khí hậu mát mẻ, nguồn nước trong lành từ núi chảy xuống, đất đai phì nhiêu, những điều kiện về địa lý trên đã góp phần tạo ra giống chè Thái Nguyên thơm ngát, đậm nước, mùi thơm tự nhiên, nước vàng sánh màu mật ong…và vị chát dịu ngọt hậu rất lâu. Chè Thái đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là tin vui đối với người dân tỉnh Thái Nguyên nói chung, đặc biệt là đối với những người làm chè nói riêng. Thế nhưng để giữ vững được kỷ lục này, thậm chí là để thương hiệu Trà Thái Nguyên bay cao, bay xa hơn nữa vẫn là trăn trở chung của người dân Thái Nguyên.
Nhiều lần tác nghiệp tại các vùng chè, được tiếp xúc với những người dân làm chè, được nghe những tâm sự về nghề chè mới thấy lòng nhiệt huyết và say nghề của người dân đối với thứ cây đã gắn bó bao đời trên mảnh đất quê hương. Rất nhiều người dân làm chè ở Thái Nguyên đã có cuộc sống ấm no, có của ăn của để, giàu lên từ trồng chè. Điều này chứng tỏ thiên nhiên đã rất ưu đãi cho mảnh đất này để Chè Thái Nguyên nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả với bạn bè thế giới. Những nương chè trải dài và rộng như vô tận, như ngút ngàn khiến cho con người lao động trở nên nhỏ bé hơn bao giờ hết. Người dân ở đây như những chú ong cần mẫn giữa mật ngọt mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho mảnh đất này. Chè Thái Nguyên vì thế đã có mặt từ Bắc vào Nam và trải dài ra nhiều nước trên thế giới.
Tuy đã trở thành thương hiệu mạnh nhưng ở một số nơi bà con còn chưa được chú trọng đầu tư đúng mức về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến và bảo quả sản phẩm chè, nên chất lượng sản phẩm không ổn định. Đặc biệt, việc thông tin, tuyên truyền quảng bá cho thương hiệu của sản phẩm cũng còn hạn chế nên vị thế cạnh tranh trên thị trường còn thấp. Hơn nữa, người sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm chè chưa hiểu một cách đúng mức về nhãn hiệu tập thể. Vì thế trên thị trường vẫn xuất hiện những hàng kém chất lượng và còn tình trạng hàng giả, hàng nhái…
Qua 2 lần tổ chức Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam đã ngày càng khẳng định giá trị của cây chè và sản phẩm Trà của Thái Nguyên, văn hóa trà cũng đã được tôn vinh qua mỗi lần Festival như thế. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Chè Thái Nguyên có rất nhiều cơ hội mở rộng thị trường, cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm chè khác trên thế giới. Có một điều rất dễ nhận thấy là khi Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên" được bảo hộ thì đó là một trong những điều kiện hết sức thuận lợi để khẳng định uy tín đối với khách hàng, đem lại giá trị cho người sản xuất. Tuy nhiên, người trồng chè, các doanh nghiệp chế biến chè và thương mại mới chỉ hiểu Chè Thái Nguyên đã được bảo hộ độc quyền trên phạm vi cả nước, còn việc phát triển nhãn hiệu như thế nào để có hiệu quả thì lại chưa mấy quan tâm. Cũng bởi vậy mà vẫn còn tình trạng sản xuất chè nhưng không cần nhãn hiệu trong hoạt động thương mại nên mới có chuyện từ Bắc vào Nam đều có “Chè Thái Nguyên” nhưng không biết “Chè Thái Nguyên” thật hay giả.
Càng gần đến Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam lần thứ 3 năm 2015 càng có nhiều có câu chuyện để nói. Thiết nghĩ để bảo tồn giá trị sản phẩm đặc sản của địa phương, khẳng định danh tiếng và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, ngoài chính sách quản lý, phát triển thị trường, cần phải đặc biệt chú trọng vào quản lý và phát triển nhãn hiệu chè tập thể “Chè Thái Nguyên” cho sản phẩm có tính đặc sản này. Điều quan trọng hơn cả là rất cần sự thay đổi nhận thức cộng đồng của người dân trồng chè thì mới có thể tiếp tục giữ vững được kỷ lục xác nhận trên./.
|