Gỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng sự trở về với cội nguồn của dân tộc
- Thứ năm - 26/03/2020 00:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đồng thời giới thiệu, quảng bá ý nghĩa Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm; giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng – Trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ”; từ đó giáo dục các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hướng về cội nguồn, tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền thân đã có công lao to lớn trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước; phát huy sức mạnh truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trải qua bao biến cố của lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam luôn chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc; được bảo tồn và lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ với sức sống lâu bền và ngày một lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội và tồn tại qua mọi thể chế chính trị.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện cao nhất của Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Việt Nam, đó là lòng biết ơn đối với Hùng Vương và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Trong tâm thức của người Việt, Hùng Vương là vị Thủy tổ khai sinh ra dân tộc Việt. Với lòng tôn kính, biết ơn Vua Hùng, cộng đồng người Việt đã tự nguyện thờ cúng Hùng Vương, đưa việc thờ cúng Hùng Vương trở thành tín ngưỡng, là biểu tượng văn hóa tạo nên truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và cùng vượt qua mọi khó khắn thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6 tháng 12 năm 2012. Đây chính là đề cao sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Giá trị giáo dục đạo lý truyền thống dân tộcTín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - tụ nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống của dân tộc Việt Nam với triết lý “con người có tổ có tông” và “uống nước nhớ nguồn” được trao truyền từ đời này sang đời khác đã trở thành nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam. Hiện nay, trên địa bàn cả nước có 1.417 di tích, riêng tỉnh Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc có 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong đời sống xã hội đương đại; khẳng định sức sống của biểu tượng cội nguồn dân tộc, tự hào về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, tạo sức mạnh cho việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam.
Công đức các Vua Hùng được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được cộng đồng tôn thờ, biết ơn là biểu tượng của anh hùng lập nước. Đây là cội nguồn của tinh thần yêu nước của dân tộc Việt. Ý thức thờ phụng các Vua Hùng cũng chính là ý thức về cội nguồn dân tộc, đất nước từ đó hình thành tinh thần tự cường dân tộc, ý thức độc lập tự chủ. Dân tộc ta trải qua thăng trầm của bao cuộc chiến tranh nhưng lòng yêu nước, ý thức độc lập tự chủ được các thế hệ người Việt tiếp nối nhau chưa bao giờ tắt, tạo nên một giá trị đặc trưng nổi bật trong hệ thống giá trị đạo đức của người Việt. Ngay từ những năm 40 - 43 (sau Công Nguyên) trong cuộc chiến chống quân xâm lược, nữ tướng Hai Bà Trưng đã đọc lời thề Sông Hát trước khi xung trận:
“Một, xin rửa sạch quốc thù
Hai, xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”
Giá trị tinh thần yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc khởi nguồn từ sự khai sinh lập nước của các Vua Hùng được các thế hệ người Việt gìn giữ, tiếp nối và khẳng định như trong Tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt:
“Sông núi nước Nam, vua Nam ở”
Đến thời đại Hồ Chí Minh với câu nói bất hủ của Người:
“Các vua Hùng đã có công dựng nước,
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng thể hiện sự gắn bó của cộng đồng trong nghĩa “đồng bào”, với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, dân tộc Việt Nam cùng có chung một cội nguồn, chung một dòng máu Lạc Hồng, là những người con cùng một bọc, nghĩa “đồng bào” từ đó mà sinh ra, cả nước cùng tôn thờ một vị vua Tổ, một biểu hiện cho sức mạnh siêu nhiên bảo vệ cho sự tồn vong của dân tộc, của cả cộng đồng. Với sự “hội tụ” sâu sắc nhất nghĩa “đồng bào”, ý thức cội nguồn của hàng triệu triệu người dân đất Việt và sự “lan tỏa” mạnh mẽ từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng không chỉ đến các di tích thờ Hùng Vương, danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trong tỉnh Phú Thọ mà còn lan rộng ra các di tích thờ Hùng Vương trong và ngoài nước đều đồng loạt tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch trang nghiêm, thành kính, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc ý thức dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn hướng con người tới cái chân - thiện - mỹ, cái cao cả mà con người luôn ước vọng tôn thờ. Trong Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, các yếu tố văn hóa tâm linh được tiềm ẩn từ các kiến trúc tín ngưỡng đình, đền, miếu - nơi thờ phụng, thực hành tín ngưỡng đến các nghi lễ rước, tế, lễ vật, phẩm phục, diễn xướng dân gian.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tự hào về cội nguồn quốc gia dân tộc, ý thức của người dân về lịch sử - một ý thức hệ sâu sắc như một minh triết được ông cha truyền lại cho đến ngày hôm nay. Truyền thống tôn thờ Hùng Vương là một hình thức biểu hiện mạnh mẽ nhận thức về lịch sử và sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam, truyền cảm mãnh liệt sự tôn kính của người dân với quá khứ của tổ tiên và di sản văn hóa đặc sắc.
Từ xa xưa, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Ngọc phả Hùng Vương (1470) đã chép: “Từ đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến triều đại ta bây giờ là Hậu Lê (1418 - 1527) vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (nay là làng Cổ Tích). Ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của các đấng Thánh Tổ xưa”.
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký “Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL ngày 18 tháng 02 năm 1946”, cho “Những viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền được hưởng lương” trong 1 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm báo cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Ngày nay, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang nghiêm trọng thể theo truyền thống văn hóa dân tộc. Phần lễ có nghi thức dâng hương hoa của các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, các tỉnh thành được tổ chức trang nghiêm, thành kính. Phần hội tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú xung quanh chân núi Hùng: Các trò diễn dân gian (đánh trống đồng, cồng chiêng, đâm đuống, thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, kéo lửa thổi cơm thi…), các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh, thành, các đội văn nghệ quần chúng trình diễn, các hoạt động thi đấu thể thao được tổ chức quy củ, mang đậm chất văn hóa cội nguồn. Người dân ở địa phương có di tích (đình, đền, miếu...) thờ Hùng Vương và các nhân vật lịch sử liên quan thời kỳ Hùng Vương tự nguyện tổ chức hoạt động tế lễ, rước kiệu về Đền Hùng, chuẩn bị các lễ vật từ đặc sản của địa phương để dâng cúng các Vua Hùng, tham gia các hoạt động văn hóa dân gian.
Giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng. Từ trung tâm thờ tự các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh đến các di tích thờ Hùng Vương, danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trong nước và cả nước ngoài đều đồng loạt tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch trang nghiêm, thành kính, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc ý thức dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước. Lễ hội Đền Hùng trong Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đạt đến đỉnh cao của sự thăng hoa để trở thành ngày hội non sông, ngày hội của toàn dân.
Đền Hùng - Trung tâm tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng và tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng - là biểu tượng của nguồn cội, là hiện thân của những người đã khai sáng ra đất nước và dân tộc ta, là đạo lý truyền thống của dân tộc. Đền Hùng là tiêu điểm, là cơ sở vật chất (vật thể) chủ yếu để thể hiện và biểu đạt hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc và độc đáo về tín ngưỡng phụng thờ Tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam: Các Vua Hùng.
Ngày nay, trên cả nước và trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đền thờ các Vua Hùng và các nhân vật liên quan thời kỳ Hùng Vương. Nhưng Đền Hùng (Phú Thọ) luôn được coi là nơi duy nhất đầu tiên thờ phụng Vua Hùng của cả nước trong cả một quá trình lịch sử lâu dài. Đây là điểm thiêng liêng trong tâm thức và tâm linh của người Việt Nam từ bao đời nay; điểm đến qua nhiều thế kỷ hành hương và thăm viếng mang tính tâm linh nguồn cội.
Các di tích tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng bao gồm: Đền Hạ, tương truyền nơi Tổ Mẫu Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai; chùa Thiên Quang thiền tự; đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu), tương truyền nơi Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng bàn việc nước; đền Thượng (Kính Thiên Lĩnh điện) tương truyền nơi các Vua Hùng tiến hành nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh; lăng Hùng Vương, tương truyền là mộ Vua Hùng thứ 6; cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi để thề nguyện gìn giữ cơ nghiệp nhà Hùng, bảo vệ non sông đất nước; đền Giếng (Ngọc tỉnh) thờ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa con gái Vua Hùng thứ 18; đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ được xây dựng năm 2005; đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân xây dựng năm 2009. Ngã năm đền Giếng có dựng bức phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong. Các công viên, trung tâm lễ hội, hệ thống hồ nước, rừng quốc gia, vườn cây lưu niệm…tạo cho Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cảnh quan thiên nhiên thoáng rộng, hùng tráng, tôn nghiêm và linh thiêng xứng tầm là nơi thờ cúng Quốc Tổ của dân tộc Việt Nam.
Trong thời đại phong kiến, các vương triều luôn coi trọng việc tế lễ Vua Hùng, xem đó là một việc hệ trọng của cả nước: Thời nhà Lê đã cho ghi chép Ngọc phả, cấp sắc cho Đền Hùng, ban lệnh chỉ cho dân sở tại “trưởng tạo lệ” với những ân tứ, quyền lợi được hưởng giành cho việc thờ tự các Vua Hùng. Thời nhà Nguyễn nhiều lần tu bổ, tôn tạo Đền Hùng, định lệ về ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm và nghi thức cúng tế, đưa các Vua Hùng vào thờ ở miếu “Lịch đại đế vương” trong Kinh thành Huế. Ngày nay, Đảng, nhà nước ta quan tâm đặc biệt Đền Hùng bằng nhiều chính sách, biện pháp, đầu tư xây dựng Đền Hùng xứng tầm với vị thế là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt - Trung tâm văn hóa tín ngưỡng tâm linh thờ cúng Tổ tiên của dân tộc.
Di sản Hát Xoan Phú Thọ gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, theo truyền thuyết, các Vua Hùng đã có công trong thời kỳ dựng nước, người dân Phú Thọ đã sáng tạo Hát Xoan và trình diễn tại các đình, đền, miếu thờ Vua Hùng vào dịp đầu xuân. Khởi nguồn từ dân gian và lưu truyền theo hình thức truyền khẩu, trải qua hàng ngàn năm lịch sử được cộng đồng gìn giữ, trao truyền, Hát Xoan đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, nét sinh hoạt văn hóa mang đậm nét đặc trưng của người dân Phú Thọ nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Hát Xoan là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, có sự tích hợp giữa văn học, âm nhạc, múa và diễn xướng; lối hát dân gian đặc sắc của người dân vùng đất Tổ Phú Thọ có nguồn gốc từ hình thức hát thờ các Vua Hùng, bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Một cuộc trình diễn có 3 chặng: Hát thờ với những bài ca ngợi công đức các Vua Hùng, Thành hoàng làng; hát Quả cách với 14 quả cách ngợi ca thiên nhiên, con người, lao động sản xuất; hát hội, với những bài bày tỏ tình yêu đôi lứa. Thông qua lời hát, điệu múa, họ bày tỏ lòng biết ơn, cầu khấn các vị Vua Hùng ban phúc cho dân, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi và cũng qua đó, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho lớp trẻ.
Ngày 24/11/2011, UNESCO đã ghi danh Hát Xoan Phú Thọ - Việt Nam là Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Ngày 8 tháng 12 năm 2017, “Hát Xoan Phú Thọ, Việt Nam” đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hát Xoan Phú Thọ ngày nay càng gắn bó chặt chẽ với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với sự gắn kết hết sức độc đáo. Từ lịch sử ra đời, tên gọi, nguồn gốc và quá trình thực hành Hát Xoan Phú Thọ đều gắn chặt và hòa quyện với các truyền thuyết thời Hùng Vương; lối trình diễn, sắp đặt bài bản, các chặng hát cũng tuân thủ theo nghi thức hát thờ các Vua Hùng một cách thành kính; các câu từ chúc tụng, ca ngợi công đức các Vua Hùng xuất hiện trong nhiều quả cách xuyên suốt từ chặng hát thờ cho đến phần hát hội. Đặc biệt, Hát Xoan hầu hết được trình diễn ở các di tích đình, đền thờ tự Hùng Vương. Đó chính là không gian diễn xướng, là chất sống đảm bảo sự phát triển bền vững của di sản Hát Xoan. Mối quan hệ chặt chẽ giữa Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tạo nên sức sống mãnh liệt để hai di sản cùng song song tồn tại, vượt thời gian, bền vững trong lịch sử.
Thời Hùng Vương tuy còn rất sơ khai nhưng đã hình thành nên những giá trị văn hoá, tinh thần mang tính truyền thống sâu sắc, góp phần bồi đắp, hun đúc, thử thách và tạo dựng nền móng vững chắc về tinh thần, tư tưởng cho dân tộc Việt Nam ngày nay và cả mai sau. Trên thế giới hiếm có một dân tộc nào chung một gốc gác tổ tiên - một ngày Giỗ Tổ như dân tộc Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử chúng ta càng thêm tự hào về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên, từ 80 vạn người thời Hùng Vương, gần 20 triệu người vào đầu thế kỷ XX và đến nay gần 100 triệu người, dù sinh sống ở trong và ngoài nước nhưng người Việt Nam vẫn luôn nuôi dưỡng và hình thành ý thức dân tộc, nghĩa tình đồng bào, gắn kết thành một khối, một nguồn cội và một tổ tiên.
Hướng về Ngày Giỗ Tỗ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng năm 2020; với tấm lòng thành kính tri ân sâu sắc công lao to lớn của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, lớp lớp thế hệ người Việt Nam nguyện đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, vận hội, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp hàng ngàn năm của dân tộc, nỗ lực phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Bài viết: Phương Thùy