CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Du lịch chạm ngưỡng con số gần 3 triệu lượt khách

Du lịch chạm ngưỡng con số gần 3 triệu lượt khách
Tờ lịch cuối cùng của năm 2019 được bóc ra khỏi tường, cũng là lúc mỗi người tự nhìn lại 1 năm trôi qua, mình đã làm được gì cho bản thân, cho xã hội. Nhưng đó là chuyện của mỗi người, xin gác lại để bàn tới một ngành kinh tế quan trọng mà tỉnh đang phấn đấu vươn tới - ngành du lịch.

Một năm đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Thái Nguyên đã vượt lên tất thảy để “vui lòng khách đến”. Gần 3 triệu lượt khách của năm, không chỉ là con số ấn tượng, mà còn thể hiện sự bứt phá, vươn tầm cao mới của ngành du lịch Thái Nguyên. Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Sở): Trong năm 2019,  khách do cơ sở lưu trú du lịch phục vụ đạt hơn 1 triệu lượt; khách du lịch đến các điểm tham quan đạt hơn 1,8 triệu lượt; doanh nghiệp lữ hành phục vụ đạt hơn 150.000 lượt; doanh thu tại các doanh nghiệp du lịch đạt trên 430 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách tăng hơn gần 500.000 lượt, doanh thu từ các doanh nghiệp tăng hơn gần 30 tỷ đồng.

che
Vùng chè La Bằng (Đại Từ), một điểm đến trải nghiệm được nhiều du khách lựa chọn.

Hiện trên địa bàn của tỉnh có 27 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, 2 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế;  435 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 49 khách sạn, 386 cơ sở đạt tiêu chuẩn kinh doanh nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Ông Hoàng Văn Quý, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch cho biết: Để bảo đảm an toàn và quyền lợi cho du khách, Sở cùng Hiệp Hội Du lịch tỉnh hướng dẫn cho các doanh nghiệp, đơn vị làm du lịch ký cam kết nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ du khách, như việc đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất; cử cán bộ, nhân viên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về lễ tân khách sạn; phục vụ buồng; nghiệp vụ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch do cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức.

Với lợi thế là trung tâm vùng, hạ tầng cơ sở phát triển, với hơn 800 điểm đến là các di tích lịch sử, di tích danh thắng, di tích khảo cổ học, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích tín ngưỡng đã được kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hoá và 80 lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân… Trên địa bàn tình, một trong những điểm đến được nhiều du khách quan tâm như: Khu Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hoá, đón tiếp, phục vụ 2.680 đoàn khách với gần 557.000 lượt khách; Khu Di tích Lịch sử Quốc Gia - Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên đón tiếp gần 1.800 đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, dâng hương, tri ân các liệt sĩ TNXP, với gần 160.000 lượt người; Khu Du lịch Hồ Núi Cốc đón tiếp khoảng hơn 600.000 lượt du khách trong năm 2019.

Để tạo đà cho ngành du lịch phát triển, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh; thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ khoa học xếp hạng di tích cấp tỉnh và thẩm định nội dung văn bia di tích, gia hạn thực hiện 2 dự án thành phần thuộc đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”; phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Lý Nam Đế.

Sở cũng đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đúng quy định; Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia núi Văn, núi Võ huyện Đại Từ gắn với phát triển du lịch; tham gia hội đồng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030. Hoàn thành đề tài khoa học cấp tỉnh “Sưu tầm, tư liệu hóa hệ thống văn bia Hán Nôm trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy giá trị hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”...

chè3
Cán bộ Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh tham gia gian hàng giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch tại Chương trình qua những miền  di sản Việt Bắc được tổ chức tại tỉnh Lạng Sơn năm 2019.

Nhằm quảng bá rộng rãi về quê hương, con người Thái Nguyên, tỉnh tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch đến nhân dân, du khách. Điển hình là các hoạt động: Khai mạc Chương trình xúc tiến quảng bá du lịch, khai trương Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên, trao tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Cùng đó là các hoạt động hưởng ứng được tổ chức như: Hội thi hướng dẫn viên du lịch; thi trưng bày các gian hàng giới thiệu sản phẩm, tiềm năng du lịch; giao lưu văn hóa trà và diễn xướng văn hóa phi vật thể; tạo điều kiện cho hướng dẫn viên du lịch của tỉnh tham gia các cuộc thi, hội thi hướng dẫn viên du lịch giỏi khu vực; đồng thời tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu tư liệu, ấn phẩm du lịch, ảnh đẹp về con người, quê hương Thái Nguyên tại một số tỉnh thành như Hà Nội, Nghệ An, Lạng Sơn. Đặc biệt Sở phối hợp tổ chức thành công Chương trình toạ đàm hợp tác phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long... thông qua hoạt động này đã chuyển tải đến nhân dân, du khách trên cả nước và quốc tế một số những thông tin có giá trị về lĩnh vực du lịch, như các điểm đến, hệ thống nhà hàng, ẩm thực Thái Nguyên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Trong làm du lịch, các thành viên Hiệp hội đã có sự đổi mới tư duy trong liên kết hợp tác. Đó là việc từng thành viên trong Hiệp hội chủ động liên kết, chia sẻ và hỗ trợ nhau trong toàn bộ quá trình thực hiện tuor, tuyến. Ngay từ đầu năm, các đơn vị thành viên thuộc nhiều lịch vực như: Khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ẩm thực, vận chuyển khách, siêu thị.,. đều có cam kết tích cực tham gia xây dựng hình ảnh đẹp về du lịch Thái Nguyên trong mắt du khách; tôn trọng du khách và không ép giá đối với du khách.

Các cấp, ngành và mọi người dân cùng vào cuộc, hình ảnh về mảnh đất, quê hương, con người Thái Nguyên ngày càng trở nên đẹp đẽ, ấn tượng với du khách trong nước, quốc tế.

                                  Tác giả: Phạm Ngọc Chuẩn