Du lịch Thái Nguyên một năm bứt phá
- Thứ sáu - 10/01/2025 16:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Để đón được lượng du khách ngày một nhiều, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên với nhiều cách làm cụ thể, hiệu quả.
Tập trung đầu tư nâng cấp về cơ sở hạ tầng
Giao thông là vấn đề được quan tâm hàng đầu, không chỉ giúp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn tạo điều kiện cho du khách có thể kết nối, di chuyển thuận lợi trong quá trình tham quan du lịch. Xác định được tầm quan trọng này, UBND tỉnh đã thực hiện đầu tư, nâng cấp và mở mới nhiều tuyến giao thông đối nội để kết nối du lịch như: Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 Quốc lộ 3 đến Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; đường trục chính từ thành phố Thái Nguyên vào Khu du lịch hồ Núi Cốc; đường quanh hồ Núi Cốc; Dự án tuyến đường kết nối, liên kết tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc - Đây là tuyến kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào Khu du lịch hồ Núi Cốc và Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, tạo quỹ đất, đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ tại các khu vực như: Thành phố Phổ Yên, huyện Đại Từ, khu vực sườn Đông Tam Đảo. Các huyện, thành phố quan tâm đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông nội bộ kết nối đến các khu, điểm du lịch.
Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch ngày một đa dạng
Thái Nguyên không phải là một tỉnh có thế mạnh nổi trội về du lịch, tuy nhiên tỉnh lại có tiềm năng, lợi thế để có thể khai thác, phát triển nhiều sản phẩm du lịch đáp ứng nhiều đối tượng du khách. Loại trừ du lịch biển, còn lại hầu hết các loại hình du lịch được du khách lựa chọn, tìm kiếm, tỉnh Thái Nguyên đều có.
Thái Nguyên có thế mạnh về du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh với nhiều điểm đến hấp dẫn du khách như: Di tích Lý Nam Đế (thành phố Phổ Yên); Cụm di tích Đình - Đền - Chùa Cầu Muối, Chùa Khánh Long (huyện Phú Bình); Khu di tích Quốc gia 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái (thành phố Thái Nguyên); Di tích Quốc gia đền Đuổm (huyện Phú Lương); Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Di tích nơi thành lập cơ sở đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Di tích lịch sử Quốc gia 27/7 (huyện Đại Từ)... Tỉnh đã quan tâm tập trung bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích gắn với phát triển du lịch; khảo sát, xây dựng các tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; phối hợp tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các điểm đến văn hoá, lịch sử, tâm linh.
Khu di tích Quốc gia 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái.
Ảnh: Nam Đan
Thái Nguyên có nhiều danh lam thắng cảnh; lợi thế tự nhiên phía sườn đông Tam Đảo; nơi sinh sống của 51/54 dân tộc với nhiều nét văn hóa, giàu bản sắc; mảnh đất được mệnh danh là “Đệ nhất danh Trà” của cả nước… Đây là những cơ sở để tỉnh phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, nông nghiệp nông thôn gắn với văn hóa Trà. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 08 Điểm du lịch cộng đồng đã được UBND tỉnh công nhận và hoạt động hiệu quả góp phần đa dạng sản phẩm du lịch cũng như nâng cao đời sông vật chất và tinh thần cho người dân. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch cộng đồng còn giúp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông nghiệp cho bà con địa phương.
Thái Nguyên đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, nông nghiệp nông thôn
gắn với văn hóa Trà. Ảnh: Ngọc Linh
Bên cạnh đó, Thái Nguyên đang hình thành và khai thác các sản phẩm du lịch bổ trợ có sức hấp dẫn cao như sân golf, phố đêm, sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang xây dựng 02 sân golf là sân golf Glory, xã Thành Công, thành phố Phổ Yên và sân golf Tân Thái, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, theo kế hoạch trong năm 2025 sẽ đi vào hoạt động. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch thể thao, khám phá hang động.
Phối cảnh sân golf Glory, xã Thành Công, thành phố Phổ Yên.
Ảnh: Nam Đan
Sản phẩm du lịch của Thái Nguyên ngày một đa dạng, hấp dẫn du khách. Ảnh: Chu Đỗ
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 7.000 người lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch đang làm việc tại 12 khu, điểm du lịch; 541 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 59 khách sạn (06 khách sạn 3 sao, 03 khách sạn 2 sao, 01 khách sạn 1 sao, 49 khách sạn đạt tiêu chuẩn) và 482 nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê đạt tiêu chuẩn; 39 công ty lữ hành du lịch (30 công ty lữ hành nội địa, 09 công ty lữ hành quốc tế); trên 100 nhà hàng có sức chứa lớn, nhiều nhà hàng chất lượng có quy mô công suất phục vụ đoàn 1.000 khách. Đây là những điều kiện rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến với Thái Nguyên.
Chuyển đổi số trong phát triển du lịch
Công tác tác chuyển đổi số trong phát triển du lịch tiếp tục được tỉnh quan tâm, áp dụng triển khai thực hiện. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên tuyền, quảng bá du lịch Thái Nguyên trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; phối hợp tuyên truyền trên máy bay của hãng hàng không Việt Nam, Thái Nguyên đã đẩy mạnh quảng bá trên Website Du lịch Thái Nguyên, Cổng du lịch thông minh và các kênh quảng bá trên nền tảng mạng xã hội. Trong năm 2024, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Thái Nguyên đã đăng tải 165 tin, bài viết, 666 ảnh, 96 video clip về du lịch Thái Nguyên lên Website, các kênh quảng bá trên nền tảng mạng xã hội, thu hút gần 4,4 triệu lượt truy cập và lượt xem bài viết, góp phần thu hút du khách về với Thái Nguyên ngày một đông hơn.
Hướng đi mới trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch
Trong bối cảnh xuất hiện nhiều sản phẩm du lịch mới, đòi hỏi công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng phải có hướng đi mới, cách làm mới. Năm 2024, bên cạnh việc chủ động tham gia tại 16 sự kiện, hội chợ du lịch mang tầm quốc gia, quốc tế và khu vực; đẩy mạnh truyền thông quảng bá trên nền tảng số, ngành du lịch Thái Nguyên đã tổ chức liên tục 08 Hội nghị xúc tiến, quảng bá tại các tỉnh, thành trong cả nước vào các thời điểm khác nhau trong năm nhằm kích cầu, thu hút du khách đến với Thái Nguyên.
Năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên
đã tổ chức liên tục 08 Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương; sự nố lực, cố gắng của các tập thể, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch của tỉnh; sự ủng hộ, quyết tâm cao của người dân địa phương, năm 2024, Du lịch Thái Nguyên đã có sự bứt phá mạnh mẽ thể hiện ở lượng khách và doanh thu từ du lịch. Tổng số khách du lịch đến Thái Nguyên đạt: 3.485.000 lượt khách (tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2023); bằng 107% so với Đề án du lịch đặt ra: 3.250.000 lượt khách. Doanh thu từ du lịch đạt 3.089 tỷ đồng (tăng 44,07% so với cùng kỳ năm 2023), bằng 103% so với Đề án du lịch đến 2025 đạt 3.000 tỷ đồng/năm./.
Tác giả: Minh Đỗ