CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Du lịch Thái Nguyên – Kết nối tinh hoa, kiến tạo điểm đến

Du lịch Thái Nguyên – Kết nối tinh hoa, kiến tạo điểm đến

Việc sáp nhập hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn không chỉ là một quyết sách hành chính có ý nghĩa chiến lược, mà còn mở ra cơ hội to lớn để định vị lại vai trò, tầm vóc của vùng đất trung du miền núi này trên bản đồ du lịch quốc gia. Từ một miền đất của non xanh nước biếc, của những giá trị lịch sử sâu dày và truyền thống văn hóa phong phú, Thái Nguyên hôm nay đang vươn mình trở thành trung tâm du lịch mới, nơi hội tụ giữa sinh thái, bản sắc và đổi mới sáng tạo

Tọa lạc tại trung tâm của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các cửa ngõ Đông Bắc, Thái Nguyên sở hữu vị trí địa lý chiến lược, thuận lợi cả về giao thông, kinh tế và liên kết vùng. Hệ thống cao tốc, quốc lộ trọng điểm như Hà Nội – Thái Nguyên, Thái Nguyên – Cao Bằng, Thái Nguyên – Lạng Sơn, Thái Nguyên – Phú Thọ… đang được mở rộng, tạo điều kiện lý tưởng cho các hành trình trải nghiệm liên tỉnh, liên vùng.

retouch 2025010209310118 116094882

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa về đêm. Ảnh: Ngọc Linh

Thái Nguyên vốn được biết đến là thủ phủ công nghiệp và giáo dục của vùng trung du Bắc Bộ, đồng thời nổi bật với cảnh sắc hồ Núi Cốc, vùng trà Tân Cương nức tiếng và di tích lịch sử cách mạng ATK Định Hóa – cái nôi kháng chiến một thời. Không những thế, vùng đất này còn sở hữu mạng lưới hang động kỳ vĩ, như hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà, động Puông, động Hua Mạ, động Nàng Tiên cùng nhiều khu rừng nguyên sinh và suối thác ẩn mình nơi địa hình núi đá vôi, mở ra tiềm năng to lớn cho du lịch sinh thái mạo hiểm và khám phá. Việc hợp nhất các tiềm năng tự nhiên và nhân văn không những làm giàu thêm nguồn tài nguyên du lịch mà còn cho phép xây dựng một hệ sinh thái du lịch đa dạng, có chiều sâu và bền vững.

dji 20240417143833 0103 d 468586012

Khu du lịch hồ Núi Cốc nhìn từ trên cao. Ảnh: Tuấn Dũng

picture3 506464361

Một góc hồ Ba Bể. Ảnh: Ngọc Thấm

Thế mạnh lớn nhất của du lịch Thái Nguyên sau hợp nhất chính là sự kết hợp hài hòa giữa ba trục du lịch chủ lực: sinh thái – văn hóa lịch sử – trí tuệ. Với "cặp đôi song hồ" hồ Ba Bể và hồ Núi Cốc, du khách có thể trải nghiệm từ mặt nước nên thơ đến rừng già kỳ vĩ, từ nghỉ dưỡng nhẹ nhàng đến trekking khám phá. Trên địa bàn tỉnh hiện có 03 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; 67 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 316 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 43 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Thái Nguyên tự hào là mảnh đất đậm đà bản sắc dân tộc, nơi sinh sống của 08 dân tộc chủ yếu là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa. Các dân tộc đã bảo tồn, phát huy được những giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống đặc sắc tạo nên sức hấp dẫn du khách đến khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số bản địa. Cùng với đó, nguồn lực giáo dục – nghiên cứu – công nghệ từ Đại học Thái Nguyên và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo giúp mở ra hướng đi mới cho du lịch học thuật, du lịch AI – STEM hay du lịch công nghiệp.

picture1 567645202

img 9350 342015067

Những giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tạo nên sức hấp dẫn với khách du lịch. Ảnh: Tuấn Dũng

Trên cơ sở tiềm năng đa dạng và vị trí địa lý chiến lược, Thái Nguyên hiện đang triển khai các tuyến du lịch kết nối với lộ trình 02 ngày 01 đêm hoặc 03 ngày 02 đêm. Một số tuyến trọng điểm đã và đang được xây dựng bao gồm: Tuyến Khu du lịch hồ Núi Cốc – ATK Định Hóa – ATK Chợ Đồn, khai thác chiều sâu lịch sử cách mạng kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái ven hồ; tuyến hồ Ba Bể – các bản làng cộng đồng ven hồ – Điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương – Trung tâm Thương mại Du lịch Dũng Tân, mang lại trải nghiệm hài hòa giữa sinh thái nguyên sơ, bản sắc và tiện nghi hiện đại. Bên cạnh đó, tuyến Bản làng Thái Hải – các điểm du lịch cộng đồng tại sườn đông Tam Đảo (Đồng Khuân, Tân Sơn) – hồ Ba Bể cũng được chú trọng phát triển theo hướng du lịch cộng đồng bền vững, gắn với bản sắc văn hóa và không gian thiên nhiên tĩnh tại. Việc triển khai các tuyến du lịch này không chỉ góp phần gia tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách, mà còn mở ra cơ hội hình thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng trung du miền núi, hấp dẫn cả khách nội địa lẫn quốc tế, đặc biệt là nhóm du khách trẻ yêu thích trải nghiệm bản địa, sinh thái, khám phá và học tập.

dji 20240716150239 0470 d 236351931

Sản phẩm du lịch cộng đồng ngày càng hoàn thiện, hấp dẫn du khách. Ảnh: Nam Đan

Hơn cả một sự liên kết về mặt địa lý, Thái Nguyên – Bắc Kạn sau sáp nhập đang tiến tới hình mẫu của một vùng du lịch thông minh và bền vững. Việc ứng dụng công nghệ số vào trải nghiệm du lịch, phát triển các tuyến du lịch, bảo tồn thiên nhiên gắn với sinh kế cộng đồng... là những định hướng phát triển không chỉ theo kịp xu thế thế giới, mà còn thể hiện rõ tầm nhìn lấy con người làm trung tâm và bản sắc làm gốc rễ.

picture2 614443895

Động Hua Mạ - Một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với Ba Bể.

Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, Thái Nguyên cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chiến lược trong giai đoạn phát triển mới. Trước hết là xây dựng một quy hoạch tổng thể ngành du lịch có tầm nhìn dài hạn, gắn với bản đồ sinh thái – văn hóa của từng địa phương trong tỉnh. Hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch, đặc biệt là các khu vực sinh thái, hang động và bản làng dân tộc cần được đầu tư nâng cấp, đồng thời phát triển dịch vụ lưu trú thân thiện với môi trường như homestay, farmstay, khu nghỉ dưỡng cộng đồng. Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc để làm du lịch bài bản, chuyên nghiệp và gìn giữ bản sắc là điều tiên quyết. Các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã du lịch cộng đồng cần được xây dựng và hỗ trợ vận hành thực chất. Tỉnh cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, quản lý điểm đến, đồng thời xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng. Bên cạnh đó, sự kết nối liên vùng, liên ngành và liên kết công tư sẽ là chìa khóa để Thái Nguyên hình thành một hệ sinh thái du lịch bền vững, xanh và nhân văn, xứng đáng với vai trò trung tâm du lịch mới của khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Có thể nói, Thái Nguyên hôm nay chính là “cánh cửa mở rộng” dẫn vào một không gian du lịch mới: Đa dạng mà hài hòa, hiện đại mà vẫn nguyên sơ, hùng vĩ mà đầy nhân văn. Du lịch nơi đây không đơn thuần là khám phá, nghỉ ngơi, mà là hành trình sống chậm, hiểu sâu và kết nối. Kết nối với thiên nhiên, với cộng đồng, với lịch sử và quan trọng nhất – kết nối với chính mình./.

Tác giả: Minh Đỗ