Theo đánh giá gần đây, lượng khách tham gia vào hoạt động nông nghiệp ngày một tăng; chi tiêu, thu nhập từ hoạt động DLNN đem lại nguồn thu ổn định cho bà con nông dân và đóng góp cho kinh tế địa phương.
Với tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa như hiện nay, nhu cầu về thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ và môi trường xanh, môi trường thiên nhiên ở đồng quê, trải nghiệm lối sống và sinh hoạt truyền thống rất lớn, đặc biệt đối với người dân sống ở thành phố. Ngoài ra, thị trường khách du lịch học sinh, sinh viên cũng là một thị trường khách khá lớn đối với DLNN thông qua các chương trình, hoạt động du lịch học đường.
Giữa du lịch và nông nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn, đồng thời phải có những người biết dựa trên những giá trị khác biệt và nổi bật của nông nghiệp để tạo các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp mang tính đặc thù, hấp dẫn và có phương thức tiếp thị, quảng bá, xúc tiến hiệu quả.
DLNN đối đầu với những thách thức
DLNN là một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù Việt Nam có nhiều tài nguyên để phát triển cho hoạt động DLNN nhưng những khu vực có đủ khả năng khai thác một cách chuyên nghiệp lại không có nhiều. Phần lớn bà con nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có đủ các kỹ năng phục vụ và tạo ra sự hài lòng đối với du khách. Hầu hết các hoạt động DLNN vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá trị nông nghiệp bản địa, văn hóa truyền thống, sự tinh tế, chuyên nghiệp chưa được nghiên cứu bài bản để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao.
Sự hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động DLNN còn nhiều hạn chế cũng như gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành.
TS. Vũ Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch nhìn nhận, “Đối với Việt Nam hiện nay, các sản phẩm phục vụ cho hoạt động DLNN phải xuất phát từ việc phát triển một nền nông nghiệp sạch, ưu tiên sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ”.
Để sản phẩm DLNN gắn kết được với hoạt động lữ hành thì ngoài sự đầu tư, sáng tạo của bà con nông dân, đối tác địa phương, cần sự góp sức trực tiếp từ các hãng lữ hành, Tổng cục Du lịch và Bộ Nông nghiệp. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng lúng túng trong công tác quản lý và quảng bá sản phẩm, cần có thời gian tiến hành xây dựng Bộ tiêu chuẩn hóa về sản phẩm DLNN bắt đầu từ tên gọi. Ngoài ra, để tránh các sản phẩm đơn điệu trùng lặp, việc khai thác yếu tố đặc trưng, có tính khác biệt, điểm nhấn của mỗi địa phương đặc biệt quan trọng. Việc định hướng đầu tư khai thác DLNN sẽ phải chú trọng khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống, các giá trị cốt lõi, bản sắc với các dịch vụ quy mô nhỏ gọn nhưng tinh tế, chuyên nghiệp, thân thiện.
Cung cấp kinh phí mở các lớp tập huấn đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị các sản vật cho các nông hộ là một điểm then chốt trong chiến lược dài hơi. Trong đó, cần có chủ trương nghiên cứu một cách thấu đáo việc xây dựng nền tảng lý luận mang tính thực tiễn và hết sức đặc thù cho việc phát triển các sản phẩm DLNN mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam. Quá trình quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp gắn với DLNN là một việc khó khăn đòi hỏi tầm nhìn lâu dài và nếu thực hiện sẽ cần một quyết sách rất mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam khẳng định, “Chúng tôi tin tưởng rằng với nguồn lực, điều kiện, tiềm năng và xu thế phát triển hiện nay thì DLNN sẽ là lĩnh vực hoàn toàn có triển vọng trong tương lai”.