CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Độc đáo, đặc sắc truyền thống văn hóa của người Dao ở Thái Nguyên

Nghi lễ cấp sắc của người Dao

Nghi lễ cấp sắc của người Dao

Chúng tôi đã có dịp về thăm và chứng kiến nhiều nghi lễ đặc sắc trong truyền thống văn hóa của người Dao như lễ cấp sắc, lễ tơ hồng, lễ tết nhảy… của các nhóm người Dao khác nhau như Dao Lô Giang (Dao Sơn Đầu), Dao Quần Chẹt, Dao Đỏ… mỗi nghi lễ đều để lại những ấn tượng đẹp khó phai.

 

Thái Nguyên là vùng đất trù phú với hiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, nơi sinh sống đan xen của 8 dân tộc anh em. Trong dòng chảy xuyên suốt quá khứ - hiện tại - tương lai, mỗi dân tộc đã tạo dựng cho mình một truyền thống văn hóa riêng, đặc sắc tạo nên bản sắc văn hóa tộc người và làm thành những chuẩn mực, những đặc điểm riêng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Dân tộc Dao là một trong 8 dân tộc đang sinh sống rải rác trên nhiều huyện của tỉnh Thái Nguyên, có số dân khá đông và là một trong ít dân tộc còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc cho đến ngày nay.

Chúng tôi đã có dịp về thăm và chứng kiến nhiều nghi lễ đặc sắc trong truyền thống văn hóa của người Dao như lễ cấp sắc, lễ tơ hồng, lễ tết nhảy… của các nhóm người Dao khác nhau như Dao Lô Giang (Dao Sơn Đầu), Dao Quần Chẹt, Dao Đỏ… mỗi nghi lễ đều để lại những ấn tượng đẹp khó phai.

Lễ tơ hồng là một nghi lễ quan trọng, mang bản sắc riêng trong phong tục cưới hỏi của người Dao Lô Giang ở xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ. Bên cạnh các nghi lễ so tuổi, nghi lễ đặt cau trầu, nghi lễ cắt cổ gà thì đây là nghi lễ quan trọng không thể thiếu để công nhận đôi trai gái chính thức thành vợ, thành chồng. Người Dao Lô Giang quan niệm, sau lễ tơ hồng thì đôi bạn trẻ sẽ sống hạnh phúc bên nhau đến trọn đời, không gì chia cắt được. Trong lễ tơ hồng, chú rể mặc áo đỏ, đội khăn xếp, cô dâu đội nón có thêu hoa văn sặc sỡ, tay và cổ đeo nhiều vòng bạc. Họ quỳ trên đôi chiếu hoa mới trước bàn thờ tổ tiên và thầy cúng sẽ lần lượt thực hiện các nghi thức của lễ tơ hồng như: Nghi thức xua đuổi những điều không may mắn đối với đôi vợ chồng trẻ, nghi thức làm bùa yêu để hai người ở bên nhau mãi mãi, nghi thức làm bùa yểm để hai người luôn khỏe mạnh và được che chở bởi thần linh, cuối cùng là lễ lạy và đôi vợ chồng trẻ cùng uống với nhau một ly rượu với ý nghĩa sẽ say nhau suốt đời. Kết thúc nghi lễ, mọi người tham dự ăn uống linh đình và uống rượu chúc phúc cho cô dâu, chú rể. Lễ tơ hồng là một nghi lễ có từ lâu đời, thể hiện văn hóa đặc sắc riêng của người Dao Lô Giang cư trú trên đất Đồng Hỷ. Đây là một nét văn hóa đẹp cần được bảo tồn và lưu giữ cho đến muôn đời sau.

Rời Đồng Hỷ trong ấn tượng đặc biệt về lễ tơ hồng của người Dao Lô Giang, chúng tôi đến với mảnh đất Đại Từ là địa bàn cư trú của nhiều nhóm người Dao khác nhau và được tìm hiểu về lẽ cấp sắc, một nghi lễ độc đáo, quan trọng mà người đàn ông Dao dù là ở nhóm nào thì cũng phải trải qua thì mới được cộng đồng, làng bản công nhận là đã trưởng thành, được tham gia vào các công việc của làng và mới đủ tư cách để cúng xin ma lành, thần linh ban phúc cũng như ban phép thuật để diệt trừ ma ác.

Với người dân tộc Dao, những ngày diễn ra lễ cấp sắc giống như ngày hội của cả dòng họ và làng bản. Theo phong tục, người muốn được làm lễ cấp sắc thì trong năm đó gia đình phải không có tang hoặc gặp điều xui xẻo, mọi người trog nhà phải ăn kiêng những vật cúng trong lễ như cơm nếp, thịt lợn, thịt gà… cho đến khi làm lễ cấp sắc xong bởi người Dao quan niệm, nếu ăn các thức ăn này thì thần thánh và gia tiên sẽ quở trách là ăn phải của dở và việc thực hiện nghi lễ không còn linh thiêng nữa. Trình tự một nghi lễ cấp sắc gồm nhiều lễ nhỏ như lễ trình diện, lễ thụ đàn và hạ đàn, lễ đặt pháp danh, lễ giao âm binh và gạo nuôi quân, lễ qua cầu, lễ truyền pháp lực…

Lễ cấp sắc được người Dao duy trì bền vững từ nhiều đời nay. Đây là một nghi lễ mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa, có tính chất giáo dục cao đối với thế hệ trẻ. Trong những năm gần đây, lễ cấp sắc của đồng  bào Dao ở Thái Nguyên đã có nhiều cải biên, thay đổi cho phù hợp với thời đại, với tâm lí, tình cảm của mọi người trong cộng đồng nhưng vẫn lưu giữ được bản sắc gốc liên quan đến lĩnh vực văn hóa tinh thần như tâm linh, nghệ thuật, tập quán sinh hoạt, tập quán liên kết, giúp đỡ nhau trong cộng đồng… Lễ cấp sắc vì vậy trở thành niềm tự hào của cộng đồng người Dao, trở thành di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của dân tộc Dao nói riêng, các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói chung.

Lễ Cấp sắc của người Dao quần chẹt

                                            Ảnh 1: Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt ở Thái Nguyên

 Bên cạnh lễ cấp sắc, lễ tết nhảy của người Dao nơi đây cũng là một trong những nghi lễ truyền thống hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc, được xem là một nghi lễ quan trọng bậc nhất trong tục thờ cúng tổ tiên của người Dao. Lễ tết nhảy diễn ra theo từng dòng họ người Dao, bao gồm nhiều nghi thức khắt khe yêu cầu chính xác về thời gian và thủ tục. Phần thú vị nhất với chúng tôi trong lễ tết nhảy của người Dao là lễ Khai đàn. Lễ được bắt đầu bằng các điệu múa nối tiếp nhau, mỗi điệu nhảy đều tuân thủ chặt chẽ theo truyền thống, có tính chất tượng trưng cho các hành động của con người. Các động tác múa khéo léo, tinh tế lặp di lặp lại nhiều lần kết hợp với diễn xướng những bài hát cổ xưa. Sự huyễn hoặc trong từng câu hát, điệu nhảy làm cho người xem có cảm giác như mình đang sống trong một thế giới tâm linh kì ảo.

h1

                                              Ảnh 2: Một điệu nhảy đẹp trong Lễ Tết nhảy của người Dao

Không đơn thuần là phong tục thuần túy, lễ tơ hồng, lễ cấp sắc, lễ tết nhảy của người Dao không chỉ chứa đựng, hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo mà còn mang giá trị nhân văn sâu sắc: Đó là lòng thành kính với tổ tiên, là sự trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc, đó cũng là cách mà người Dao thể hiện tình đoàn kết, sợi chỉ đỏ liên kết thống nhất dân tộc, là hồn thiêng của dân tộc Dao ở Thái Nguyên nói riêng và cả nước ta nói chung.

Tác giả bài viết: Mai Sinh

Nguồn tin: thainguyentourism.vn