CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Diện mạo mới tại suối Kẹm và điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn

Diện mạo mới tại suối Kẹm và điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn
Suối Kẹm và điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn, một cái tên vừa quen vừa lạ với nhiều du khách. Quen vì suối Kẹm, thuộc xã La Bằng, huyện Đại Từ là một điểm đến du lịch sinh thái dã ngoại được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến tại Thái Nguyên. Lạ ở tên “điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn”. Địa danh này quen thuộc với người dân địa phương nhưng lại có phần hơi lạ với nhiều du khách. Chính yếu tố vừa quen, vừa lạ đã tạo cho điểm đến này sự cuốn hút, hấp dẫn du khách đến khám phá và trải nghiệm.

Quen vì suối Kẹm, thuộc xã La Bằng, huyện Đại Từ là một điểm đến du lịch sinh thái dã ngoại được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến tại Thái Nguyên. Lạ ở tên “điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn”. Địa danh này quen thuộc với người dân địa phương nhưng lại có phần hơi lạ với nhiều du khách. Chính yếu tố vừa quen, vừa lạ đã tạo cho điểm đến này sự cuốn hút, hấp dẫn du khách đến khám phá và trải nghiệm.

Toàn cảnh nhà hàng La Bằng Xanh

Nói về suối Kẹm, nơi đây thực sự hút khách mới chỉ trong một vài năm trở lại đây do nhu cầu của người dân muốn tìm đến những địa điểm sinh thái còn nguyên sơ để tận hưởng những giá trị mà thiên nhiên ban tặng. Suối Kẹm có sự thuận lợi nhất định so với những con suối khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bởi đường giao thông di chuyển vào khá thuận lợi, dừng xe là tới suối. Du khách không phải đi bộ quá nhiều. Suối độ dốc ít, có nhiều bãi tắm đẹp, những tảng đá nhẫn bóng trải dài tạo thành những chiếu nghỉ vào mùa đông và những thác nước nhỏ vào mùa hè. Nói chung suối Kẹm có khá nhiều cung bậc để du khách khám phá tùy thuộc vào đối tượng khách và lứa tuổi. Với những du khách tuổi trung niên hoặc trẻ nhỏ có thể lựa chọn cho mình những vị trí thuận lợi ở ngay gần Ban Quản lý rừng quốc gia Tam Đảo, có bến tắm, có lán nghỉ, di chuyển nhẹ nhàng mà vẫn tận hưởng khá trọn vẹn vẻ đẹp của nơi đây. Tuy nhiên với những bạn trẻ có thể khám phá ngọn nguồn của con suối trên đỉnh non xanh Tam Đảo và kết quả là có thể chinh phục được nhiều tầng thác, trong đó có thác Trắng và trải nghiệm leo núi cùng người dân bản địa. Suối Kẹm thuộc Ban Quản lý rừng quốc gia Tam Đảo nên có thể nói còn khá nguyên sơ và đây là một điểm hấp dẫn du khách.

Không gian thơ mộng tại La Bằng homestay.

“Tiếng lành đồn xa”, suối Kẹm ngày càng được nhiều du khách biết đến, cùng với đó các dịch vụ ở khu vực này cũng xuất hiện và phát triển song hành với sự lan tỏa của điểm đến và điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn có lẽ ra đời từ hoàn cảnh đó.

Không gian tràn ngập sắc hoa tại vườn hoa Tân Sơn.

Tôi nhớ khoảng những năm 2013 - 2015, tôi cùng với đoàn khảo sát của các đơn vị lữ hành trong tỉnh và một số đoàn khách quốc tế khi họ đến dự Festival trà của Thái Nguyên đến thăm suối Kẹm và vùng chè La Bằng (chính tại khu vực xóm Tân Sơn bây giờ). Nhưng lúc đó chủ yếu là thăm đồi chè La Bằng, còn suối thì nguyên sơ. Để khám phá ngọn nguồn con suối rất khó khăn, không hình thành lối đi thuận lợi như bây giờ mà khá rậm rạp và dịch vụ phục vụ du khách tại đây lúc đó hầu như cũng không có gì, chỉ có 1, 2 cơ sở tận dụng nguồn nước suối để nuôi cá tầm. Đến năm 2016, 2017 đã bắt đầu xuất hiện 1 đến 2 nhà hàng nhưng quy mô nhỏ mang tính chất gia đình. Trải qua thời gian, nơi đây đã thực sự thay đổi. Sự thay đổi này thể hiện qua từng năm, đặc biệt là vài năm trở lại đây, tại khu vực xóm Tân Sơn của xã La Bằng (gần với suối Kẹm) đã xuất hiện nhiều nhà hàng, homestay đáp ứng nhu cầu của du khách. Ban đầu các cơ sở phục vụ chủ yếu là ẩm thực vì ở đây có ẩm thực cá tầm vô cùng hấp dẫn, với cách chế biến mang nét đặc trưng riêng của người dân địa phương mà du khách thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi không quên. Tuy nhiên, khi du khách đến đây ngày một nhiều, có lúc cao điểm lên tới vài nghìn khách/ngày thì thực sự những cơ sở này quá tải. Người dân địa phương cũng nhận thức được một điều là du khách tìm đến đây họ không chỉ có nhu cầu tắm suối, thưởng thức ẩm thực mà còn mong muốn trải nghiệm những dịch vụ khác nữa như: Lưu trú, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp cùng bà con, leo núi,… Nên dần một loạt các nhà hàng, homestay đã xuất hiện tại khu vực xóm Tân Sơn. Đến nay trên địa bàn xóm đã có 6 cơ sở đáp ứng nhu cầu của du khách về ẩm thực, lưu trú, check in và trải nghiệm. Về ẩm thực, nơi đây có thể phục vụ đồng thời một lúc hàng nghìn du khách, lưu trú có thể phục vụ tối đa vài trăm khách với nhiều loại hình như ngủ cộng đồng tại nhà sàn và không gian riêng lẻ tại các bungalow. Tại các cơ sở hầu hết đều có bể bơi và một số dịch vụ trải nghiệm khác dành cho du khách như: Ngâm chân lá thuốc người Dao, leo núi, giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại, trải nghiệm hái chè, sao chè với bà con (khu vực này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số). Đặc biệt bà con ở đây rất hiếu khách và vô cùng cầu thị. Họ ham học hỏi, sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đóng góp của du khách để hoàn thiện mình hơn.

Trải nghiệm sản xuất nông nghiệp cùng bà con cũng là một điều thú vị

với nhiều du khách.

Có thể khẳng định nơi đây có một sự thay đổi không hề nhỏ tại một làng bản mà trước đây vào là mất liên lạc vì không có sóng điện thoại. Giờ đây, nơi đây như khoác trên mình một chiếc áo mới, cơ sở vật chất phục vụ du lịch từng bước hoàn thiện, người dân làm du lịch ngày một chuyên nghiệp, ẩm thực hấp dẫn và có sự gắn kết giữa các điểm đến trên địa bàn huyện để tạo thành chuỗi tham quan cho du khách. Cùng với đó các Sở, ngành của tỉnh cũng như chính quyền địa phương đã có sự định hướng, quan tâm, hỗ trợ người dân xây dựng điểm cộng đồng xóm Tân Sơn, qua đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa.

Tin tưởng rằng với sự thay đổi trong nhận thức và hành động của người dân cùng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, suối Kẹm và điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn chắc chắn sẽ là một điểm sáng trên bản đồ du lịch của tỉnh Thái Nguyên, một điểm đến trải nghiệm du lịch cộng đồng hấp dẫn mà du khách không nên bỏ qua khi đến với Thái Nguyên./.

Tác giả: Minh Đỗ