CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng

Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng
Những năm gần đây, du lịch Thái Nguyên đã khẳng định được vai trò, tầm quan trọng của ngành đối với phát triển kinh tế - xã hội thông qua lượng du khách và tổng doanh thu từ du lịch mang lại.
 
 

Trên bản đồ hành chính, Thái Nguyên tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Bắc Kạn. Từ Thái Nguyên, du khách có thể lên các tỉnh vùng Đông  Bắc, Tây Bắc hoặc về Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền xuôi. Các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh và thủ đô Hà Nội tạo thành thế chân kiềng, có thể xây dựng nên các tuor, tuyến du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thăm quan, khám phá, thưởng ngoạn của du khách trong nước và quốc tế.

 

Trên quê hương Thái Nguyên, đi đến đâu cũng gặp di tích lịch sử hoặc những địa điểm có phong cảnh thiên nhiên lạ lẫm, hấp dẫn và có thể xây dựng thành điểm du lịch. Ông Hoàng Văn Quý, Trưởng phòng Du lịch (Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch) cho biết: Hiện trên địa bàn của tỉnh có 810 di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hoá. Nhiều nhất là di tích lịch sử có 510 điểm; di tích tín ngưỡng có 233 điểm và 39 di tích danh thắng, 12 di tích khảo cổ học, 16 di tích kiến trúc nghệ thuật. Còn bà Trần Thị Nhiện, Trưởng Phòng Quản lý Di sản cho biết: Thái Nguyên có di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt ATK (Định Hóa); 40 di tích xếp hạng Quốc gia và 168 di tích xếp hạng cấp tỉnh.

dedulich1 1

Công ty TNHH Thái Hải đã chinh phục du khách, thực khách bằng các món ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở Việt Bắc.

Đây là những “địa chỉ đỏ” không phải địa phương nào cũng có. 5 năm gần đây, lượng khách du lịch đến Thái Nguyên ngày một tăng. Nếu như năm 2013 tổng lượng khách du lịch đến Thái Nguyên đạt hơn 1,7 triệu lượt/năm, thì năm 2015 đạt gần 1,8 triệu lượt. Số du khách quốc tế cũng tăng từ hơn 32.000 lượt năm 2013, lên hơn 60.000 lượt năm 2015. 9 tháng năm 2016, tổng lượng khách du lịch đến Thái Nguyên đạt gần 600 nghìn lượt, trong đó có hơn 36.500 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu về các dịch vụ du lịch đạt hơn 900 tỷ đồng.

Khách quốc tế đến thăm Không gian văn hóa Trà Tân Cương, ảnh: Minh Đỗ

 

Ông Vũ Hồng Cương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Ngành du lịch Thái Nguyên có nhiều khởi sắc là bởi sự quan tâm của các cấp, ngành, sự đồng thuận vào cuộc của cán bộ, nhân dân, trực tiếp là các doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động trên lĩnh vực du lịch… Những di tích, danh thắng ở Thái Nguyên đang được đánh thức dậy, dần trở thành ngành công nghiệp không khói, tạo thêm việc làm có thu nhập ổn định cho hàng nghìn người dân địa phương. Những năm gần đây, công tác xúc tiến quảng bá du lịch đã được tỉnh quan tâm thường xuyên cả về cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như các hoạt động tuyên truyền quảng bá về du lịch. Nhất là những hoạt động tại các Hội chợ triển lãm Du lịch trong tỉnh và các địa phương có thị trường khách Du lịch phát triển mạnh, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng. Từ năm 2015, trang Website Du lịch Thái Nguyên chính thức hoạt động, quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch Thái Nguyên đến du khách trong nước, quốc tế.

Du khách tham quan Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Ảnh: Minh Ngân)

Góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển phải kể đến hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá về quê hương, con người Thái Nguyên thông qua các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương. Đặc biệt là hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên tích cực tham gia các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng, khu vực với các địa phương. Các doanh nghiêp du lịch của tỉnh đã ký kết hợp tác xây dựng những tour du lịch Văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng với 6 tỉnh Việt Bắc, với Thủ đô Hà Nội và chương trình liên kết hợp tác du lịch 4 tỉnh: Thái Nguyên - Bắc Giang - Hải Dương - Quảng Ninh.

 

Trong hoạt động du lịch, Hiệp hội du lịch Thái Nguyên cũng đã chủ động quảng bá hình ảnh thương hiệu của từng đơn vị; đồng thời khai thác, phát huy các sản phẩm du lịch đặc trưng của Thái Nguyên phục vụ du khách, như: Sản phẩm về Chè và Văn hóa Trà Thái Nguyên - Việt Nam; sản phẩm các điểm đến du lịch về sinh thái, nghỉ dưỡng và Văn hóa dân gian truyền thống các dân tộc Thái Nguyên.

 

Du khách Nhật tìm hểu về sản phẩm chè Tân Cương, ảnh: Minh Đỗ

 

Ông Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết: Để thu hút du khách đến Thái Nguyên, Hiệp hội luôn khuyến khích các hội viên, chủ yếu là đơn vị kinh doanh lưu trú, kinh doanh nhà hàng ẩm thực, nhà nghỉ, vận chuyển du khách và bán hàng lưu niệm đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ du khách...

 

Để ngành "công nghiệp không khói” phát triển trở thành một ngành kinh tế quan trọng, tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình kích cầu du lịch với chủ đề: “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam - mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc". Nhiều đơn vị, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên đã đăng ký tham gia giảm giá dịch vụ khách sạn - nhà hàng - vận tải du lịch từ 10-15% phục vụ các đoàn tour; cam kết nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ thân thiện; niêm yết công khai giá dịch vụ và cam kết không tăng giá, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch; đảm bảo quản lý môi trường Văn hóa du lịch trên địa bàn, thu hút khách du lịch đến với Thái Nguyên

Tác giả bài viết: Cao Nguyên