CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Để Dự án Khu du lịch hồ Núi Cốc sớm trở thành hiện thực

Để Dự án Khu du lịch hồ Núi Cốc sớm trở thành hiện thực
Cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, ngay sau thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tỉnh ta đã xây dựng nhiều chương trình, dự án để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những dự án đó là Dự án Khu du lịch hồ Núi Cốc với mục tiêu xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc trở thành Khu du lịch Quốc gia, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới trước năm 2025.
 
Một góc Tây Hồ thuộc thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc).
Một góc Tây Hồ thuộc thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc)
 
 
Hồ Núi Cốc là hồ nhân tạo, công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh, được khởi công xây dựng năm 1973 và hoàn thành năm 1978, gồm một đập chính dài 480m và 6 đập phụ, có diện tích mặt hồ rộng khoảng 25km2. Khu du lịch hồ Núi Cốc được xây dựng trên khuôn viên rộng 19.000ha, từ lâu đã hấp dẫn du khách bởi nét đẹp thiên tạo gắn với câu chuyện tình đẹp đã đi vào ca khúc “Huyền thoại hồ Núi Cốc” của Nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Chủ trương nghiên cứu, thực hiện đầu tư Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra bàn thảo ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX. Xác định đầu tư xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc trở thành khu du lịch trọng điểm cấp Quốc gia có tính đặc trưng gắn với văn hóa vùng miền, bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc sẽ tạo được sự phát triển nhanh, bền vững, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn nhanh chóng vào cuộc để nghiên cứu, xây dựng Dự án.

 

Được tham gia Đoàn khảo sát, nghiên cứu mô hình phát triển du lịch tại Tây Hồ thuộc thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) những ngày gần đây, tôi mới có điều kiện hiểu rõ hơn nhiều nét tương đồng giữa Tây Hồ của nước bạn và Hồ Núi Cốc của tỉnh mình. Tây Hồ là một hồ nước ngọt nổi tiếng nằm về phía Tây thành phố Hàng Châu. Nơi đây có nghề dâu tằm tơ rất phát triển; lụa Hàng Châu với kỹ thuật dệt đạt đến độ hoàn mỹ về chất liệu, tinh xảo về hoa văn, trước đây chỉ ưu tiên dành cho vua chúa. Gần Tây Hồ có làng trà Long Tỉnh với trà xanh nổi tiếng, được chế biến rất cầu kỳ, đảm bảo vị ngon hảo hạng, từng được phong là "hoàng trà". Diện tích của khu vực Tây Hồ rộng khoảng 630ha, trong đó phần diện tích chứa nước khoảng 560ha; độ sâu trung bình của hồ từ 2,0-2,8m; hồ nằm trong quần thể khu thắng cảnh rộng khoảng 50km2 với nhiều đền chùa và các di tích văn hóa lịch sử. Tây Hồ được bình bầu là một trong 5 hồ đẹp nhất Trung Quốc trên các tiêu chí về thiên nhiên, vẻ đẹp, sạch, sự đa dạng các loài và tính độc đáo về văn hóa. Tây Hồ  được ví như viên ngọc quý của thành phố Hàng Châu. Cảnh quan văn hóa Tây Hồ đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới năm 2011.

 

Tháp Lôi Phong là một trong những thắng cảnh ven Tây Hồ, cao 5 tầng, được xây hình bát giác.

 

 

Còn tại Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng, hồ Núi Cốc nổi tiếng bởi vẻ đẹp non nước hữu tình, gắn liền với huyền thoại về chuyện tình của nàng Công, chàng Cốc, từ lâu đã là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Phong cảnh hồ Núi Cốc giống như bức tranh sơn thủy hữu tình. Xung quanh là những dãy núi nhấp nhô, cây cỏ in bóng xuống mặt hồ xanh biếc tạo nên cảnh sắc huyền ảo lung linh lúc ẩn lúc hiện, rất dễ quyến rũ du khách. Trong không gian tĩnh lặng, thuyền nhẹ trôi, du khách có thể cảm nhận sự mênh mông của vùng hồ nên thơ, lung linh sắc màu huyền thoại câu chuyện tình thuỷ chung người hóa núi, kẻ nước mắt chảy thành sông. Hồ có khu dành cho du khách có thể bơi lội, tắm mát trong những ngày hè nóng nực. Nhiều điểm nhấn trong quần thể du lịch hồ Núi Cốc đã được hình thành như: Vườn động vật hoang dã; động huyền thoại; chuyện tình Ba Cây Thông; động thế giới Cổ tích và Âm Phủ với những mê cung huyền ảo, các câu chuyện cổ tích được khắc trên vách đá với nhiều hình thù độc đáo, sân khấu nhạc nước... Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của du khách. Nhiều thiết kế trong quần thể Khu du lịch hồ Núi Cốc chưa đảm bảo cảnh quan, hiệu quả đầu tư thấp hoặc không còn phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Việc kết nối du lịch với các điểm đến ngay trong khu vực cũng chưa được hài hòa.

 

 

Một góc Khu du lịch Hồ Núi Cốc. Ảnh Minh Phương

 

 

Để khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về cảnh quan, môi trường của Khu du lịch hồ Núi Cốc gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh là trà và văn hóa trà; kết nối với các khu di tích lân cận mang ý nghĩa giáo dục truyền thống như: Di tích lịch sử ATK Định Hóa, Di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang), Khu du lịch hồ Ba Bể (Bắc Kạn)... chúng ta cần có tầm nhìn dài hạn, lựa chọn được những ý tưởng, phương án quy hoạch phù hợp, lựa chọn được các nhà tư vấn thực sự có kinh nghiệm. Đồng thời cần nghiên cứu kỹ, tham khảo một số mô hình phát triển du lịch trong và ngoài nước có những nét tương đồng, học hỏi kinh nghiệm để quyết định đầu tư cho phù hợp với xu thế phát triển chung, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho người dân.

 

Toàn cảnh hồ Núi Cốc nhìn từ trên cao xuống. Ảnh: Đức Chiến

 

 

Chủ trương đã được đề ra. Tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường được khảo sát, nghiên cứu, lập và thực hiện Dự án. Đây là nhà đầu tư có tiềm năng, tiềm lực tài chính; có nhiều kinh nghiệm đầu tư các dự án lớn, nhất là các dự án đầu tư về du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Với mong muốn hồ Núi Cốc sẽ trở thành điểm nhấn của các tua, tuyến du lịch trong tỉnh, trong nước cũng như quốc tế, thực hiện dự án đầu tư Khu du lịch trọng điểm Quốc gia hồ Núi Cốc sẽ tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến với tỉnh, giúp thực hiện nhanh mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

 

Việc cân đối nguồn ngân sách, phân cấp, phân kỳ thực hiện Dự án; nghiên cứu cơ chế phù hợp, huy động được mọi nguồn lực triển khai Dự án là những vấn đề rất quan trọng để có hướng đi khả thi. Và điều hết sức quan trọng, chúng ta rất cần sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân để Dự án sớm trở thành hiện thực.

 

Tác giả bài viết: Bảo Hân