Công bố quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc: Động lực mới cho ngành Du lịch Thái Nguyên
- Thứ tư - 08/02/2017 16:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
IMG 2096
Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc đến năm 2030, bản đồ định hướng phát triển hệ thống hạ tầng Là tỉnh trung du miền núi, nằm ở phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên có rất nhiều tiềm năng về du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái. Trong đó, nổi bật là văn hóa trà, thắng cảnh hồ Núi Cốc và Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Trong những năm qua, ngành Du lịch Thái Nguyên đã có sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều tài nguyên du lịch có ý nghĩa đối với quốc gia và vùng vẫn chưa được khai thác đúng mức. Để đẩy mạnh phát triển du lịch, khai thác tối đa tiềm năng du lịch đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên, ngày 18-11-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2228 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Đây là một trong những bước đi cụ thể hóa chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có định hướng Thái Nguyên là một trong những trọng điểm phát triển du lịch của trung du, miền núi Bắc bộ nói riêng và cả nước nói chung. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, bộ, ngành TW, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên chứng kiến Lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và 10 doanh nghiệp, đơn vị.(Duy Linh) Theo nội dung Quy hoạch, diện tích vùng lõi tập trung phát triển thành Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc là 1.200ha (không kể diện tích mặt nước). Vùng quy hoạch gồm toàn bộ thắng cảnh hồ Núi Cốc và khu vực lân cận thuộc T.P Thái Nguyên, T.X Phổ Yên và huyện Đại Từ. Mục tiêu phấn đấu trước năm 2025, Khu du lịch Hồ Núi Cốc đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia; đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao gắn liền với thương hiệu văn hóa trà Thái Nguyên và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực... Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc phấn đấu đến năm 2025 đón được khoảng 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế có lưu trú là 10.000 lượt; năm 2030 đón được 4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế có lưu trú khoảng 20.000 lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt khoảng 860 tỷ đồng; năm 2030 đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Với vai trò là khu du lịch trọng điểm quốc gia, Khu du lịch Hồ Núi Cốc định hướng phát triển du lịch gắn với bảo vệ, khai thác hợp lý tài nguyên, đảm bảo an toàn, chất lượng môi trường nước hồ Núi Cốc; khai thác lợi thế về cảnh quan hồ, hệ sinh thái chè và văn hóa trà Thái Nguyên để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù; gắn kết không gian với các tiềm năng du lịch khác trong tỉnh, đặc biệt là Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, chú trọng tăng cường liên kết với các khu, điểm du lịch quốc gia khác trong vùng trung du Bắc bộ để hình thành các tour, tuyến du lịch liên hoàn… Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhận định: Quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc sẽ là động lực để du lịch trung du miền núi Bắc Bộ nói chung và Thái Nguyên nói riêng phát triển. Bà Liên cũng gợi ý: Mới đây, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đã có quyết định đề nghị Cơ quan tư vấn Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa của Liên hợp quốc triển khai chủ đề nghiên cứu cảnh quan trà Châu Á – tiềm năng trở thành di sản thế giới. Theo đó, hiện nay Hội đồng quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS) đã đề nghị Việt Nam nghiên cứu chuyên đề về vấn đề này. Đồng thời, chúng ta cũng đã gửi tới ICOMOS chủ đề nghiên cứu “Cảnh quan văn hóa trà Thái Nguyên”. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần bám sát vấn đề này để tìm hiểu tiềm năng và xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận “Cảnh quan văn hóa trà Thái Nguyên” gắn với khu du lịch hồ Núi Cốc là di sản thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh Thái Nguyên với cộng đồng quốc tế. Hân hoan và tin tưởng là tâm trạng chung của người dân Thái Nguyên khi đón nhận các quyết định quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Lạc, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên cho rằng: Cùng với công bố quy hoạch phát triển khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc là quy hoạch T.P Thái Nguyên đến năm 2035 và khởi động nhiều công trình tầm cỡ khác sẽ mở ra cơ hội phát triển mới, nhanh chóng và mạnh mẽ hơn. Tôi rất vui mừng khi chứng kiến tỉnh nhà đang có bước chuyển mình nhanh chóng như vậy. Với những người dân, đó là niềm vui mừng khi những công trình hợp phần của Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc được triển khai, mang lại những hiệu quả tức thì. Bà Hoàng Kim Ước, người dân xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên) phấn khởi: “Không nói đâu xa, tuyến đường Hồ Núi Cốc dài 9,5km nối từ Trung tâm T.P Thái Nguyên vào Khu du lịch do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thực hiện chính thức được động thổ, khởi công xây dựng bà con mừng lắm. Vì khi hoàn thành không chỉ giúp người dân chúng tôi đi lại thuận tiện hơn mà còn phát triển buôn bán, dịch vụ từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống hơn nữa…”
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, bộ, ngành TW, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp thực hiện động thổ, khởi công xây dựng tuyến đường Hồ Núi Cốc. (Ảnh: Duy Linh) Tại Lễ công bố Quy hoạch vừa qua, UBND tỉnh cũng đã tổ chức ký kết hợp tác đầu tư với 10 doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh ở các lĩnh vực điện, hạ tầng, viễn thông, du lịch với tổng số vốn cam kết đầu tư trên 45.000 tỷ đồng. Đây là cơ sở vững chắc tin tưởng rằng, định hướng phát triển Khu du lịch hồ Núi Cốc mang tầm cỡ quốc gia là khả thi và có đủ nguồn lực để thực hiện. Đây sẽ là “cú hích” lớn cho du lịch nói riêng và nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên nói chung.
|