CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Câu chuyện về người yêu sâm và mong muốn phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương

Câu chuyện về người yêu sâm và mong muốn phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương
Sâm Bố Chính được biết đến đầu tiên tại Quảng Bình cách đây khoảng 300 năm, được đánh giá là một vị thuốc quý trong dân gian, với sự phong phú về hàm lượng dinh dưỡng và hoạt chất đặc biệt, một trong những sản vật quý được người xưa trồng để tiến vua.

 

 

Nói về sản phẩm sâm Bố Chính mọi người thường nghĩ đến mảnh đất Quảng Bình, tuy nhiên hiện nay ở Thái Nguyên, bạn cũng có thể dễ dàng tham quan những mô hình trồng sâm và rất nhiều sản phẩm chế biến từ sâm trên thị trường. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi xin chia sẻ về một cơ sở đang phát triển mô hình trồng sâm tại Thái Nguyên, đó chính là Hợp tác xã nông nghiệp dược liệu Thiên Phúc.

Hợp tác xã mới được được thành lập năm 2022, đó là tâm huyết của người con gái xứ Nghệ trên quê hương Thái Nguyên. Chị Nguyễn Thị Bình vốn quê Nghệ An, lấy chồng tại huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên.

Chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dược liệu Thiên Phúc

  giới thiệu sản phẩm sâm Bố Chính tại tại các sự kiện, Hội chợ.

Với nhiều năm làm Công đoàn tại Công ty Sam Sung, công việc của chị là chăm lo và bảo vệ quyền lợi người lao động, chị vô cùng yêu công việc đó và luôn đau đáu làm thế nào để giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên sức khỏe của chị không được tốt, bố mẹ và chồng của chị cũng vậy. Chính vì vậy mà chị thường xuyên đi tìm những sản phẩm thuần thiên nhiên, dược liệu để chăm sóc sức khỏe cho gia đình và người thân. Trong một lần tham gia lớp học phát triển bản thân chị đã có duyên biết đến sâm Bố Chính, chị mua về tặng mẹ. Qua thời gian, mẹ dùng tốt và bản thân cũng trải nghiệm thấy sức khỏe của mình cải thiện nhiều, chị dần yêu sản phẩm. Cũng từ đó chị và gia đình đã sử dụng sâm Bố Chính như một loại thực phẩm để chăm sóc sức khỏe chủ động cho gia đình.  Vì nhận thấy sâm Bố Chính đã giúp cho gia đình cải thiện được sức khỏe tốt nên chị đem câu chuyện đó kể cho nhiều người trong họ hàng, bạn bè và đồng nghiệp, giúp nhiều người biết đến sâm Bố Chính để sử dụng. Với tình yêu cây sâm Việt, cùng với lời biết ơn sâu sắc vì sâm đã giúp cho bản thân gia đình và người thân  bạn bè cải thiện được sức khỏe nên trong 3 năm qua chị đã không quản ngại khó khăn, vất vả để lan tỏa sản phẩm. Chị kết hợp với nhiều thầy thuốc đông y nổi tiếng và các giáo sư nghiên cứu  tìm hiểu sâu về giá trị dinh dưỡng, dược tính của cây sâm.

Khi biết sâm Bố Chính mang lại giá trị tốt cho sức khỏe, không thua kém nhân sâm Hàn Quốc, giá thành lại  thấp hơn sâm Hàn rất nhiều lần, bên cạnh đó sâm Bố Chính lại chế biến được rất nhiều món ăn phù hợp khẩu vị, ngon, bổ dưỡng, thì tình yêu sâm Việt của chị càng lớn mạnh. Với mong muốn lan tỏa giá trị sâm Việt Nam đến nhiều người, để sử dụng chăm sóc sức khỏe, chị đã quyết định nghỉ việc tại Công ty Sam Sung để về phát triển và lan tỏa sâm Việt.

Hiện nay, Hợp tác xã đã triển khai trồng sâm Bố Chính với diện tích khoảng 2 ha.

Qua 2 năm đồng hành cùng một Công ty sản xuất phân phối về sâm Bố Chính tại Thái Nguyên, nay vợ chồng anh chị trở về địa phương nơi mà nhiều quả đồi đang bị bỏ hoang hóa để lập nghiệp. Điều kiện thổ nhưỡng ở đây lại rất phù hợp với trồng cây dược liệu và sâm Bố Chính nên năm 2022, anh chị đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp dược Thiên Phúc kết hợp với các thành viên của Hợp tác xã nuôi ốc nhồi, trồng dược liệu, sâm Bố Chính.

Vườn ba kích của Hợp tác xã.

Với diện tích khoảng trên 4ha, cơ sở có vị trí ngay sát mặt đường liên xã, thuộc xóm Minh Tiến, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ. Lên thăm cơ ngơi của anh chị, chúng tôi thực sự thán phục đó không phải là ngôi nhà nhiều tầng hay căn biệt thự rộng lớn như nhiều người suy nghĩ mà là những mô hình trồng dược liệu. Chỉ nhìn thôi chúng tôi cũng đã cảm nhận được sự gian nan và tâm huyết cũng như những khó khăn mà anh chị đã trải qua.

Hiện nay, Hợp tác xã đã triển khai trồng sâm Bố Chính với diện tích khoảng 2 ha. Tại thời điểm này, sâm đang thời kỳ sinh trưởng, chỉ hơn một tháng nữa thôi, những bông hoa sâm sẽ khoe sắc rực rỡ, thỏa sức cho du khách check in, chụp ảnh. Chị cho biết ở đây là đất đồi rất khô cằn, khó chăm sóc nhưng dược tính của sâm lại rất cao. Cùng với đó, Hợp tác xã còn trồng ba kích và hà thủ ô đỏ. Đặc biệt, Hợp tác xã còn triển khai mô hình nuôi ốc nhồi với diện tích trên 4000m2, mỗi năm thu hoạch 2 lứa mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Mô hình nuôi ốc nhồi của Hợp tác xã.

Hai vợ chồng trẻ chịu khó và tâm huyết này không chỉ muốn trồng và cung cấp sản phẩm dược liệu ra thị trường mà còn mong muốn xây dựng cơ sở nhà mình thành một điểm đến tham quan và trải nghiệm của du khách về dược liệu. Đây là một ý tưởng khá mới lạ và hấp dẫn. Nói là làm, mới đây, anh chị đã khởi công xây dựng khu trưng bày sản phẩm và đón tiếp khách tại gia. Dự kiến khoảng 2 tháng nữa, không gian sẽ đưa vào phục vụ du khách đúng vào thời điểm hoa sâm nở. Được biết, sâm bố chính có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như: Gà hầm sâm, salat hoa sâm, nộm gà sâm, cháo sâm….Hợp tác xã mong muốn, đây sẽ là một điểm dừng chân của du khách để chụp ảnh, trải nghiệm thu hoạch và sơ chế sâm, thưởng thức ẩm thực độc đáo chế biến từ sâm và mua sắm một số sản phẩm dược liệu về làm quà cho bạn bè và người thân…

Chúng tôi cho rằng ý tưởng này rất phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng tại các địa phương của tỉnh Thái Nguyên. Hơn nữa, nơi đây có một vị trí khá thuận lợi nằm tại một vùng chè nổi tiếng của huyện Đồng Hỷ nói riêng và Thái Nguyên nói chung, có thể kết nối với các điểm đến khác trên địa bàn tỉnh như: Suối Tiên, hang Chùa, đền Hích, bản Tèn (huyện Đồng Hỷ), Điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng (huyện Võ Nhai)… để tạo thành chuỗi du lịch sinh thái cộng đồng mang lại những trải nghiệm ấn tượng cho du khách trong hành trình khám phá du lịch Thái Nguyên (cơ sở chỉ cách km số 7, quốc lộ 1B, hướng đi Võ Nhai chừng 4 km).

Trong thời gian tới, để xây dựng nơi đây trở thành một điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách thì có lẽ còn khá gian nan và là một hành trình cố gắng không mệt mỏi của Hợp tác xã để biến những ý tưởng thành hiện thực. Hợp tác xã sẽ rất cần sự quan tâm, động viên, hướng dẫn của các cấp, ngành của địa phương để cơ sở phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng trên quê hương Đồng Hỷ. Du lịch Đồng Hỷ hiện vẫn cơ bản ở dạng tiềm năng chưa có sự đột phá. Thiết nghĩ, làm du lịch cộng đồng rất cần sự mạnh dạn đầu tư và tâm huyết của những cá nhân, tố chức như thế này, cùng thời gian ắt sẽ thành công, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách tại địa phương./.

Tác giả: Minh Đỗ - Ngọc Linh