Cần Thơ - Điểm đến mới của du khách quốc tế
- Thứ bảy - 02/09/2017 19:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sức hút văn hóa
Với định hướng phát triển loại hình đặc trưng du lịch sông nước đô thị, trong đó du lịch Mice (hội nghị, hội thảo) là thế mạnh, những năm gần đây, Cần Thơ đang trở thành điểm đến của nhiều sự kiện quốc tế.
Năm 2016, Cần Thơ có Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam- Pháp lần 10, năm nay, thành phố được chọn tổ chức Tuần lễ an ninh lương thực trong khuôn khổ các hội nghị APEC 2017, do Việt Nam đăng cai tổ chức. Các hội thảo, hội nghị còn là dịp để Cần Thơ giới thiệu hình ảnh, nét đẹp văn hóa, con người của miền sông nước. Chợ nổi Cái Răng, những vườn cây ở Phong Điền, nét đẹp kiến trúc- lịch sử ở Làng cổ Long Tuyền, du lịch cộng đồng cồn Sơn… thường được giới thiệu trong hành trình khám phá Cần Thơ với các đại biểu.
Hàn Quốc giới thiệu du lịch y tế tại Cần Thơ. Ảnh: Kiều Mai
Bà Fidrella- đại biểu đến từ Peru, trong Tuần lễ an ninh lương thực APEC 2017 tại Cần Thơ, chia sẻ khi tham quan chợ nổi Cái Răng: “Chợ nổi là một nét văn hóa đẹp và thú vị. Tôi sẽ trở lại đây lần nữa để thưởng thức những trái dừa tươi mát, trái cây tươi xanh, đặc biệt muốn hiểu sâu hơn về văn hóa miền sông nước hàng trăm năm”. Đồng quan điểm, ông Kipp Sutton- đại biểu đến từ Mỹ, cho biết: “Tôi rất thích cách người dân trao đổi hàng hóa, ở đây họ có gì bán nấy. Mỗi nền văn hóa đều có đặc trưng riêng và tôi cảm thấy thú vị với văn hóa sông nước của các bạn. Tàu ghe là phương tiện sinh sống, buôn bán của các cư dân miền sông nước, riêng điểm này đã đủ hấp dẫn chúng tôi”.
ĐBSCL khá quen thuộc trên bản đồ du lịch quốc tế, nhưng bấy lâu Tiền Giang và Bến Tre là địa phương trong vùng được nhiều khách quốc tế lựa chọn. Bây giờ, Cần Thơ đang dần có sức hút riêng. Du khách Úc Lauren, nói: “Tôi biết Cần Thơ trong một lần tình cờ được bạn giới thiệu. Bạn ấy đã đến Cần Thơ hai lần. Thành phố có nhiều điều hấp dẫn tôi, ngoài không gian xanh của những vườn cây thì trải nghiệm nếp sống văn hóa, sinh hoạt cùng người dân địa phương, mang đến cho tôi nhiều cảm xúc và khiến tôi luyến tiếc khi rời đi. Tôi nghĩ mình sẽ quay lại”.
Tháng 8-2017, lần đầu tiên tại Cần Thơ tổ chức Trường hè sinh viên Pháp ngữ khu vực châu Á- Thái Bình Dương (Trường hè). Chương trình có gần 100 sinh viên Nhật, Ấn Độ, Campuchia, Lào, Indonesia, Thái Lan… Họ không chỉ giao lưu ngôn ngữ mà còn có những hành trình khám phá, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực. Tham gia hoạt động đi chợ quê và chuẩn bị bữa cơm truyền thống Việt, Yanisa Bunyarattaphan- sinh viên đến từ Thái Lan, cho biết: “Chợ truyền thống Việt và Thái Lan có nhiều nét tương đồng, dẫu vậy tôi vẫn thấy thú vị vì ở đây rau quả rất tươi, cách chế biến đa dạng. Mỗi địa phương đều có những nét văn hóa đặc trưng, tạo nên sức hấp dẫn”. Richa Sethi- sinh viên đến từ Ấn Độ, chia sẻ: “Trường hè lần này thật thú vị khi mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm về văn hóa, con người, nhất là những gì liên quan đến văn hóa truyền thống. Tôi học được rất nhiều điều”.
Tại Trường hè, sinh viên quốc tế tìm hiểu văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng của các công trình kiến trúc cổ, đi chợ quê chuẩn bị bữa cơm truyền thống, trải nghiệm du lịch cộng đồng ở cồn Sơn, tìm hiểu các làng nghề truyền thống ở Cái Răng, Bình Thủy… Sokunthea Someth- sinh viên đến từ Campuchia, cho biết: “Đây có lẽ là Trường hè thú vị nhất trong các Trường hè mà tôi đã tham gia. Cần Thơ có lẽ còn quá mới với nhiều du khách quốc tế khi các thông tin chưa thật sự được truyền tải rộng. Nếu như thông tin về du lịch Cần Thơ phổ biến hơn trong cộng đồng quốc tế, đây là điểm đến được chọn lựa trong hành trình khám phá các nền văn hóa châu Á”.
Điểm đến mới về đầu tư du lịch
Đến Cần Thơ làm việc về hợp tác du lịch trong tháng 9-2017, mới đây, ông Takahashi Ayumi - Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản tại Việt Nam, chia sẻ: “Không gian làng quê yên bình, dân dã và trong lành của các vườn cây ở Cần Thơ chắc sẽ là điểm đến phù hợp, yêu thích của người Nhật. Lần này đến Cần Thơ, tôi biết thêm nhiều thông tin và sẽ đưa Cần Thơ trở thành điểm đến mới được giới thiệu sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng”. Theo ông Takahashi Ayumi, du lịch Cần Thơ vẫn chưa được người Nhật biết nhiều, mặc dù người Nhật sống và làm việc tại Việt Nam rất đông, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bản thân ông Takahashi Ayumi cũng đã có 2-3 lần đến Cần Thơ, nhưng hầu như chỉ tham quan những điểm quen thuộc như chợ nổi Cái Răng, hoặc các điểm trong quận Ninh Kiều; mà chưa biết nhiều về du lịch cộng đồng ở cồn Sơn, cù lao Tân Lộc hay hệ sinh thái ở vườn cò Bằng Lăng, các vườn cây ăn trái ở Phong Điền. Bởi vậy, sau chuyến công tác này, ông Takahashi Ayumi tin tưởng rằng Cần Thơ thích hợp trở thành điểm đến thứ hai mà Nhật tích cực giới thiệu sau TP Hồ Chí Minh.
Các bạn sinh viên quốc tế với hoạt động đi chợ quê trong chương trình Trường hè. Ảnh: Rachel
Cần Thơ đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai và đang tập trung mọi nguồn lực để tiềm năng này được phát huy. Lượng khách đến Cần Thơ đã tăng lên rất nhiều so với trước, lưu trú cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhưng hệ số lưu trú theo thống kê trung bình vẫn chưa vượt qua 2 ngày. Lượng khách lưu trú chỉ bằng khoảng 1/4 lượng khách đến tham quan (8 tháng năm 2017, Cần Thơ đón trên 5,2 triệu lượt khách, trong đó lưu trú chỉ khoảng 1,3 triệu lượt). Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Cần Thơ đón nhiều khách nhưng chỉ số khách ở lại chưa cao, đặc biệt là khách quốc tế. Nguyên nhân một phần là chưa có đường bay quốc tế, các khu du lịch tầm cỡ, các dự án du lịch cao cấp”.
Do đó, TP Cần Thơ có định hướng quy hoạch và kêu gọi đầu tư các dự án du lịch (khu du lịch cồn Sơn, khu du lịch sinh thái cù lao Tân Lộc, khu du lịch vườn cò Bằng Lăng và khu du lịch sinh thái Phong Điền) nhằm phát huy thế mạnh du lịch sông nước đô thị. Chủ trương đầu tư là tập trung phát triển du lịch trên các cồn dọc sông Hậu. Hiện cồn Ấu (Cái Răng) đã có chủ đầu tư hệ thống nghỉ dưỡng cao cấp, cồn Sơn (Bình Thủy) đang phát triển du lịch cộng đồng nhưng cần thêm sự đa dạng về loại hình, nên đang kêu gọi đầu tư khu nghỉ dưỡng, văn hóa, vui chơi giải trí gắn với sông nước. Trong khi đó, cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt) còn giữ được hệ sinh thái đa dạng, hệ thống nhà cổ lâu đời với những nếp văn hóa độc đáo, thích hợp phát triển với dự án du lịch nghỉ dưỡng. Từ sự gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo TP Cần Thơ với đại diện Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản tại Việt Nam, đã mở ra cơ hội mới cho du lịch Cần Thơ.
Trước đó, Cần Thơ cũng đã đồng ý Liên doanh các nhà đầu tư SIBC International Ltd Hong Kong, HCHR- Hong Kong (SPC), KRA Hàn Quốc nghiên cứu đầu tư trường đua ngựa và khu liên hợp thể thao giải trí du lịch với quy mô diện tích trên 150ha (phường Long Hòa, quận Bình Thủy), vốn đầu tư 500 triệu USD. Trong đó, trường đua chính có khoảng 50.000 chỗ ngồi, cùng hệ thống các công trình phụ trợ: công viên nước, công viên giải trí, khu thể thao, sân golf, bóng chày, không gian phức hợp văn hóa, thể dục (nhà hàng, quán cà phê, khu dã ngoại...), khu lưu trú từ 3- 5 sao, khu ẩm thực. Đây được xem là dự án có thể làm thay đổi diện mạo du lịch Cần Thơ. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng đã nhiều lần đến Cần Thơ hợp tác và quảng bá về du lịch. Gần đây nhất là hội thảo quốc tế về du lịch y tế của tỉnh Gyeongsangbuk tại TP Cần Thơ vào cuối tháng 8, tạo tiền đề hợp tác trên lĩnh vực du lịch và y tế.
Cần Thơ đang tăng cường quảng bá sâu và rộng trên thị trường quốc tế với những phương pháp, hình thức mới, đồng thời xây dựng chính sách ưu đãi để có thể thu hút các nhà đầu tư tiềm lực, mang đến sự thay đổi đột phá do du lịch Cần Thơ.