Các hoạt động văn hóa hưởng ứng Festival Trà Thái Nguyên lần thứ 3 và văn hóa ASEAN tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tháng 11 năm 2015
- Thứ ba - 17/11/2015 15:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một trong những địa điểm diễn ra các hoạt động Festival Trà lần thứ 3, Thái Nguyên 2015 với chủ đề “Lễ hội văn hóa trà và văn hóa ASEAN” từ 25 đến 29 tháng 11 năm 2015. Hoạt động có nhiều đơn vị tham gia, trong đó Sở Văn hóa, Thể thao và Du lich Thái Nguyên phối hợp với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam chịu trách nhiệm chính. Ngoài ra có hàng chục các đơn vị khác cùng tham gia, đồng hành như: Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn; Sở Điện lực Thái Nguyên; Sở Ngoại vụ Thái Nguyên; Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Trường Đại học Khoa học, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Câu lạc bộ Tôi yêu Bảo tàng; Công ty cổ phần sự kiện truyền thông Việt 21; Nghệ nhân dân gian các dân tộc Mông, Pà Thẻn (Hà Giang), Tày, Nùng (Thái Nguyên, Cao Bằng), nghệ nhân áo dài Lan Hương (Hà Nội); nghệ nhân dệt vải thổ cẩm dân tộc Thái (Nghệ An). Các làng nghề: đan lát Hà Giang, Phú Vinh (Bắc Giang), gốm mỹ nghệ Bát Tràng, Công ty cổ phần tinh hoa nghệ thuật Thêu Việt, nghề chằm nón làng Chuông…. Cùng với đó, Bảo tàng sẽ tổ chức trưng bày và trải nghiệm văn hóa ASEAN và văn hóa Việt Nam trong khuôn viên 40.000 m2, hướng tới tầm nhìn năm 2020 thành lập cộng đồng ASEAN.
Hoạt động văn hóa trà và văn hóa ASEAN gồm các nội dung:
- Trưng bày văn hóa ASEAN:
Được thực hiện tại Sảnh A, Bảo tàng. Đây là trưng bày cố định, lâu dài tại Bảo tàng, nhằm giới thiệu Hiệp hội các quốc gia ASEAN, từ khi được thành lập (1967) đến nay; Thiên nhiên, đất nước và văn hóa 10 quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, trưng bày nhấn mạnh về nghề thủ công truyền thống của các quốc gia ASEAN từ tiêu dùng tới sản xuất thủ công mỹ nghệ, tạo hàng hóa, thị trường. Trưng bày, trình diễn sưu tập hiện vật nghề thủ công truyền thống gắn với văn hóa các quốc gia ASEAN (đan lát, dệt, gốm, in batik, thêu...). Văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo các quốc gia (Điêu khắc, Hội họa, Âm nhạc, Múa, Văn chương, Sân khấu, Điện ảnh).
2- Hoạt động Văn hóa trà và văn hóa ASEAN : Có sự tham gia của các nước: Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Thái Lan, Nhật, Lào, Inđônêsia, Malaysia, Brunei.
Mỗi quốc gia thực hiện các hoạt động:
- Trưng bày, trình diễn sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với các nước ASEAN
- Trình diễn pha trà, thưởng trà và văn hóa mỗi quốc gia với khách tham quan lễ hội.
- Trưng bày giới thiệu trang phục và văn hóa các dân tộc tại các nước ASEAN.
3- Trưng bày “Con đường Trà Việt xưa và nay”
-Trưng bày con đường trà huyền thoại:
+ Trưng bày hiện vật: Áo vỏ cây, lá cây, đá cuộn
+ Trải nghiệm: Mặc trang phục áo lá, áo vỏ cây, sao chè bằng đá nung và uống chè bằng ống nứa
-Trưng bày đường trà xưa
+ Trưng bày hiện vật: hòn kê bếp bằng đá, áo tơi
+ Trải nghiệm: Mặc trang phục áo tơi sao chè bằng ấm đất, uống chè bằng ống tre, gáo dừa
-Đường trà thời ấy
+ Trang trí vách trát đất, trình tường. Trưng bày hiện vật: ông đồ rau, bếp lò bằng đất, chảo gang sao chè.
+ Trải nghiệm: Mặc trang phục nâu sòng, áo tứ thân, ngồi chõng tre, uống trà bằng chén vại, bát yêu
-Không gian Trà Tuyết San vùng núi cao
+ Trưng bày ảnh về các vùng chè và văn hóa của người trồng chè
+ Trưng bày chợ vùng cao gắn với ẩm thực mèn mén, thắng cố, bánh đúc, bánh đa, bánh su sê, bán bún riêu. Chợ nông sản vùng cao: Gừng, mộc nhĩ, măng, miến…
Trình diễn xay ngô, dệt vải Mông, Pà Thẻn
-Không gian trà với đời sống văn hóa vùng thung lũng
+ Trình diễn hát Then đàn Tính của dân tộc Tày tại không gian nhà Tày
+ Trải nghiệm xay thóc, giã gạo, nhảy sạp, múa xòe, hát then đàn tính tại không gian nhà Tày và nghệ thuật pha trà, thưởng trà vùng thung lũng
+ Trình diễn nghề thủ công truyền thống Rèn của người Nùng và bán sản phẩm rèn Nùng tại không gian nhà Nùng
+ Trưng bày ảnh về trà của Việt 21
+ Trải nghiệm nấu bếp Hoàng Cầm, đun nước pha trà xanh, bát trà xanh gắn với anh bộ đội trên đường hành quân nghỉ chân bên cánh võng
- Không gian trà với đời sống văn hóa vùng đồng bằng (trà trong vụ mùa)
+ Trưng bày hiện vật gồm: Chõng tre, điều cày, điếu bát, bình vôi, cơi trầu, tràng kỷ, vó tôm, nơm, đó
+ Trải nghiệm bắt cá bằng công cụ đánh bắt truyền thống như: kéo vó tôm tại ao làng
+ Trải nghiệm bắt trạch trong chum
- Không gian trà và biển
+ Trưng bày thuyền
+ Trình diễn Hò bả trạo
+ Trải nghiệm nặn gốm Bát Tràng
+Trải nghiệm nấu cơm niêu, cơm nắm, muối vừng.
- Không gian trà vùng đất đỏ bazan
Vị trí: Nhà Rông
+ Trưng bày hình ảnh về trà Lâm Đồng
+ Trình diễn văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên
- Không gian trà miệt vườn Nam Bộ
Vị trí: Chùa Khơ me và miệt vườn Nam Bộ
+ Trải nghiệm xách nước qua cầu khỉ, tát nước gầu giai
+ Trưng bày sưu tập áo dài của NTK Lan Hương (Hà Nội)
+ Triển lãm ảnh nghệ thuật chè Thái Nguyên của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh TP Thái Nguyên tổ chức
4- Khai mạc Trưng bày văn hóa ASEAN, sẽ diễn ra vào 15h ngày 25/11/2015. Tại sân sảnh A Bảo tàng.
5- Khai mạc văn hóa trà và văn hóa ASEAN, sẽ diễn ra vào 19h ngày 25/11/2015. Tại sân khấu ngoài trời Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt nam.
6- Đêm giao lưu, kết nối Di sản Văn hóa ASEAN. Với các tiết mục đặc sắc của các quốc gia ASEAN tại khuôn viên Bảo tàng, diễn ra từ ngày 26 tháng 11 năm 2015.
7- Giao lưu nghệ thuật “Không gian trà gắn với thi ca” của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên
8- Trình diễn áo dài truyền thống của Nhà thiết kế áo dài Lan Hương – Hà Nội
9- Trưng bày ảnh tư liệu hoạt động của Bảo tàng nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt nam (1960 – 2015)
Festival Trà Thái Nguyên lần thứ 3 và văn hóa ASEAN là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm trà Thái Nguyên đến với bạn bè trong nước và Quốc tế. Việc trưng bày văn hóa ASEAN nhằm giới thiệu, tuyên truyền văn hóa ASEAN, là cơ hội để các quốc giao lưu giữa các nền văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ASEAN trong cuộc sống đương đại.