Bỏ phố lên rừng làm du lịch
- Thứ năm - 22/07/2021 14:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hà Tiến Khải là người đàn ông trong câu chuyện này. Sinh ra, rồi gắn bó cả phần đời trẻ trung của mình ở Trung Hội (Định Hóa). Bao năm làm lụng, tích lũy tạo dựng nhưng cái chất rừng, chất núi thôi thúc ông bỏ phố hội, dọn đến xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình tạo lập cuộc sống mới. Nhiều người can ngăn, ông mặc kệ, cứ làm theo ý thích của mình.
- Ở phố mọi thứ đều thuận tiện, sao ông lại buông bỏ? - Tôi hỏi thăm dò.
- Tại duyên với đất này mà đến.
Như lời ông: Duyên ấy được khởi từ những lần đi lấy cây thuốc nam chữa bệnh. Nhiều cây thuốc đi nhiều nơi, tìm chán không thấy, lại có ở đây. Nên từ 6 năm trước, một lần về đây tìm cây thuốc nam, thấy chủ đất giao bán, ông không ngần ngại dồn hết vốn liếng mua lại toàn bộ diện tích đất đồi, bãi, ruộng cộng lại được gần 10.000m2. Cũng từ lúc đó ông nung nấu ý tưởng xây dựng khu đất này thành một điểm du lịch. Ông trăn trở: Tại xã Phú Đình có các điểm đến lịch sử quen thuộc là lán Tỉn Keo; Nhà tưởng niệm Bác Hồ; Nhà trưng bày Bảo tàng ATK Định Hoá; lán Khuôn Tát… Rồi đến chân đồi Khẩu Goại đùa nghịch trong làn nước trong vắt từ núi Hồng tuôn chảy thành thác nước 7 tầng nhưng sẽ thú vị hơn nếu có thêm một điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Đang băn khoăn thì nhận được sự khuyến khích động viên của chính quyền địa phương và người dân trong vùng.Vậy là ông quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Từ bàn trà đặt trước hiên ngôi nhà sàn 5 gian mái ngói, phóng mắt nhìn ra khoảnh đất phía trước, chợt thấy lòng nhẹ nhàng bởi đủ sắc hoa làm mãn nhãn. Tất cả đều do vợ chồng ông cày, cuốc, tra hạt, tưới bón. Hơn 3 năm trước vợ chồng ông đầu tư vườn cây ăn quả, gồm hơn nghìn cây, chủ yếu cam, bưởi, hồng xiêm, mít, trám đen… được trồng thành hàng lối, chỗ đất dốc tạo bậc cho khách thăm lên xuống không trượt ngã. Hiện nhiều cây trong vườn đã cho quả vụ đầu. Hai năm gần đây ông đầu tư mạnh tay hơn, gồm 1 ngôi nhà sàn 3 gian, 2 chái; toàn bộ mặt sàn phía trên dành cho các hoạt động giao lưu văn hóa, hát then, nhảy sạp, ẩm thực; đồng thời làm chỗ ngủ, nghỉ cho du khách lưu trú. Bà Lê Thị Hằng, vợ ông Khải cho biết: Mới tạo dựng cơ sở, nên mọi việc đều cần đến tiền vốn đầu tư. Đầu tháng 3 tôi vừa sắm một loạt 30 bộ chăn, ga, gối, đệm; bộ đồ nấu ăn đủ dùng cho 10 mâm cùng lúc, chỉ bấy nhiêu đã hơn trăm triệu đồng.
Hướng mắt về phía vườn hoa rộng gần 1.000m2, ông Khải nói phấn chấn: Vợ chồng tôi tự san bạt tạo mặt bằng, cuốc vỡ làm đất trồng hoa. Vì là trồng hoa cho người thiên hạ đến ngắm, nên mỗi lần trồng mới đều có thiết kế vườn bãi, như việc đánh luống, tạo ô đất mang hình trái tim, hình tròn, hình vuông, hình ngôi sao năm cánh… có lúc tạo hình bản đồ Việt Nam. Cách làm như vậy nên ngay từ lúc phơi đất đã thấy đẹp. Hình hài không thay đổi nhưng màu sắc trong vườn thay đổi. Nhiều du khách ngỡ ngàng thấy chiều hôm trước vườn còn phơi bạc màu đất, sớm hôm sau đã thấy các hình thù màu xanh, rồi cây vươn cao, nảy nụ, đơm hoa đan xem nhiều sắc màu. Một bữa tiệc no mắt, bổ hồn, du khách quay, chụp hình miễn phí gửi cho bạn bè cùng thưởng thức.
Như để chắc chắn hơn cho lời mình nói, ông dừng lời giây lát, nghĩ suy rồi tiếp tục câu chuyện: Hơn 3 tỉ đồng đầu tư cho hạ tầng du lịch ban đầu. Để tạo thêm sản phẩm mới phục vụ du khách, tôi đã có kế hoạch “gọi vốn” đầu tư dựng thêm 1 ngôi nhà sàn truyền thống; xây dựng hệ thống ao nuôi cá tầm bằng nguồn nước tự nhiên, bảo đảm đủ nuôi thường xuyên từ 1.200 đến 1.500 con cá. Xây dựng thêm 2 bể bơi, 1 dành cho người lớn và 1 dành cho trẻ em.Nếu có thể thì xây dựng thêm một khu vui chơi giải trí, gồm các tích trò dân gian vùng cao miền núi.
Từ chân đồi, một tốp nam thanh nữ tú tiến về. Người cầm cây đàn tính, người mang trong tay chiếc xóc nhạc, ai nấy mặt tươi như hoa. Họ là các thành viên câu lạc bộ hát then, đàn tính của địa phương. Giữa họ và vợ chồng ông Khải có một giao kết bằng miệng: Sẵn sàng quảng bá, giới thiệu tiếng then, tiếng đàn tính đến du khách vào các ngày trong tuần. Đồng thời tham gia hướng dẫn cho du khách hiểu biết thêm về những nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc huyện Định Hóa.
Chợt một làn gió mát lành thoảng qua mang theo hương vị của ẩm thực núi rừng. Mâm cơm được bày ra với những món chỉ ATK mới có, gồm: Nộm bi chuối rừng, măng đắng nhồi thịt, rau rớn, ngót rừng, gà chạy đồi nguyên con, trám đen om thịt, xôi ngũ sắc, bánh lẳng... Những món ăn truyền thống được vợ chồng ông Khải chế biến công phu, nhất là việc phối hợp giữa các loại thực phẩm thành món mới, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa bồi bổ sức khỏe lại có công năng chữa bệnh. Ông Khải tự hào: Vì tôi có xuất thân từ nghề chữa bệnh bằng cây thuốc nam nên điều tôi quan tâm luôn là sức khỏe của du khách, sau mới đến lợi ích kinh tế gia đình./.
Tác giả: Phạm Ngọc Chuẩn