CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở xã Phú Thượng

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày  gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở xã Phú Thượng
Là một xã miền núi nằm ở phía Đông huyện Võ Nhai, cách thành phố Thái Nguyên 40km, xã Phú Thượng có diện tích trên 5.000 ha, chủ yếu là các dân tộc thiểu số sinh sống đã tạo nên những di sản văn hóa truyền thống độc đáo, được thể hiện sinh động qua loại hình văn hóa hát then, ẩm thực và sinh hoạt hàng ngày của bà con nơi đây.

Bên cạnh đó xã Phú Thượng là mảnh đất với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cùng những vườn cây ăn trái và điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng tạo nên sức hấp dẫn du khách đến khám phá, trải nghiệm.

Trong thời gian vừa qua, xã Phú Thượng đã tuyên truyền, vận động người dân nhận thức rõ công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đã nhận được sự đồng tình từ phía người dân. Đặc biệt, sau khi chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh Thái Nguyên được triển khai, người dân trong xã, nhất là người dân xóm Mỏ Gà đã bắt tay ngay vào việc đầu tư nâng cấp những ngôi nhà sàn truyền thống, mua sắm vật dụng, để phục vụ khách du lịch. Đến nay, xóm Mỏ Gà đã lựa chọn được 04 hộ đủ điều kiện triển khai mô hình lưu trú tại gia và tiếp tục hỗ trợ 06 hộ xây dựng mô hình lưu trú cộng đồng; thành lập được 01 đội văn nghệ thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ dân gian (hát then, đàn tính); một số hộ dân trong xóm còn lưu giữ được nghề đan lát truyền thống để phục vụ du khách trải nghiệm; các hộ dân trong xóm thường xuyên chế biến món ăn truyền thống như: Khẩu si, bánh trưng đen, xôi ngũ sắc để phục vụ gia đình và du khách.

Bà con vẫn lưu giữ được nghề đan lát truyền thống

để phục vụ du khách trải nghiệm.

Du khách trải nghiệm giã bánh dày cùng bà con xóm Mỏ Gà.

Nhà sàn truyền thống được đầu tư nâng cấp phục vụ khách du lịch.

Trong xóm Mỏ Gà có 01 nhà văn hóa cộng đồng vừa là nơi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương vừa là nơi để đón tiếp khách. Nhà văn hóa được xây dựng theo mô hình nhà sàn truyền thống. Trong khuôn viên nhà văn hóa, địa phương cũng đã phục dựng lại 03 cọn nước để phục vụ cho cho du khách check in khi đến với điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà.

Các sản phẩm OCOP được trưng bày tại nhà văn hóa cộng đồng.

Tuy nhiên, hiện nay xã Phú Thượng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng như: Người dân ở đây chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển du lịch; chưa có sự liên kết giữa các địa phương trong và ngoài huyện; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp; hoạt động quảng bá, maketing chưa được quan tâm đầu tư; các sản phẩm du lịch còn hạn chế; chưa có nhà hàng ẩm thực quy mô lớn thu hút du khách nghỉ chân, thưởng thức những món ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc.

Tin tưởng rằng, với sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền và người dân trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở xã Phú Thượng sẽ góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đồng thời đưa điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà là điểm đến thú vị cho du khách muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên và tìm hiểu giá trị di sản văn hóa dân tộc Tày./.

Tác giả: Thu Hương