CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam Khai trương "Chỉnh lý hệ thống trưng bày - Phòng trưng bày văn hóa các dân tộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường và Tày Thái"

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam Khai trương  "Chỉnh lý hệ thống trưng bày - Phòng trưng bày văn hóa các dân tộc  nhóm ngôn ngữ Việt - Mường và Tày Thái"
Nhằm chỉnh lý cải tạo, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa của du khách, sáng ngày 30/8/2022, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã tổ chức khai trương và đưa vào sử dụng phòng trưng bày số 1 và số 2 (Phòng trưng bày văn hóa các dân tộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường và Tày Thái).

Các đại biểu tham dự chương trình.

Tham dự chương trình có đồng chí Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Ngô Thị Thanh Nhàn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thái Nguyên; đồng chí Lê Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên; đại biểu đại diện các ban, ngành của tỉnh và thành phố Thái Nguyên; các cơ quan báo chí, truyền hình trung ương, địa phương đến đưa tin; cùng học sinh, sinh viên một số trường trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đến dự.

Tiết mục văn nghệ trong chương trình.

Phòng trưng bày số 1 và số 2 nằm trong hệ thống 5 phòng trưng bày cố định của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, đây là không gian trưng bày văn hóa các dân tộc nhóm ngôn ngữ "Việt - Mường" và "Tày Thái" đã được đưa vào sử dụng từ những năm 1996 - 1998. Trải qua gần 30 năm, các phương tiện, thiết bị đã cũ, lạc hậu, chưa bắt kịp xu hướng hiện nay. Do thiết bị cũ nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong trưng bày trải nghiệm gần như chưa có. Để mang lại sức hấp dẫn và lôi cuốn du khách đến với bảo tàng, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã triển khai dự án "Chỉnh lý hệ thống trưng bày - Phòng trưng bày văn hóa các dân tộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường và Tày Thái".

Các đại biểu cắt băng khánh thành Phòng trưng bày.

Phòng Trưng bày số 1 và số 2 được khánh thành với 24 tổ hợp trưng bày, 1000 tài liệu hiện vật và 4 phần mềm: Tìm hiểu, khám phá văn hóa theo tổ hợp trưng bày; phần mềm thực tại trộn và trò chơi trải nghiệm văn hóa; phần mềm thực tại ảo (VR) khám phá các loại hình nghệ thuật và phần mềm thuyết minh tự động sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị và hấp dẫn mới cho du khách khi đến tham quan phòng trưng bày. Thêm vào đó, các tổ hợp trưng bày mở rộng các điểm nhấn văn hóa và chủ quyền biển đảo, có các hoạt động biểu diễn mang tính động bổ sung cho tài liệu hiện vật, thực sự làm cho trưng bày có thêm chiều sâu văn hóa, câu chuyện hiện vật trở nên sống động, giúp văn hóa các dân tộc Kinh, Mường, Thổ, Chứt nhóm ngôn ngữ Việt - Mường cũng như văn hóa 8 dân tộc Tày, Nùng, Thái, Lào, Lự, Giáy, Sán Chay, Bố Y nhóm ngôn ngữ Tày Thái dễ dàng thẩm thấu đến mỗi du khách tham quan.

Các đại biểu và du khách tham quan phòng trưng bày.

Học sinh trải nghiệm hình thức trưng bày mới trên thiết bị thông minh.

Việc khánh thành và đưa vào sử dụng phòng trưng bày văn hóa các dân tộc nhóm ngôn ngữ "Việt - Mường" và "Tày Thái" đã thể hiện sự đổi mới, sáng tạo trong công tác trưng bày, giới thiệu hiện vật, văn hóa của Bảo tàng, giúp công tác trưng bày của Bảo tàng được nâng tầm cao mới, tránh sự nhàm chán và đơn điệu theo quan niệm truyền thống về Bảo tàng. Đặc biệt, việc khánh thành trong dịp nghỉ lễ 02/9 năm nay cùng với chương trình trưng bày chuyên đề "Văn hóa dân tộc Mường - Truyền thống và phát triển", Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách và nhân dân của tỉnh Thái Nguyên./.

Tác giả: Ngọc Linh - Nam Đan