CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


ANH HÙNG LƯU NHÂN CHÚ TRONG ĐỜI SỐNG TÂM LINH CỦA NGƯỜI DÂN HUYỆN ĐẠI TỪ

ANH HÙNG LƯU NHÂN CHÚ TRONG ĐỜI SỐNG TÂM LINH CỦA NGƯỜI DÂN HUYỆN ĐẠI TỪ
Lưu Nhân Chú sinh ra ở vùng quê Thuận Thượng (nay là xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), trong một dòng họ bốn đời làm phiên trấn Thái Nguyên, ông sớm được giác ngộ lòng yêu nước và ý chí đánh đuổi giặc ngoại xâm diệt giặc. Hơn năm trăm năm về trước, khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ (1418), cha con Lưu Nhân Chú đã là những người đầu tiên có mặt dưới lá cờ khởi nghĩa của Lê Lợi. Là một trong những người tham dự Hội thề Lũng Nhai, chỉ huy trực tiếp nhiều trận đánh lớn của nghĩa quân Lam Sơn, Lưu Nhân Chú được Lê Lợi tin cẩn, quý trọng và giao cho nhiều trọng trách. Ông có những cống hiến to lớn trong kháng chiến, trong việc thành lập vương triều nhà Lê, một vương triều thịnh đạt trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.

 

Untitled
Lễ hội Núi Văn-Núi Võ (Ảnh Đức Quân)

Đối với người dân Đại Từ từ xa xưa cho đến thời điểm hiện nay, Lưu Nhân Chú là người mà họ luôn thể hiện lòng thành kính và biết ơn sâu nặng. Ông là vị tướng tài ba, cống hiến cả tuổi xuân cho sự nghiệp kháng chiến chống quân xâm lược; giúp nhân dân trong vùng mở mang ruộng đồng, cấy trồng lương thực đem lại cuộc sống no ấm cho họ; sống giản dị, gần gũi với dân làng, vì thế Lưu Nhân Chú được thờ ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Đại Từ, đặc biệt là vùng Văn Yên, Ký Phú, Vạn Thọ, Quân Chu. Hàng năm, vào ngày 15 tháng 02 (Âm lịch) con cháu trong dòng họ lại tập trung nhau tổ chức cúng giỗ ông, nơi đầu tiên thờ Lưu Nhân Chú là nhà ông Lưu Sĩ Lựu - trưởng dòng họ Lưu ở xã Văn Yên. Vào ngày hội núi Văn - núi Võ (mùng 04 Tết Âm lịch) lễ rước được bắt đầu từ nhà trưởng họ rồi đi đến núi Võ. Đây là một trong những hội xuân diễn ra sớm nhất ở Thái Nguyên, ngay trong dịp tết thu hút đông đảo nhân dân dự hội và thắp hương tưởng nhớ người anh hùng Lưu Nhân Chú.

Dưới chân núi Võ, nhân dân lập đền thờ anh hùng Lưu Nhân Chú, trong đền lúc nào cũng nghi ngút khói hương của người dân trong vùng và khách thập phương. Trong những dịp tuần rằm, lễ tết nhân dân Đại Từ thường xuyên tới dâng hương để thể hiện lòng thành kính và cầu xin sự che chở từ vị phúc thần này. Từ năm 2010, đền thờ Lưu Nhân Chú được xây dựng lại với các hạng mục: Đền thờ chính, sân lễ hội, tả vu, hữu vu, tháp chuông, chòi nghỉ, nhà khách, điện thờ, nhà thờ thổ công rất khang trang, nhằm phục vụ nhân dân trong vùng và khách thập phương tới thắp hương và vãn cảnh đền, sự kiện này là niềm vui lớn cho người dân Đại Từ.

Núi Văn thuộc địa phận xã Ký Phú, mùng một, hôm rằm bà con nhân dân trong xã đến thắp hương thể hiện lòng thành kính. Chùa Am nằm trên một ngọn núi khá cao thuộc xóm Bậu xã Văn Yên, chùa vốn thờ Phật, thờ Mẫu, thờ vọng tướng quân Lưu Nhân Chú. Năm 1948, chùa bị phá do chủ trương tiêu thổ kháng chiến, đến năm 1990 được nhân dân xây dựng lại. Chùa vốn là nơi thờ Phật. Việc thờ nhân vật lịch sử Lưu Nhân Chú ngang hàng với Phật, với Mẫu Thượng Ngàn trong chùa Am chứng tỏ công đức lớn lao của ông với nhân dân trong vùng. Nhân dân thờ Lưu Nhân Chú như một vị Phật đã chứng tỏ sự kính trọng, lòng biết ơn của nhân dân Đại Từ đối với ông. Dân làng Bậu, xã Văn Yên coi người anh hùng Lưu Nhân Chú là thành hoàng làng, là vị phúc thần đem lại may mắn cho họ.

Một số gia đình nhà dân ở xóm Dưới, xóm Cầu Găng, xóm Bậu… xã Văn Yên cũng lập đền thờ Lưu Nhân Chú.

Lưu Nhân Chú đã để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống tâm linh của người dân Đại Từ. Họ quan niệm ông là vị phúc thần luôn che chở và đem lại may mắn cho cuộc sống của họ, trong tiềm thức của họ ông là vị Phật sống của nhân dân. Việc thờ cúng Lưu Nhân Chú như một vị Phúc thần đã bồi đắp thêm niềm ngưỡng vọng thiêng liêng của người dân Đại Từ đối với vị "khai quốc công thần" của triều Lê. Vào ngày lễ hội, nhân dân trong vùng và khách thập phương nô nức đổ về đền. Đó là minh chứng cho niềm tin của nhân dân đối với sự linh thiêng của người anh hùng Lưu Nhân Chú, là truyền thống "uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp của nhân dân Đại Từ. Lưu Nhân Chú một danh nhân lịch sử dân tộc, là niềm tự hào của người dân Đại Từ - Thái Nguyên.

Tác giả bài viết: Đức Quân