CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


10 điểm du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu tại Thái Nguyên

10 điểm du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu tại Thái Nguyên
Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Thái Nguyên giới thiệu 10 điểm đến du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

 

 

 

 

1. Đền Đuổm

Đền Đuổm tọa lạc tại chân núi Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Đền thờ Dương Tự Minh – Thủ lĩnh phủ Phú Lương, phò mã hai đời vua nhà Lý, người đã có nhiều công lao bảo vệ vững chắc miền biên cương quốc gia Đại Việt hồi thế kỷ XII. Ngôi đền có các hạng mục chính gồm lầu chuông, đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Đền Hạ là nơi thờ hai công chúa Diên Bình và Thiều Dung; đền Trung là nơi thờ Đức Thánh Đuổm Dương Tự Minh và đền Thượng là nơi thờ thân mẫu của ông.

Đền Đuổm. Ảnh: Đức Quân

 Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, vãn cảnh.

2. Chùa Hang (TP. Thái Nguyên)

Chùa Hang - Kim Sơn Tự nằm ở trung tâm phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 3 km về phía Bắc. Đây là ngôi chùa cổ có từ thế kỷ XI. Hiện nay, chùa Hang đã được trùng tu và xây dựng thêm các công trình như: Chính điện tam bảo, tam quan, lầu chuông, lầu trống, nhà thờ tổ... Nơi đây có tiếng là chốn cửa phật linh thiêng, trung tâm phật giáo lớn của tỉnh và là địa điểm du lịch hấp dẫn của Thái Nguyên, thu hút nhiều du khách gần xa.

Toàn cảnh chùa Hang, TP. Thái Nguyên. Ảnh: Đức Quân

Lễ hội chùa Hang được mở chính hàng năm vào ngày 20 tháng Giêng và thường kéo dài khoảng 3 ngày, thu hút hàng vạn khách thập phương về dự.   

3. Chùa Phù Liễn

Chùa Phù Liễn. Ảnh: Đoàn Chiên

Chùa Phù Liễn tên chữ là Phù Liễn tự hay Phù Chân Thiền tự, thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên.

Chùa Phù Liễn là nơi gắn với nhiều sự kiện lịch sử. Trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chùa là nơi che chở, nuôi dấu một số nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám và Đội Cấn. Qua các lần trùng tu, đến nay ngôi chùa gồm có: Nhà Tam Bảo, Điện mẫu, Nhà thờ tổ và khu vườn tháp cổ. Trước sân chùa có tượng Phật Bà Quan Âm linh diệu. Trong chùa còn có bức đại tự gắn bốn chữ vàng: Linh sơn phúc địa (có nghĩa là: núi thiêng, đất lành).

Hằng năm vào ngày 12/1 Âm lịch, các tăng ni, phật tử, nhân dân trong và ngoài tỉnh về đây lễ phật cầu phúc cầu tài, tham gia các trò chơi chọi gà, đánh đu, cờ tướng...

4. Chùa Đán

Chùa Đán nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 5km về phía Tây, thuộc địa phận xóm Chùa, phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên.

Chùa Đán trước đây là một ngôi chùa cổ. Thời kỳ đất nước có chiến tranh, chùa thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Trải qua nhiều lần xây dựng và tu bổ, đến nay ngôi chùa đã được xây dựng bề thế, gồm một số hạng mục công trình như : Nhà Tam Bảo, nhà thờ Tổ, cung mẫu. Đặc biệt, trong khuôn viên của chùa còn có ngôi nhà sàn tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà mang kiến trúc của đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc.

Tam quan chùa Đán. Ảnh: Nam Đan

Chùa Đán là địa điểm tập kết của Quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiều ngày 19/8/1945, để sáng sớm ngày 20/8/1945 tiến đánh phát xít Nhật, giải phóng tỉnh lỵ Thái Nguyên. Chùa Đán đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2011.

Hiện nay, chùa  không chỉ là nơi để tăng ni, phật tử và người dân thực hành tín ngưỡng, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho các hệ hôm nay và mai sau.

5. Đình – Đền – Chùa Cầu Muối

Đình - Đền - Chùa Cầu Muối nằm ở trung tâm xóm Cầu Muối, xã Tân Thành, huyện Phú Bình. Cụm di tích gồm 1 ngôi đình, 1 ngôi chùa và 2 ngôi đền. Đình Cầu Muối thờ thành hoàng làng là Cao Sơn Quý Minh Đại Vương (Dương Tự Minh); đền Công Đồng thờ Mẫu Liễu Hạnh, đền Thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn; chùa thờ Phật.

Lễ hội Đình - Đền - Chùa Cầu Muối. Ảnh: Nam Đan

Cụm di tích không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của nhân dân mà còn là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử của xã Tân Thành và huyện Phú Bình trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1948, Đình – Đền – Chùa Cầu Muối là nơi dạy chữ quốc ngữ cho nhân dân địa phương. Năm 1950, là nơi đóng quân của Đại đoàn 308. Sư đoàn 304 đóng quân huấn luyện phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ từ 1969 đến 1970. 

Lễ hội Đình - Đền - Chùa Cầu Muối được tổ chức vào ngày 4 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm với lễ rước kiệu và nhiều trò chơi dân gian độc đáo, thu hút hàng ngàn khách du lịch thập phương

6. Chùa Khánh Long

Chùa Khánh Long xưa kia được người dân trong vùng gọi là chùa Làng Ngò. Chùa tọa lạc trên quả đồi cao với diện tích 2,5ha thuộc xóm Ngò, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Chùa Khánh Long về đêm. Ảnh: Thanh Ngân

Chùa được xây dựng chủ đạo bằng đá trong một khuôn viên khép kín theo kiến trúc chùa cổ bao gồm: Tam quan, Tam bảo, lầu chuông, lầu trống, nhà thờ tổ, nhà thờ mẫu, nhà khách, vườn lộc uyển… tất cả tạo cho nơi đây một không gian đầy tĩnh lặng và tôn nghiêm. Khuôn viên của chùa luôn rợp bóng mát bởi những cây si, cây xà cừ cổ thụ, tạo cảm giác mát mẻ trong những ngày hè oi bức.

Chùa Khánh Long nằm trên trục đường vào Đình – Đền – Chùa Cầu Muối, do đó đây sẽ là một chuỗi những điểm đến về tâm linh hấp dẫn du khách trên địa bàn huyện Phú Bình nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung.

7. Chùa Hang ( Định Hóa)

Chùa tọa lạc tại xóm Đồng Chùa, thị trấn Chợ Chu, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 60 km về phía Tây Bắc.

 Chùa Hang có cấu trúc đặc biệt, được thiên tạo trong hang đá. Cửa chùa cũng chính là cửa hang có hình vòng tròn bằng đá khá rộng và thoáng mát, phía bên trong là hang sâu đến cả nghìn mét vẫn còn nguyên sơ với vòm mái cao, phẳng được “trang trí” bởi những nhũ đá rủ xuống như những chiếc đèn lồng, rồi những trụ đá tích tụ bởi những giọt “nước trời” từ trên cao nhỏ xuống. Chùa gồm: Hang trên, miếu Mẫu, nhà Tam quan, hang dưới, bàn thờ Phật, tấm bia cổ thời Nguyễn và chuông cổ. Đây không chỉ là một di sản thiên nhiên do tạo hóa ban tặng, là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân mà còn là một di tích gắn với vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, chiến khu cách mạng ATK Định Hóa.

Đường lên chùa Hang, huyện Định Hóa. Ảnh: Thu Hương

Hội chùa Hang diễn ra vào 14-15 tháng Giêng hằng năm, luôn thu hút đông đảo du khách thập phương đến lễ phật, cầu may.

8. Khu di tích núi Văn -Núi Võ

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Núi Văn - Núi Võ.
 
Ảnh: Đức Quân

Khu di tích Núi Văn - Núi Võ nằm dưới chân núi Tam Đảo, nơi thờ Lưu Nhân Chú – Danh tướng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống giặc Minh ở thế kỷ XV. Quần thể khu di tích gồm hai ngọn núi Văn, núi Võ biểu tượng sự trí dũng song toàn của người anh hùng năm xưa. Trong núi Văn - Núi Võ có hệ thống hang động tự nhiên huyền bí dài hàng trăm mét. Tiếp đến là đồi Quần Ngựa với bạt ngàn rừng thông và các chiến hào, đây là nơi Lưu Nhân Chú cùng nghĩa quân luyện binh mãi mã, tích lũy lương thực cho các trận đánh của vua Lê Lợi sau này.

Lễ hội  núi Văn - Núi Võ  mở ngày mùng 4 Tết Nguyên Đán hằng năm, có rất đông du khách thập phương về dự hội.

9. Chùa Sơn Dược

Chùa Sơn Dược nằm ở xóm Chùa, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ, có tên thường gọi là chùa Yên Thuận. Chùa có niên đại vào đầu thế kỷ XIX. Trải qua thời gian với nhiều lần trùng tu, đến nay chùa Sơn Dược có kiến trúc khang trang, bề thế, gồm nhà tiền đường và thượng điện (gác chuông) đều có kiến trúc chồng diêm hai tầng, tám mái đầu đao cong vút. Ngôi chùa không chỉ lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị mà còn là nơi Tổng Bí thư Trường Chinh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng hoạt động chỉ đạo cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chùa Sơn Dược thuộc xã Bình Thuận, một xã nằm trong quy hoạch Vùng du lịch quốc gia hồ Núi Cốc nên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch dựa trên việc kết nối các tour, tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với du lịch văn hóa, tâm linh để tạo nên những tuyến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo tăng ni phật tử và du khách tham quan.

Chùa Sơn Dược. Ảnh: Thanh Ngân

Lễ hội chùa Sơn Dược được tổ chức long trọng vào ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm thu hút đông đảo du khách thập phương về dâng hương, vãng cảnh và trảy hội.

 10. Chùa Thuần Lương

Thuộc địa phận phường Lương Sơn, thành phố Sông Công, chùa Thuần Lương được đánh giá một trong những ngôi chùa đẹp của tỉnh Thái Nguyên. Khuôn viên chùa được bài trí hợp lý, tạo một không gian rất thanh bình nhưng cũng vô cùng sinh động. Chùa được thiết kế thành những phân khu khác nhau như: Tam bảo, giảng đường, khuôn viên Ngài Bồ Tát Quán Thế Âm, khu các thánh tích của đức Phật, khu đức Phật nhập niết bàn, trai đường và khu tăng xa... Đặc biệt, tại chùa có bức tượng đức Phật niết bàn lớn nhất tỉnh Thái Nguyên.

Bức tượng đức Phật niết bàn tại chùa Thuần Lương. Ảnh: Thu Hương

Du khách đến với chùa Thuần Lương trước là lễ phật, cầu bình an sau là vãn cảnh. Hiện nay chùa có lượng khách đến tham quan rất đông, kể cả những ngày thường./.

Tác giả: Minh Đỗ (t/h)