Hang Hùm – Nơi cất giữ tiền của ngân hàng
- Thứ hai - 03/08/2015 09:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hang Hùm thiên tạo tự nhiên
Việt Nam đánh Mỹ dựng nên kho này
Và lời nhắc nhở: “Đề phòng hàng ẩm ướt”.
Ảnh: Trong lòng Hang Hùm
Ngay cạnh Trường Mầm non xã Phượng Tiến (Định Hóa) có một địa danh mà người dân địa phương vẫn gọi bằng tên quen thuộc là Hang Hùm. Nghe kể, trước đây khu vực này vốn hoang vu, rậm rạp và từng có hùm beo sinh sống nên bà con gọi tên như vậy. Còn đối với cán bộ ngành Ngân hàng tỉnh, địa danh này có một ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là nơi cất giữ tiền của Ngân hàng Bắc Thái trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hang được đánh số ký hiệu K173.
Nằm ở rìa của núi Nản, Hang Hùm cao hơn khu vực xung quanh khoảng 15m. Phía trước hang là cánh đồng Phượng Tiến bằng phẳng và trống trải. Nhìn từ ngoài thấy cửa hang khá hẹp nhưng khi vào trong mới bất ngờ bởi lòng hang rất rộng, có thể chứa được hàng trăm người một lúc. Lòng hang thông theo hướng từ dưới lên, có 2 ngách ở phía trên vừa có tác dụng thông gió vừa tiện quan sát xung quanh. Để làm chỗ cất giữ tiền của Ngân hàng, lòng hang được láng xi măng nhẵn bóng, đường từ dưới lên được xây thành bậc bằng gạch. Đặc biệt, cửa hang được bưng kín bằng 3 lớp cửa sắt rất dày. Theo tài liệu của ngành Ngân hàng, Hang Hùm được sử dụng từ khoảng năm 1965, tiền giấy mới phát hành được cất trữ tại đây rồi sau đó được chuyển đi các tỉnh như Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang…
Đến thăm Hang Hùm, ta còn đọc được dòng chữ ghi trên nóc hang:
Hang Hùm thiên tạo tự nhiên
Việt Nam đánh Mỹ dựng nên kho này
Và lời nhắc nhở: “Đề phòng hàng ẩm ướt”.
Theo lời kể của bà Lý Thị Liễu, nguyên là cán bộ chính sách của Ban Chỉ huy quân sự huyện Định Hóa: Việc canh giữ ở đây rất nghiêm ngặt, người lạ chỉ cần đến gần là bị nhắc nhở. Cán bộ muốn đến lấy tiền, phải đi qua 2 vòng gác và phải có thẻ giới thiệu của đơn vị mới được vào kho. Trong mấy năm đặt tại đây, đã có hàng trăm chuyến hàng được đưa đến, dự trữ, rồi xuất đi nơi khác tuyệt đối an toàn. Đến khoảng năm 1973 khi Đế quốc Mỹ kết thức ném bom phá hoại miền Bắc, kho được chuyển về thành phố Thái Nguyên.
Ngày nay, Hang Hùm không còn giữ được nguyên trạng như xưa. Khung cửa sắt đã bị phá bỏ, nền hang nhiều chỗ bị hỏng, phía trước hang nhà cửa đã mọc lên san sát. Địa danh Hang Hùm cũng chưa được kê khai và công nhận là di tích lịch sử.