CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Du lịch Suối Tiên - một lần nhớ mãi

ảnh Suối Tiên

ảnh Suối Tiên

Thái Nguyên được mệnh danh là một mảnh đất sơn thủy hữu tình, được trời phú cho những thắng cảnh tuyệt vời mà khám phá nó thực sự là một điều thú vị. Bên cạnh những khu du lịch nổi tiếng như: Khu du lịch Hồ Núi Cốc, Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa, hang Phượng Hoàng- suối Mỏ Gà… Thái Nguyên còn có nhiều điểm du lịch ấn tượng tuy chưa được nhiều người biết đến nhưng cũng chính vì thế mà nó hoang sơ, mơ mộng đầy khám phá… Suối Tiên là một trong những địa điểm như thế.

 

Suối Tiên thuộc xóm Tân Lập II, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên; cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 30km về phía bắc. Từ trung tâm thành phố Thái nguyên theo quốc lộ 1B đến km số 7 rẽ trái đường đi Hòa Bình, qua địa phận xã Hòa Bình đến xã Văn Lăng, suối cachs trung tâm xã 2km (có biển chỉ dẫn).

Theo biển chỉ dẫn và sự hướng dẫn của người dân, men theo con đường nhỏ uốn lượn qua những nương chè và những vạt đồi xanh ngút ngàn tầm mắt cùng những nếp nhà nhỏ bình yên ẩn mình trong màu xanh bao la, chúng tôi đã tìm đến được Suối Tiên. Gửi xe tại nhà anh Lăng Văn Định (căn nhà cuối cùng giáp con suối), chúng tôi rất may mắn đã được anh Hoàng Văn Tuấn là người địa phương làm “hướng dẫn viên” giúp đoàn. Đi bộ men theo con đường rừng rợp bóng cây xanh khoảng 400m là đến suối. Đến đây chúng tôi cảm thấy ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho nơi đây. Không biết ai là người đầu tiên phát hiện ra con suối này nhỉ? Có lẽ là một người dân bản địa với con dao quắm dắt ngang lưng, một hôm len lỏi kiếm măng, kiếm quả trên rừng mà sững sờ trước thác nước trắng ngần xối xả từ tầng không? Cũng có thể là một đôi trai gái bản một lần theo bước chân của tình yêu mà dìu nhau đến nơi phong cảnh hữu tình này mà đắm đuối không thể không đến thêm một lần nữa.Vậy tại sao suối lại có tên gọi là Suối Tiên? Tôi có hỏi anh Lăng Văn Định là người bản địa ở đây thì được biết trước đây suối có tên là Đát Khe Đậy nhưng sau này do khách du lịch đến đây ngày một nhiều, trước vẻ đẹp ngỡ ngàng, thiên tạo như vậy họ liên tưởng nơi đây có lẽ đã từng là điểm đến của các nàng tiên để du ngoạn và tắm mát nên đặt tên là Suối Tiên. Những người dân ở đây cũng không còn nhớ cái tên Suối Tiên này đã có từ lúc nào và dần đi vào tiềm thức của họ.

Suối Tiên có lẽ cũng giống như vô vàn những con suối khác ở dòng nước trong vắt trườn lên lớp cát trắng phau, những con ốc nhỏ bám chặt vào tảng đá xanh rêu. Nhưng suối Tiên không giống những con suối thông thường ở chỗ có nhiều ghềnh đá dềnh lên mặt nước như lưng những chú voi khổng lồ, có những đoạn nước chảy trông giống như chú cá với những chiếc vẩy khổng lồ đang trườn đi. Đi dọc con suối tôi rất ấn tượng bởi một loài cây mọc rất nhiều trên những ghềnh đá. Hỏi anh Tuấn - người dẫn đường thì được biết đây là loài cây Dọc Mạ. Cây này thường mọc ở những lạch khe mát trên những ghềnh đá. Người dân địa phương thường lấy cây này về đốt, chắt nước để làm bánh nẳng có mùi thơm ngon đặc trưng. Vào dịp cuối xuân, đầu hè đến đây, ta sẽ cảm nhậ được một không gian vàng rực hoa Dọc Mạ. Một khung cảnh thật thơ mộng.

Cứ lần theo con suối qua những dòng thác nhỏ bọt tung trắng xóa rồi những vụng nước sâu, chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến dòng thác mạnh và cao nhất của con suối. Có thể gọi đây là một dòng thác bạc quả không sai bởi dòng nước dội từ độ cao khoảng 2 chục mét, trải rộng khoảng 3 -4m trên những ghềnh đá, bọt tung trắng xóa. Dưới đó là bồn tắm tự nhiên, nước trong xanh nhìn thấu đáy, có những con cá nhỏ bơi lội tung tăng trong bồn trông thật thích mắt. Bạn có dám đầm mình vào ngọn thác kia không? Có gì đáng sợ đâu nhỉ. Chỉ cần vài cái trườn mình bạn đã có thể tận hưởng cảm giác sung sướng vô cùng khi nằm giữa dòng nước bạc mà không thể kìm một tiếng reo gửi lên ngọn núi cao ngất trước mặt như một lời cảm tạ thiên nhiên hào phóng.

Dòng thác bạc

Đến đây dù ngoài trời có nắng gay gắt đến mấy nhưng chỉ cần ngồi mấy phút trên ghềnh đá này là đã thấy hơi lạnh mơn man, mệt mỏi biến mất và đôi chân lại muốn đi tiếp. Lúc đầu chúng tôi cứ ngỡ dòng thác bạc này là ngọn nguồn của con suối nhưng không phải như vậy. Theo sự hướng dẫn của anh Tuấn, đi theo những vết cuốc mà người dân đã bập sẵn, chúng tôi men theo con đường mòn mà lên một đoạn nữa lại thấy một thác, một thác nữa và trên cùng là một bể nước thiên tạo lớn không biết có từ bao giờ hội tụ nước chắt ra từ khe núi, tung xuống mà làm nên thác bạc.

Từ dòng thác bạc này leo thêm chừng 500m nữa là đến hang Dơi. Chuyến đi này đã có người dẫn đường nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm. Leo lên đến hang Dơi mặc dù đã thấm mệt nhưng sự mệt nhọc nhanh chóng qua đi chỉ còn trong mình là cảm giác chinh phục. Cửa hang Dơi rất nhỏ chỉ lách người vừa nhưng khi vào trong hang tôi choáng ngợp bởi lòng hang rộng chừng 100m2, một cảm giác mát lạnh, những nhũ đá rủ xuống với nhiều hình thù lạ mắt thỏa sức cho du khách tưởng tượng, mùa hè nước rỏ qua những nhũ đá rơi xuống lòng hang tý tách, ánh đèn pin soi vào những nhũ đá tạo sự phản chiếu lóng lánh. Trong lòng hang có giếng nước, nước trong vắt nhìn thấu đáy. Đặc biệt đây là nơi trú ngụ của quần thể dơi, khám phá hang động này sẽ đêm đến cho du khách một cảm giác thật thích thú. Sau hành trình hàng km chinh phục Suối Tiên, hang Dơi chúng tôi quay xuống và vào nhà anh Lăng Văn Định, một gia đình người dân tộc Nùng. Bước lên căn nhà sàn chúng tôi được gia đình tiếp đón rất nồng hậu mặc dù chưa từng quen biết. Sự thật thà, đôn hậu và lòng hiếu khách của anh, chị đã tạo cho chúng tôi sự gần gũi, thân thuộc như ở nhà mình vậy. Một bữa cơm đầm ấm, giản dị như chính con người nơi đây với những món ăn “cây nhà lá vườn” rất đặc trưng như: Gà đồi hấp lá chanh, măng luộc, rau ngót rừng và rượu men lá nóng hổi vừa nấu ra lò. Tất cả đã tạo nên men say cho lòng người để rồi trong tôi sẽ mãi không quên về địa danh ấy. Vừa nhâm nhi chén rượu, vừa ngắm ngôi nhà sàn (đã được làm cách nay 30 năm), nghe các anh chị kể về cuộc sống, nét văn hóa, những phong tục tập quán của người Nùng thực sự là một điều hấp dẫn đối với tôi.

Anh Định cho biết: Trong những năm gần đây lượng khách du lịch đến với Suối Tiên ngày một nhiều, vào mùa hè đặc biệt là những dịp nghỉ lễ khách rất đông có thể lên tới 500 lượt người/ngày. Chính quyền địa phương đã phải bố trí lực lượng an ninh để đảm bảo an toàn cho du khách. Tuy nhiên ở đây mới chỉ phát triển theo hướng tự phát nên chưa có bất cứ dịch vụ gì. Thiết nghĩ một địa điểm hấp dẫn như vậy mà đang bỏ ngỏ chưa được khai thác thì thật là đáng tiếc. Các cơ quan chức năng và đặc biệt là ngành Du lịch tỉnh Thái Nguyên nên có kế hoạch đầu tư, quy hoạch, khai thác phát triển điểm du lịch này, góp phần tạo nên những điểm đến mới hấp dẫn cho du lịch Thái Nguyên.

 

 

Tác giả bài viết: Minh Đỗ