CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Đồi 210

Rẽ vào ngõ 574, đường Cách mạng Tháng Tám, phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên), đi thêm khoảng 100 mét, ta bắt gặp một quả đồi cao với hàng chục cây xà cừ cổ thụ tỏa bóng mát.

 

 

Từ chân đồi đi lên, ta nhìn thấy 2 dãy nhà, được xây dựng từ những năm 1980. Đó là trụ sở làm việc của Công ty Xây lắp 1, Công ty Xây lắp 2, và nay là Công ty Cổ phần Xây lắp và Sản xuất công nghiệp.

Người dân ở đây quen gọi khu vực này là Đồi 210. Cái tên trên có từ năm 1959, khi Trung đoàn Pháo phòng không 210 (thuộc Bộ tư lệnh Phòng không), có nhiệm vụ bảo vệ Khu Gang thép Thái Nguyên và Thủ phủ Việt Bắc được thành lập và về đây đóng quân. Những người lính Trung đoàn đã trồng hàng trăm cây xà cừ, xây dựng nhà làm việc trên quả đồi này.

Lịch sử Trung đoàn ghi rõ: Với nhiệm vụ cơ động đánh giặc, Trung đoàn đã lập nhiều thành tích xuất sắc, đặc biệt là đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 999 và 1.000 trên bầu trời miền Bắc. Năm 1968, được lệnh cơ động vào chiến đấu tại ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Trung đoàn đã liên tục chiến đấu 148 ngày đêm, bảo vệ cầu đường và các lực lượng đang làm việc tại Ngã ba Đồng Lộc. Với khẩu hiệu “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, Trung đoàn có 122 đồng chí hy sinh, 259 đồng chí bị thương. Trong 5 tháng ở Đồng Lộc, Trung đoàn đã đánh 176 trận, bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Sau 20 năm (1959-1979) tham gia chiến đấu trên các chiến trường, đơn vị đã đánh 5.600 trận, bắn rơi 66 máy bay Mỹ. Đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Quân chủng Phòng không - Không quân tặng bức trướng “Đơn vị bắn rơi nhiều máy bay nhất”. Trung đoàn Phòng không 210 xưa, nay là Lữ đoàn Pháo Phòng không 210 thuộc Quân khu 1.

Leo lên Đồi 210, ta còn thấy nhiều dấu tích của Trung đoàn. Đó là những cây xà cừ đường kính vài người ôm không xuể, 3 dãy nhà xây gần 60 năm trước nay vẫn được Công ty Cổ phần Xây lắp và Sản xuất công nghiệp sử dụng.

Những người lính Trung đoàn năm xưa đã rời xa, nhưng ký ức của người dân quanh vùng vẫn luôn nhớ đến họ bằng cái tên: Đồi 210.

 

 

Tác giả bài viết: Minh Hằng

Nguồn tin: baothainguyen.org.vn