CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Về thăm di tích lịch sử chùa Đán

Về thăm di tích lịch sử chùa Đán
Vào một ngày đầu tháng 7 âm lịch, tôi và đồng nghiệp đến thăm chùa Đán – một địa điểm tâm linh tại thành phố Thái Nguyên. Thật may mắn cho chúng tôi hôm đó cũng là ngày nhà chùa tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu, rất đông phật tử đã đến chùa để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của các đấng song thân, dù còn hiện tiền hay không còn trên cõi đời này.

Hòa vào dòng người đó, chúng tôi ai nấy tĩnh tâm, một lòng hướng về cõi phật để cầu nguyện cho cha mẹ và người thân những điều an lành nhất. Sau khi thắp hương tại chùa, tôi có đi tham quan một vòng quanh chùa và được sư thầy Thích Đạo Quảng trụ trì chùa Đán chia sẻ những thông tin mà ít người trong số chúng tôi biết được.

chùa đán
Cổng chùa Đán. Ảnh: Nam Đan

Chùa Đán nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 5km về phía Tây, thuộc địa phận xóm Chùa, phường Thịnh Đán, ẩn mình dưới những tán cây xanh mát, trước mặt là dòng kênh dẫn nước từ Hồ Núi Cốc về phía nam của thành phố. Trụ trì chùa cho hay: Chùa Đán trước đây là một ngôi chùa cổ kính, ẩn mình dưới tán rừng thông, được nhân dân trong vùng cùng hỉ xả tâm đức, quyên góp gỗ, gạch, ngói để xây dựng. Công trình lớn nhất là nhà Tam Bảo, gồm 5 gian rộng rãi. Bên trong nhà được bày thờ nhiều tượng Phật phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Vì đất nước có chiến tranh, các vị sư trụ trì và nhân dân trong vùng đã tham gia chấp hành thực hiện tiêu thổ kháng chiến, dỡ bỏ chùa. Đến năm 1993, nhân dân trong vùng đã cùng nhau phát tâm công đức, đóng góp dựng lại một ngôi chùa tạm ngay trên nền đất của chùa cũ, gồm 3 gian nhà cột tre, mái lợp ngói làm nơi sinh hoạt tâm linh. Đến năm 2002, các tăng ni, phật tử và người dân trong vùng tự nguyện góp của, góp công để xây dựng lại chùa theo lối kiến trúc cổ phương Đông. Đến nay ngôi chùa đã được xây dựng bề thế, song luôn toát lên vẻ thâm nghiêm, che chở đức tin cho tăng ni, phật tử tu tập nghe giảng giáo lý và tu học đạo pháp. Chùa gồm một số hạng mục công trình: Nhà Tam Bảo với từng cột đá, mái vút cong cổ kính. Trước sân có Đức Phật tổ ngồi thiền; sau nhà Tam bảo là nhà thờ Tổ, bên trái là cung mẫu, liền kề sân chùa phía bên phải là ngôi nhà sàn tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà mang kiến trúc của đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc.

IMG 7304
Đông đảo phật tử đến lễ chùa. Ảnh: Nam Đan

 

IMG 7316
Cung thờ mẫu. Ảnh: Nam Đan

 

motmaichua1
Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chùa Đán. Ảnh: Chí Cường

Không chỉ là một địa chỉ tâm linh mà chùa Đán còn là một di tích gắn liền với sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước cũng như của tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Lịch sử ghi lại: Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngôi chùa được cán bộ Việt Minh làm chốn đi về, gặp gỡ, bàn chuyện đánh Pháp, đuổi Nhật, giành lại độc lập, tự do. Ngày 16-8-1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa quân chủ lực từ Cây đa Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) sang giải phóng thị xã Thái Nguyên. Khi đến Thái Nguyên, Đại tướng đã lựa chọn chùa Đán làm “đại bản doanh”, tập kết quân, dân, và làm “trụ sở” chỉ huy tiến đánh Nhật đang co cụm trong trung tâm thị xã. Tại đây, ngày 19/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc cùng đồng chí Trần Đăng Ninh và cán bộ chỉ huy bàn và thông qua kế hoạch tác chiến đánh Nhật trong tỉnh lị Thái Nguyên. Tối 19/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã triệu tập cuộc họp, gồm những cán bộ của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm 5 đồng chí, do đồng chí Ngô Nhị Quý làm Bí thư. 24 giờ cùng ngày, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chi đội Quân Giải phóng xuất phát từ chùa Đán tiến vào tỉnh lị Thái Nguyên, cùng quân dân trong tỉnh lị bao vây quân Nhật, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Được biết, tháng 8-1998, Trong một lần về thăm Thái Nguyên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở lại Chùa Đán. Đại tướng trò chuyện với người dân trong vùng thân thiện. Đại tướng nói: “Lúc trước, khi bộ đội ta đến đây, dân làng Đán đã đùm bọc và giữ bí mật rất tốt cho quân cách mạng. Ngày nay dân làng Đán cần phấn đấu gương mẫu, đoàn kết, làm ăn giỏi như mong muốn của Bác Hồ”. Hôm ấy, Đại tướng đã trồng bên góc trái sân chùa một cây đa tri ân.

Với những ý nghĩa lịch sử đó, Chùa Đán đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2011. Hiện nay, chùa không chỉ là nơi để tăng ni, phật tử và người dân thực hành tín ngưỡng mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho các hệ hôm nay và mai sau./.

         Tác giả: Thanh Ngân