Về nơi phát tích Lễ hội Văn hoá Trà
- Thứ hai - 16/11/2015 14:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Phạm Ngọc Việt (đứng giữa), nguyên Bí thư Chi bộ xóm Guộc, động viên bà con nhân dân sản xuất chè an toàn phục vụ Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, năm 2015. |
Về quê chè, nhất là ở vùng đất phát tích Lễ hội Văn hóa Trà ở tỉnh ta, chúng tôi “tự thưởng” cho mình một chuyến đi vòng quanh chân núi Guộc, qua từng xóm nhỏ ven đồi, với những bãi chè xanh ngát, để thỏa sức trải nghiệm và ngắm nhìn từng vuông đất năm xưa cụ Đội Năm cùng nông dân Tân Cương đã trồng chè, lập xưởng chế biến. Tất cả chỉ còn lại trong ký ức, bởi đất ấy bây giờ đã là rừng cây bao phủ, là những bãi chè giống mới đang được bà con chăm bón, thu hái. Cụ Nguyễn Thị Đào, 92 tuổi, kể: Ngày tôi còn trẻ, năm nào dân xóm Guộc cũng tổ chức hội làng vào dịp xuân về, toàn những trò chơi dân gian như đánh yến, thi đu, kéo co, cờ tướng, rồi lẩy Kiều. Chè được đun vào nồi lớn, người đến hội thấy khát, tự lấy gáo dừa vục nước uống, chẳng phải mất tiền. Rồi chiến tranh, cuộc sống khó khăn, làng xóm không tổ chức được hội làng nữa. Lớp già như chúng tôi thấy nhớ hội, mỗi độ xuân về thường kể lại cho con cháu nghe...
Từng mẩu chuyện của cụ Đào cùng các già làng kể lại cho con cháu ngày xuân, như dòng nước mát lành làm thỏa cơn khát bao thế hệ. Từng năm, nhất là những độ xuân về, câu chuyện hội làng ngấm vào máu, đi vào nghĩ suy của mỗi người, nhất là từ khi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai thực hiện. Theo lời ông Phạm Ngọc Việt (khi đó là Bí thư Chi bộ xóm Guộc): Phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã khơi dậy một số phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của nhân dân, trong đó có hội xuân xóm Guộc. Để việc khôi phục hội xuân của xóm giữ đúng bản sắc văn hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, từ năm 2002, ông Việt cùng các ông: Phạm Văn Thiệu, Trưởng xóm; Trần Ngọc Quý, Trưởng ban công tác Mặt trận xóm đã gặp các cụ già, hỏi chuyện tỉ mỉ về hội xuân xóm Guộc năm xưa. Sau đó cùng bàn bạc, thống nhất cách thức tổ chức lễ hội, báo cáo chính quyền địa phương cho phép được tổ chức hội xuân để bà con trong vùng cùng dự vui.
Ngày mùng 4 Tết Nguyên đán năm 2003, Hội Xuân xóm Guộc được tổ chức, với các trò hội: Đánh đu, cờ tướng, kéo co, vật, chọi gà… Hội diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đảo bà con trong và ngoài xóm tham dự. Vậy là sau hơn 40 năm, Hội Xuân xóm Guộc được khôi phục, tổ chức lại.
Chuyện hội làng ở xóm Guộc như cơn gió lành bay xa, cuối năm 2013, ông Mông Đông Vũ, lúc đó là Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, đã về Tân Cương thị sát, lựa chọn xây dựng mô hình, mẫu hình làng bản văn hóa. Khi đến xóm Guộc, thấy cảnh vật hiền hòa tựa bức tranh “sơn thuỷ hữu tình”, lòng người nồng đượm, ai nấy hăng hái tham gia phong trào chung. Đặt niềm tin vào người dân nơi đây, ông Vũ đã gặp ông Việt, ông Thiệu để bàn về hội xuân của xóm. Hôm đó, ông Vũ khuyến khích ông Việt và ông Thiệu hiến kế xây dựng cho xóm có một hội xuân xứng tầm. Ông Việt, ông Thiệu mừng lắm, đã vận động bà con đóng góp tiền, công, vật liệu xây dựng để cơi nới nhà văn hóa xóm trước đây thêm rộng rãi, đồng thời đắp thêm đất, tôn cao khu vực sân khấu và xây dựng kịch bản hội xuân xóm Guộc, mang trình với ông Vũ. Nhưng chỉ nhìn lướt qua, ông Vũ lắc đầu, bảo: Không được, hội phải có nét bản sắc riêng, chứ mấy trò đu dây, đánh vật, thi cờ, chọi gà… thì đâu chẳng có.
Mất nhiều đêm không ngủ, ông Việt, ông Thiệu bàn bạc, tìm được thêm mấy trò hội dân gian, rồi ghi chép cẩn thận mang lên Trung tâm Văn hóa tỉnh trình trực tiếp với ông Vũ. Lần này, ông Vũ lắc đầu mạnh hơn, nhưng động viên: Các anh về, tiếp tục suy nghĩ xem sản phẩm truyền thống của xóm Guộc là gì? Đang lúc bí, anh Trần Bình, cán bộ Trung tâm Văn hóa tỉnh vào thăm, ngồi nhẩn nhơ trà đạo với ông Việt, ông Bình. Lúc ấm trà nhạt nước, cũng là khi bụng réo èo ẹo thì ông Bình chép miệng, nuốt nướng miếng, bảo: Theo “dòng sử trôi qua” vùng đất này, xóm Guộc, nghề truyền thống phải là nghề trồng chè, chế biến chè.
Thật ra, khi khảo sát Phong trào: “Toàn dân doàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại các xóm quanh chân núi Guộc, ông Vũ đã nảy ra ý tưởng đưa vào hội xuân xóm Guộc một số hoạt động có liên quan tới cây chè, như: Thi xao chè, trưng bày trà, thi pha trà, ẩm trà - vịnh thơ. Là nghĩ như thế, song ông Vũ chỉ gợi chuyện, đo lòng quyết tâm của bà con xóm Guộc. Nên khi ông Việt mang kế hoạch tổ chức hội xuân năm 2004, trong đó có việc rước cây chè đẹp. Nhìn qua, ông Vũ lắc đầu, bảo: Rước cây chè đẹp là việc không cần thiết, gây lãng phí, thậm chí làm ảnh hưởng tới dư luận. Ông Vũ gợi ý: Hội xuân xóm Guộc Nên tập trung tổ chức các trò hội dân gian và có thêm một số hoạt động trưng bày chè. Vậy là thông qua hội xuân, có thêm nhiều du khách biết được hương, vị chè xóm Guộc. Sang đến hội xuân năm 2005, xóm Guộc chính thức đưa một số hoạt động vào hội, như: Thi sao chè, trưng bày chè, pha trà, mời trà. Để ngày hội xuân diễn ra vui tươi, lành mạnh, phù hợp với chủ trương chung, xóm Guộc còn mời thêm bà con từ các xóm lân cận đến tham dự hội thi sao chè, trưng bày chè, pha trà, mời trà.
Hội chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng niềm vui theo về từng ngõ nhỏ, nhân lên bội phần và gây ấn tượng đẹp. Năm 2006, chính quyền địa phương quyết định đứng ra tổ chức ngày hội xuân tại xóm Guộc. Ngày hội có chủ đề: “Hội chè xuân Tân Cương”. Ngày hội thu hút 16 xóm thuộc xã Tân Cương và hầu hết các xã, phường trực thuộc T.P Thái Nguyên đều tham gia. Dòng người về hội đan kín đường, bà con xóm Guộc vui lắm, mời khách về nhà uống trà, nói chuyện giao lưu. Bên chén trà, sau giây lát đăm chiêu, ông Bình bảo: Tôi đọc trên Báo Lâm Đồng, có đoạn nói về chè, họ sử dụng cụm từ “Văn hóa Trà”, tôi nghĩ mình nên dùng theo như vậy cho những hội sau…
Có lẽ vì cụm từ “Văn hóa Trà” sâu sắc, lắng đọng và gói ghém được những tinh tuý đất trời, nên không ít cán bộ có chức sắc ở Thái Nguyên tự nhận “bản quyền” câu nói. Chẳng sao, người xóm Guộc không quan tâm chuyện đó. Mỗi sớm thức dậy, họ vẫn lên đồi hái chè, ra ruộng cấy lúa, trồng ngô lo cho cuộc sống riêng của mình. Cùng thời gian, nét độc đáo của văn hóa ẩm thực trà Thái Nguyên lan toả đến mọi miền Tổ quốc. Đến mùa xuân năm 2007, Lễ hội Văn hóa Trà không còn dừng ở cấp xã, cấp huyện, mà do tỉnh đứng ra tổ chức. Tiếp đó, năm 2011, theo gợi ý của đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỉnh ta đã tổ chức thành công Festival Trà quốc tế - Thái Nguyên, Việt Nam lần thứ nhất; năm 2013 tiếp tục tổ chức thành công Festival Trà lần thứ 2. Đến cuối tháng 11 năm nay, Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3 sẽ được tổ chức. Trong không khí vừa long trọng, vừa vui tươi, phấn khởi của Festival, chắc hẳn chưa có nhiều người biết về nơi phát tích lễ hội văn hóa Trà ở Thái Nguyên - đó là xóm Guộc.