Về Xuân Phương thăm đình Phương Độ
- Thứ hai - 25/01/2021 20:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Qua hỏi thăm các cụ cao niên ở làng, được biết, trong làng Phương Độ có Đình nằm ở giữa làng, hai Nghè ở hai bên, dân địa phương vẫn thường gọi nghè đầu làng là ‘Nghè trên”, ở cuối làng là “Nghè dưới”. Ngay phía sau đình là ngôi chùa cổ, tên chữ là “Úc Tân tự”, tạo nên một quần thể văn hóa tín ngưỡng của nhân dân. Vì không có nhiều thời gian nên chúng tôi chỉ có thể vào tham quan ngôi đình Phương Độ, tương truyền về sự cổ kính, trang nghiêm. Không những vậy lễ hội đình Phương Độ có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tâm linh của nhân dân địa phương hướng đến việc tri ân công đức của Đức Thánh Dương Tự Minh và cầu xin sự che chở của Ngài cho cả cộng đồng.
Có thể khẳng định, đình Phương Độ là ngôi đình cổ lớn nhất trong số những ngôi đình còn lại đến ngày nay ở Thái Nguyên. Đình thờ Thành Hoàng của làng là Cao Sơn Quý Minh Đại Vương, tức Dương Tự Minh, một phò mã thời nhà Lý, người có công lớn trong việc giữ gìn biên cương phía Bắc đất nước và phát triển kinh tế phủ Phú Lương xưa, tỉnh Thái Nguyên ngày nay. Đình phương Độ là di tích lịch sử cấp quốc gia, được xây dựng vào thế kỷ 15 (hậu Lê). Ngôi đình không những là nơi thờ tự, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, kiến trúc cổ độc đáo mà trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, nơi đây còn là một cơ sở cách mạng quan trọng của Đảng. Tháng 8-1945, đình được chọn làm nơi tổ chức Lễ tế cờ chào mừng thành công của Cách mạng Tháng Tám; các lớp tuyên truyền chủ trương của Đảng, Chính phủ, các phong trào như “Bình dân học vụ”, “Tuần lễ vàng” cũng được tổ chức tại đây.
Ngôi đình mang đặc trưng của kiến trúc thời Lê với mái đình được làm bằng ngói mũi, bốn góc cong. Gác chuông được xây 3 tầng, trước cổng đình là ao bán nguyệt. Đình Phương Độ được dựng lên bởi 48 cột lim. Bốn góc đình được thiết kế hình mũi cong. Trên mái đình được trang trí “Lưỡng long chầu nguyệt”. Bên trong đình, trên dưới các đầu trụ, đầu cầu và các xà ngang, xà dọc đều được trang trí hoa văn, chạm trổ các bộ Long - Ly - Quy - Phượng rất khéo léo, công phu. Trong đình hiện vẫn còn lưu giữ các hiện vật cổ thời Lê, đầu thời Nguyễn và các đồ vật quý gồm kiệu, bát hương, hương án… được trang trí và trạm tổ hoa văn tinh tế.
Hàng năm, vào Rằm tháng Giêng, mùng 10 tháng Tư, mùng 10 tháng Mười (Âm lịch) người dân Phương Độ lại mở hội truyền thống có rước kiệu, múa lân, tế lễ, đấu vật, chọi gà, thi nấu cơm niêu, hát quan họ dưới sông Cầu... Lễ hội có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân từ già đến trẻ trực tiếp thực hành lễ hội nên có tính giáo dục sâu sắc, toàn diện. Mỗi dịp tổ chức lễ hội là cả làng trên xóm dưới lại nô nức cùng nhau chuẩn bị, tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết, cả cộng đồng cùng hướng về Đức Thánh mong nhận được sự che chở của Ngài. Là một lễ hội độc đáo, có quy mô lớn trong vùng, thu hút được đông đảo người tham dự, lễ hội vẫn lưu giữ được những yếu tố thiêng cùng những nghi thức truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng của vùng miền trung du Bắc Bộ. Các hoạt động hội với những trò chơi dân gian tạo không khí vui vẻ phấn khởi và có giá trị giải trí. Qua những trò chơi, nó cũng thể hiện những mong muốn của người nông dân về một mùa màng bội thu, phong đăng hòa cốc.
Lễ hội đình Phương Độ ngày càng được nhiều người biết đến, góp phần phát triển văn hóa, du lịch, kinh tế của địa phương. Năm 2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội đình Phương Độ vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Lễ hội truyền thống./.
Tác giả: Minh Đỗ