CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Về Kha Sơn mảnh đất anh hùng

Về Kha Sơn mảnh đất anh hùng
Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi có dịp về thăm mảnh đất Phú Bình tươi đẹp, trù phú, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, nghiêng mình soi bóng bên dòng sông Cầu uốn lượn, thân thương. Thoảng đâu đó trong gió chiều văng vẳng khúc hát thắm tình về vùng quê này

“Em mời mời anh đến, đến quê em bên dòng sông Cầu...

Em sẽ đưa anh về Kha Sơn

Thăm chiến khu xưa mảnh đất kiên cường

Nơi đây rực hồng cờ hoa tháng Tám...”

Lần theo lời mời gọi thiết tha ấy, chúng tôi tìm về Kha Sơn – Chiến khu xưa ghi dấu một thời lịch sử quan trọng, hào hùng của dân tộc.

Từ thành phố Thái Nguyên, xuôi về phía nam theo quốc lộ 37 đi Bắc Giang, đến huyện Phú Bình (25km), đi tiếp khoảng 2km nữa là trụ sở UBND xã Kha Sơn. Là một xã có vị trí trọng yếu, là cửa ngõ ra vào phía nam của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên với nhiều tuyến giao thông quan trọng cả về đường bộ lẫn đường thủy. Thời xưa, có cầu Ca là bến thuyền lớn hoạt động nhộn nhịp, hàng hóa từ đây lên Bến Tượng rồi xuôi về tận cảng Hải Phòng. Ngoài ra, đây còn là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, có nhiều đình chùa, lễ hội, phong tục tập quán đặc sắc, nhiều nghề thủ công phát triển...

15134538 1154904771292284 7731173084804590012 n

Hát quan họ giao duyên trong lễ hội truyền thống đình Kha Sơn Thượng ngày 11 tháng Giêng hàng năm (Ảnh: Minh Ngân)

Hiện trên địa bàn xã còn lại 11 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 7 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 4 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tiêu biểu nhất phải kể đến Cụm di tích lịch sử văn hóa xã Kha Sơn, bao gồm: Chùa Mai Sơn, đình Kha Sơn Hạ - chùa làng Ca, đình Kha Sơn Thượng, rừng Mấn, rừng Rác và nền  nhà ông Cao Nhật. Những di tích này đều đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định xếp hạng số 985/QĐ-VH ngày 7/5/1997. Từng di tích ghi dấu những sự kiện lịch sử quan trọng, góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và Đế quốc Mĩ của dân tộc, ghi lại truyền thống đấu tranh cách mạng tốt đẹp của nhân dân xã Kha Sơn nói riêng, huyện Phú Bình nói chung.

Cụm di tích lịch sử văn hóa xã Kha Sơn đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia (Ảnh: Minh Ngân) 

Xuất phát từ vị trí  trọng yếu của Kha Sơn, nằm bên bờ sông Cầu huyết mạch, án ngữ một vùng rộng lớn ở địa đầu phía nam của huyện từ bến đò Hà Châu đến Lương Phú, lại có nhiều đồi núi, rừng rậm, những ngôi chùa thờ phụng linh thiêng mà chân tay của kẻ thù cũng phải dè dặt mỗi khi đi lùng sục, càn quét, Trung ương Đảng đã chọn vùng này cùng với Phổ Yên và Hiệp Hòa làm An Toàn Khu II. Kha Sơn chính là gạch nối quan trọng giữa ATK II Hiệp Hòa (Bắc Giang) với ATK II Phổ Yên (Thái Nguyên), nơi đi lại hoạt động, chỉ đạo cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ những năm 1939-1945.

Chùa Mai Sơn, nhà in đặc biệt của Xứ ủy Bắc Kì 

ATK II nói chung và Kha Sơn nói riêng có vai trò quan trọng trong chuẩn bị mọi mặt cho tổng khởi nghĩa. Đây là nơi nuôi dưỡng, che giấu, bảo vệ đồng chí Tổng Bí thư của Đảng (Trường Chinh), các đồng chí thường vụ Trung ương (Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt) và nhiều cán bộ của Xứ ủy Bắc kì (Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Thái, Ngô Thế Sơn, Hà Thị Quế... ), những người thường xuyên qua lại, chỉ đạo phong trào cách mạng và làm việc với các cơ quan của Trung ương đặt tại Kha Sơn. Cụ thể: Chùa Mai Sơn là nơi đặt cơ quan in ấn tài liệu của Đảng. Tại đây nhiều tài liệu quan trọng như Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8, chương trình, điều lệ Việt Minh, báo Cờ Giải Phóng, các sách về chiến tranh du kích... đã được in ấn và chuyển đến đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, góp phần quan trọng làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945; đình Kha Sơn Hạ là nơi cất giấu tài liệu của Trung ương, rừng Mấn là nơi đặt trạm liên lạc của Xứ ủy Bắc kì, nơi liên lạc, đưa đón cán bộ qua lại công tác, nơi tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ do Trung ương tổ chức; đình Kha Sơn Thượng là nơi các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt ở và qua lại để chỉ đạo phong trào và kiểm tra sự hoạt động của các cơ quan Trung ương những năm 1939-1945; nền nhà ông Cao Nhật, nơi ở và làm việc của cán bộ Xứ ủy Bắc kì; rừng Rác, nơi thành lập tổ trung kiên cách mạng (1943).

Đình Kha Sơn Hạ là nơi cất giấu tài liệu của Trung ương (Ảnh: Mai Sinh)

Nhiều gia đình trong xã đã trở thành nơi nuôi giấu, che chở cho cán bộ cách mạng. Ngoài ra, Kha Sơn còn là nơi tổ chức nhiều hội nghị quan trọng của Trung ương như Hội nghị Quân sự Bắc kì (tháng 8/1944) do đồng chí Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt chủ trì; Hội nghị phổ biến chỉ thị ngày 12/3/1945 của Thương vụ Trung ương: “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” do đồng chí Bí thư Ban cán sự chủ trì ngày 13/3/1945 đều diễn ra tại Kha Sơn.

Địa điểm di tích nền nhà ông Cao Nhật - nơi ở và làm việc của cán bộ Xứ ủy Bắc kì (Ảnh: Nguyễn Hảo)

Như vậy, trong giai đoạn 1939 – 1945, Kha Sơn  không chỉ là nơi nuôi giấu, che chở, hoạt động của cán bộ cách mạng mà còn đóng vai trò là cầu nối xuất sắc giữa ATK và đồng bằng, trung du với căn cứ địa Việt Bắc. Nơi chuyển tới các địa phương những văn kiện quan trọng của Trung ương Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Xứ ủy Bắc kì, đồng thời tiếp nhận và gửi lên cấp trên báo cáo tình hình các địa phương. Chính vì vậy đã tạo ra sự thống nhất hành động, thống nhất lực lượng, thống nhất lãnh đạo trong các cấp, góp phần to lớn vào thắng lợi của khởi nghĩa tháng Tám, 1945.

Đình Kha Sơn Thượng - nơi các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt ở những năm 1939-1945

(Ảnh: Minh Ngân)

Sau cách mạng tháng Tám, Kha Sơn lại tích cực chuẩn bị kháng chiến, bảo vệ cửa ngõ phía nam của ATK Trung ương đặt tại Định Hóa. Trong kháng chiến chống Mĩ, Kha Sơn tiếp tục là hậu phương vững chắc chi viện nhiều quân, lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, nhiều người con anh dũng của miền đất này đã hi sinh xương máu cho độc lập tự do của Tổ quốc.

Sau ngày thống nhất đất nước, nhân dân Kha Sơn với niềm tự hào về truyền thống vẻ vang trong đấu tranh đã bắt tay vào xây dựng lại quê hương. Có được một miền quê trù phú, no ấm, thanh bình, đang trên đà phát triển cùng dân tộc như hôm nay là kết quả của một quá trình lao động sáng tạo lâu dài, bền bỉ của nhân dân. Về thăm Kha Sơn hôm nay, chúng ta sẽ được ôn lại lịch sử hào hùng của mảnh đất này, thăm các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, tham dự các lễ hội truyền thống  và thưởng thức nhiều loại hình văn hóa phong phú, hấp dẫn . Hằng năm, lấy ngày 14/3(ngày thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của huyện Phú Bình tại Kha Sơn) làm ngày lễ hội lịch sử truyền thống xã Kha Sơn nhằm tuyên truyền cho nhân dân hiểu biết về lịch sử địa phương, có ý thức trách nhiệm và lòng tự hào dân tộc.

Tác giả bài viết: Mai Sinh