CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng – Địa chỉ đỏ bên Hồ Núi Cốc

Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng – Địa chỉ đỏ bên Hồ Núi Cốc
Giờ đây địa điểm “Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng” tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã được Bộ Văn hóaThể thao và Du lịch công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Đây không chỉ là niềm đau đáu, khát khao của các học viên lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng mà đó cũng chính là niềm vinh dự của báo chí Việt Nam, niềm tự hào của tỉnh Thái Nguyên.

 

Ngày 4/4/1949, lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng đã được khai giảng tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Chính cái tên Bờ Rạ đã gây sự chú ý có một phần từ chính các học viên lớp viết báo duy nhất trong kháng chiến chống Pháp để lại qua các trang viết và những câu chuyện kể. Để rồi, cũng đúng ngày này (4/4/2019), Lễ kỷ niệm 70 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và công bố Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, được tổ chức tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc; Lễ đặt Bia di tích là một trong các hoạt động của Lễ kỷ niệm cũng được tiến hành tại xóm Gốc Mít, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Sự kiện này là ngày hội của những người làm báo cả nước hành hương về nơi đặt nền móng cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Ký ức về Bờ Rạ không khi nào nhạt nhòa trong tâm tưởng của các giảng viên, học viên Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ước nguyện của các học viên cũng là ước nguyện chung của tập thể Ban giám hiệu nhà trường, các giảng viên của lớp. Để rồi, ngày hôm nay được trở về dự Lễ kỷ niệm và chứng kiến tấm bia lưu danh tại nơi chốn xưa đầy kỷ niệm, niềm vui được nhân lên, vỡ òa cùng ký ức.

Tác giả xin chia sẻ tới độc giả câu chuyện của nhân chứng lịch sử và những người trong cuộc, có mặt tại sự kiện lịch sử này. 

PV: Trong số 42 học viên của Lớp viết báo, Bà là học viên duy nhất khóa đầu tiên về dự Lễ kỷ niệm 70 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và công bố Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, xin Bà cho biết ý nghĩa của Di tích lịch sử này đối với những người làm báo. Cảm xúc của bà khi trở lại địa phương, nơi bà đã tham gia khóa học đầu tiên ở Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949, kỷ niệm sâu sắc nào khiến bà nhớ mãi?

01

Bà Lý Thị Trung, nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô - học viên Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng: Tôi rất vinh dự và tự hào khi là đại diện học viên duy nhất của lớp học làm báo đầu tiên tại Trường Huỳnh Thúc Kháng về dự Lễ kỷ niệm 70 năm và đặt bia di tích lịch sử quốc gia. Tuy khóa học ngắn, nhưng có rất nhiều kỷ niệm tôi không thể nào quên, đó là hành trình từ Hưng Yên lên Bờ Rạ, Đại Từ, Thái Nguyên. Tôi cùng anh Trương Cảnh Ngôn và một số người phải vượt sông Lục Nam đến tỉnh Thái Nguyên để tham gia khóa học làm báo. Hơn một ngày đường, tôi mới nhìn thấy ánh lửa của gia đình người dân tộc đang làm bánh, lúc đó tôi rất mệt, thật may vị chủ nhà tốt bụng cho tôi ăn bánh và nghỉ lại qua đêm, để sáng hôm sau tiếp tục hành trình đến Bờ Rạ, Đại Từ. Chiều hôm sau, tôi mới có mặt ở Bờ Rạ. Lớp học khi đó phải hoạt động bí mật, chỉ có tôi và 2 người khác là phụ nữ, chúng tôi được các giảng viên truyền giảng nhiều kiến thức, nhiều lĩnh vực làm báo chỉ trong thời gian 3 tháng. Di tích lịch sử này rất có ý nghĩa để giáo dục truyền thống cho những người làm báo Việt Nam. Thái Nguyên có thêm một địa chỉ Đỏ, nơi phát tích một số cơ quan báo chí, qua đó thêm khẳng định vai trò, vị trí của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Di tích lịch sử này sẽ được nhiều người biết đến vì nằm trong Khu du lịch Hồ Núi Cốc, đây là niềm tự hào, sự động viên đối với người làm báo Việt Nam.

PV: Là một trong những người con của cố nhà báo Xuân Thủy, xin Bà cho biết cảm tưởng của mình khi về dự Lễ kỷ niệm 70 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, được tổ chức tại nơi đặt Bia Di tích lịch sử Quốc gia, địa điểm ngôi trường trước đây cố nhà báo Xuân Thủy, nguyên Phó Hiệu trưởng nhà trường, đã trực tiếp quản lý và giảng dạy cho khóa học đầu tiên năm 1949?

1

Bà Nguyễn Ánh Tuyết, con gái cố Nhà báo, Nhà thơ, Nhà ngoại giao Xuân Thủy: Thái Nguyên là Thủ đô kháng chiến, cũng là nơi ra đời nhiều cơ quan báo chí Trung ương, Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng nơi bố tôi, cụ Xuân Thủy nguyên Phó Hiệu trưởng, giảng viên của Lớp viết báo đầu tiên 1949. Hôm nay, trở về Thái Nguyên, nhân kỷ niệm 70 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia, tôi rất phấn khởi và tự hào vì được chứng kiến sự kiện quan trọng và có ý nghĩa đối với báo chí cách mạng Việt Nam. Đây sẽ là nơi họp mặt và giáo dục truyền thống cho những người làm báo thế hệ sau; di tích này đánh dấu mốc son quan trọng của sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Lần này về đây tôi rất vui khi tỉnh Thái Nguyên và Hội nhà báo Việt Nam đã quan tâm đến ngôi trường và những thế hệ đầu tiên của những người làm báo.

 PV: Trong suốt 40 năm làm báo, Ông luôn đau đáu về Di tích Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và đã dày công tìm hiểu chứng tích, sưu tầm hồ sơ tài liệu, tiếp cận nhân chứng, để đến ngày hôm nay di tích đã được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. Xin Ông cho biết xuất phát từ đâu mà Ông đã biết về Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ngày ấy?

2

Nhà báo Phan Hữu Minh, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam (nguyên Giám đốc Đài PTTH Thái Nguyên): Cuối năm 1979, tôi là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Có lần đi làm việc tại Trường Sĩ quan Chính trị đóng tại thị xã Bắc Ninh, lúc về, tôi được đi nhờ xe con của Hiệu Phó nhà trường là đại tá Mạc Ninh. Trên xe có nhà báo Chính Yên (Nguyễn Trung Chính) của báo Nhân Dân - anh lên để viết bài về sĩ quan trẻ thời kỳ mới. Từ Bắc Ninh về phố Lý Nam Đế, Hà Nội, khi biết tôi là người Thái Nguyên, anh Chính Yên tỏ ra thân thiện, sôi nổi. Anh nói anh được học lớp đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng cùng với Trường thiếu sinh quân đóng trong khu rừng rậm rạp thuộc địa phận xóm Bờ Rạ, Gốc Mít, xã Tân Thái, huyện Đại Từ. Anh kể đến được nơi đó anh phải trèo đèo lội suối mất dăm ngày đường từ Phúc Yên, Vĩnh Yên, vượt Đèo Nhe gian nan vất vả lắm, nhưng chỉ mấy tháng mà học được rất nhiều, đặc biệt được các lãnh đạo cao cấp như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Tố Hữu… giảng dạy và từ lớp học ấy anh quyết định dấn thân vào con đường làm báo cách mạng. Đến phố Lý Nam Đế, tôi xuống xe, thủ trưởng Mạc Ninh và Anh Chính Yên còn dặn với theo: “Có điều kiện về Thái Nguyên thì tìm về địa chỉ nơi trường đóng ngày xưa thuộc xã Tân Thái giúp, tự hào truyền thống báo chí lắm, vì lúc nào các anh cũng mong ước được trở lại nơi đó một lần...”

PV: Thưa Nhà báo Phan Hữu Minh! Được biết trong buổi Lễ kỷ niệm 70 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức vào ngày 4/4, Ban Tổ chức đã chọn ca khúc “Tự hào báo chí Việt Nam” do Ông sáng tác để chào mừng tại buổi lễ; chỉ cái tên bài hát thôi đã chứa đựng đầy đủ niềm tự hào của những người làm báo, điều đó cho thấy tác phẩm của ông thật giá trị và có sức lan tỏa lớn. Xin Ông cho biết ca khúc được sáng tác khi nào, trong hoàn cảnh nào, và tâm trạng của Ông trong lúc này?

Nhà báo Phan Hữu Minh: Tôi đã làm báo 40 năm nay,với sự ra đời 5 cơ quan báo chí đều được phát tích tại Thái Nguyên, trên Định Hóa có Hội Nhà báo Việt Nam, Nhà in Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, dưới này có Hội Văn nghệ cứu quốc và Trường Dạy làm báo tại Bờ Rạ, xã Tân Thái, bản thân tôi đã nghiệm ra một điều rằng: Thái Nguyên là mảnh đất sinh thành báo chí, đó là niềm tự hào cho Thái Nguyên nói riêng và cho cả nước, các cơ quan báo chí đã hình thành trên mảnh đất ATK lịch sử. Do vậy, cá nhân tôi cũng như người dân Thái Nguyên rất tự hào về điều này, trong ca khúc đã thể hiện những người làm báo Việt Nam kể cả hội viên và không phải là hội viên hội nhà báo đều tự hào về truyền thống ấy, tự hào truyền thống báo chí lắm, nên ca khúc đã được sáng tác và ra đời. Trước đây các địa điểm liên quan đến báo chí, phát thanh, văn hóa, văn nghệ, điện ảnh… ở An toàn khu (ATK) Thái Nguyên đều đã làm xong, giờ đây lại có thêm một địa chỉ Trường Dạy làm báo tại Bờ Rạ mang tên Huỳnh Thúc Kháng được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia, thì biết đâu rằng giai đoạn tới sẽ có thêm lời 3 cho ca khúc “Tự hào báo chí Việt Nam”, đó chính là một hình thức để quảng bá báo chí cũng như khắc nhớ một kỷ niệm trên đất chiến khu xưa, cho thêm phần lan tỏa với những gì Thái Nguyên hiện đang có. Tôi cho rằng đây là vốn quý bởi vì âm nhạc cũng có thể chuyển tải được mọi thứ. Ca khúc này được sáng tác vào năm 2010, kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. 

PV: Thưa Bà Trần Thị Kim Hoa! Với sự nỗ lực của Bảo tàng Báo chí Việt Nam cùng các cộng sự trong suốt thời gian qua, đến nay địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được ghi danh. Sau sự kiện lịch sử được tổ chức vào ngày 4/4/2019 thì các hoạt động tiếp theo về công tác quản lý, đầu tư xây dựng di tích đã được định hướng như thế nào để phát huy hiệu quả giá trị di tích?

3

Nhà báo Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam:  Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ là đơn vị đồng chủ quản, tới đây sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư xứng tầm là Di tích lịch sử Quốc gia, để tái hiện lại toàn bộ giá trị của di tích. Hội Nhà báo Việt Nam với hơn 50 nghìn người, thì chắc rằng công tác xã hội hóa sẽ được phát động để góp phần xây dựng di tích ngày một khang trang, là chốn đi về của Hội Nhà báo Việt Nam. Điều quan trọng nhất đó chính là việc phát hiện ra di tích và ghi danh di tích đã làm xong, điều này góp phần nâng tầm cho xã Tân Thái, cho tỉnh Thái Nguyên, nếu địa phương quản lý và phát huy hiệu quả giá trị của di tích thì đó chính là địa chỉ Đỏ của vùng du lịch Hồ Núi Cốc.

PV: Để địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được xếp hạng Di tích Quốc gia, trong quá trình tìm kiếm chứng tích, hoàn thiện hồ sơ, cũng như việc xác định mốc giới di tích, xin ông cho biết chính quyền địa phương đã có những đóng góp như thế nào?

4

Ông Đỗ Đức Nghị - Chủ tịch xã Tân Thái: Người dân địa phương cũng như chính quyền xã hiện nay chủ yếu đều là thế hệ hậu sinh, có nghe kể lại vào thời điểm đó Tân Thái còn là xã thuộc lòng Hồ Núi Cốc, qua quá trình hình thành phát triển tên xã đã được thay đổi theo năm tháng, theo từng giai đoạn lịch sử, mãi sau năm 1953 mới chính thức có tên là xã Tân Thái. Trước kia Tân Thái nằm dọc theo bờ sông Công giáp Bình Thuận, Lục Ba, cuối xã giáp Phúc Xuân, xã Phúc Thọ (trước kia), sau khi Hồ Núi Cốc được xây dựng thì không còn xã Phúc Thọ nữa. Khi Hội Nhà báo Việt Nam có văn bản đề nghị phối hợp tìm lại địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và xác định, lựa chọn vị trí để cắm mốc di tích, thì vị trí Trường Huỳnh Thúc Kháng được xác định đã nằm dưới lòng Hồ Núi Cốc, trong qua trình phối hợp, các đơn vị xã đã tham mưu để chọn một vị trí giáp danh xóm Bờ Rạ cũ, bởi một số hộ dân của xóm Bờ Rạ đã rời chuyển lên sinh sống tại xóm Gốc Mít (tên gọi thời nay), đó chính là vị trí cắm mốc hiện tại.

PV: Đến nay, đã có Di tích lịch sử Quốc gia được công nhận tại địa bàn xã Tân Thái, Trong thời gian tới về công tác quản lý di tích, chính quyền xã có trách nhiệm và đề xuất gì trong việc quản lý và phát huy giá trị của di tích cũng như việc phát triển di tích để thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?

Ông Đỗ Đức Nghị - Chủ tịch xã Tân Thái: Di tích đã được công nhận và xếp hạng thì không phải chỉ được riêng cho xã Tân Thái, mà đây là niềm vinh dự của tỉnh Thái Nguyên. Xã Tân Thái được có Di tích Quốc gia trên địa bàn, về phía chính quyền xã mong muốn di tích được sự quan tâm đầu tư xứng đáng để di tích ngày một phát triển khang trang, để khách du lịch cũng như các thế hệ hậu sinh tham quan, học tập, nắm được cội nguồn. Tân Thái còn nằm trong tổng thể Khu du lịch Hồ Núi Cốc, do vậy cần xây dựng phát triển di tích để trở thành một địa chỉ Đỏ trong tour du lịch vùng hồ. Bên cạnh đó cấp xã mong muốn ngoài việc phát triển du lịch, động lực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong công tác quy hoạch, công tác sử dụng đất đai,cần mang tính lâu dài cho những năm về sau được phù hợp, các khu điểm du lịch, di tích được liền kề để tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tân Thái chung tay cùng các cấp chính quyền, các đơn vị liên quan quản lý, phát triển di tích.

Xác định được tầm quan trọng của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong nhiều năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên nỗ lực để Di tích địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được công nhận. Rồi đây, địa chỉ Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949 không chỉ còn trong hoài niệm, không còn là khát vọng, mơ ước đau đáu của các học viên và giảng viên; Tân Thái sẽ không còn là một chuyện sót lại của ATK Thái Nguyên và đã có một Di tích Quốc gia, có một nhà bia ghi danh đầy đủ lời dạy của Bác Hồ với nhà trường năm ấy, cùng những thông tin chi tiết sẽ được tái hiện tại đây, và nơi đây sẽ là ngôi nhà chung, là chốn đi về của Hội các nhà báo trong cả nước, để các thế hệ làm báo, đặc biệt là thế hệ các nhà báo trẻ, luôn được giáo dục truyền thống, không ngừng tu dưỡng rèn luyện, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cũng như đạo đức nghề nghiệp./.

 Thanh Tâm và nhóm phóng viên