Trà Thái Nguyên trở thành sản phẩm du lịch
- Thứ sáu - 02/10/2015 15:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Với 20 ngàn ha chè chuyên canh trên toàn tỉnh thì có tới 17 ngàn ha là chè đặc sản. Những đồi chè ngút ngàn xanh mướt của Thái Nguyên hôm nay không đơn thuần chỉ là sản phẩm thuần nông của vùng đồi núi Trung du Bắc bộ, mà đang dần từng bước trở thành sản phẩm du lịch, được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Bạn không chỉ được ngắm nhìn thỏa thích trong hương trà thơm quyến rũ mà còn được trải nghiệm khi hóa thân thành những người trồng chè thoăn thoắt hái những búp chè xanh non cho đến khi nặng cái gùi sau lưng, bạn sẽ được mang về nơi chế biến để thử làm một nghệ nhân chế biến trà: từ làm héo, vò, sao chè, rồi tự tay mình làm ra những búp chè quăn tít, ngào ngạt hương. Bạn sẽ cảm hết được cái gian khó lao động từ những búp chè bé tí và vị chát ngọt ngào của chúng, sâu lắng biết nhường nào. Thái Nguyên có tới chín vùng trà, mỗi vùng đều có những nét đặc trưng riêng, từ trồng, thu hoạch đến chế biến và đặc biệt là hương vị trong phẩm cấp trà của mỗi vùng đều khác nhau…
1 - Vùng chè Thành phố Thái Nguyên
Thành phố Thái Nguyên gắn với danh trà Tân Cương, cách trung tâm thành phố gần 10km về phía Tây, tập trung chủ yếu ở 3 xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, với diện tích chè trên 1.300ha. Tân Cương nổi tiếng bởi chè ngon và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có núi, có sông và khu du lịch Hồ Núi Cốc với huyền thoại bồng bềnh theo chân du khách. Mỗi năm, vùng này đón trên 10.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm.
2 - Vùng chè Đại Từ
Đại Từ nằm ở vùng Tây Bắc của tỉnh Thái Nguyên, là vùng đất mưa thuận, gió hòa, thổ nhưỡng, nguồn nước tưới và khí hậu thuận lợi cho cây chè phát triển, tạo ra được vùng sản phẩm chè ngon, chè đặc sản như: La Bằng, Khuôn Gà (Hùng Sơn), Hoàng Nông, Quân Chu. Đây cũng là huyện có diện tích chè lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên và đứng thứ hai so với các huyện trên cả nước. Không chỉ có diện tích chè lớn, chè Đại Từ còn có hương thơm, vị đượm đặc trưng. Toàn huyện có 52,73 ha chè đã được cấp chứng nhận chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
3 - Vùng chè Đồng Hỷ
Đứng thứ ba trong toàn tỉnh về diện tích trồng chè, huyện Đồng Hỷ từ lâu đã được biết đến là huyện có vùng chè nổi tiếng Trại Cài. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, nằm bên bờ sông Cầu, được hưởng phù sa và dòng nước của con sông Cầu nên chè Trại Cài đã có tiếng là vùng chè đặc sản ngon nổi tiếng, được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Huyện có 9 làng nghề chè tập trung tại các xã Minh Lập, Hòa Bình, Thị trấn Sông Cầu và nhiều Hợp tác xã chuyên sản xuất và kinh doanh chè. Chè của huyện đã đoạt được nhiều giải thưởng, Cúp vàng tại các hội thi trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, Đồng Hỷ có 30ha chè sản xuất theo quy trình VietGAP.
4 - Vùng chè Định Hóa
Định Hóa là một huyện miền núi phía Tây Bắc tỉnh Thái Nguyên. Toàn huyện hiện có 2.230 ha chè, sản lượng chè búp tươi năm 2012 đạt 19.977 tấn. Các xã có diện tích chè lớn của huyện là: Bình Thành, Phú Đình, Sơn Phú, Điềm Mặc… trong đó chè Điềm Mặc là một vùng chè ngon đặc sản của huyện. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã triển khai được 7 mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP.
5 - Vùng chè Phú Lương
Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thái Nguyên, các xã có diện tích chè lớn là: Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô… Trong đó, thương hiệu chè Khe Cốc (xã Tức Tranh) là thương hiệu chè nổi tiếng ở Thái Nguyên và cả nước. Chè Khe Cốc từ lâu đã nổi tiếng bởi độ nồng, đượm, được trồng trên chất đất sạch kiềm và được chăm sóc bằng dòng nước mát từ các khe suối nguồn của con sông Cầu.
6- Vùng chè Võ Nhai
Huyện vùng cao Võ Nhai nằm ở phía Bắc thành phố Thái Nguyên, giáp với tỉnh Lạng Sơn, có diện tích trồng chè vào khoảng 800ha. Theo đánh giá, chất lượng chè Võ Nhai cũng không kém các vùng chè khác trong tỉnh. Song, do chưa có thị trường ổn định và thương hiệu nên sản phẩm chè của huyện chưa thực sự có tên tuổi trên thị trường.
7- Vùng chè Phổ Yên
Phổ Yên nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam tỉnh Thái Nguyên, có 1462ha đất trồng chè, tập trung ở các xã: Thành Công, Phúc Thuận, Minh Đức, Phúc Tân và thị trấn Bắc Sơn. Với tiềm năng về diện tích hơn 1000ha cho trồng mới và gần 1000ha cần chuyển đổi bằng các giống chè mới; với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước và hệ thống chế biến tiêu thụ, diện tích chè ở Phổ Yên đang được mở rộng.
8 - Vùng chè Sông Công
Thị xã Sông Công cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 20km về phía Nam, có điều kiện địa hình, thổ nhưỡng thích hợp, toàn thị xã có 725ha diện tích đất trồng chè, sản lượng chè búp tươi đạt 6400 tấn/năm, năng suất đạt 94,6 tạ/ha/năm.
9 - Vùng chè Phú Bình
Phú Bình là một huyện trung du, nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Thái Nguyên. Là huyện có tỉ trọng nông nghiệp cao trong cơ cấu kinh tế nhưng diện tích chè của toàn huyện không nhiều, chỉ có 154 ha, sản lượng 917 tấn/năm, trong đó, diện tích chè tập trung chủ yếu ở các xã Bàn Đạt, Đồng Liên, Tân Khánh.
Với 9 vùng chè chủ lực, Thái Nguyên đang tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng này và phát huy thương hiệu Trà Thái Nguyên. Ngành du lịch Thái Nguyên đang từng bước quảng bá, xúc tiến cho thương hiệu Trà của tỉnh ngày một nổi tiếng hơn, góp phần đưa Thái Nguyên trở thành một tỉnh giàu đẹp của khu vực Bắc Bộ.