Thăm “Phủ Chủ tịch” đầu tiên tại ATK Định Hóa
- Thứ tư - 06/05/2020 03:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo sử sách ghi lại, sau ngày Tuyên ngôn độc lập, 2/9/1945, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần nữa. Để bảo vệ độc lập dân tộc, chống lại kẻ thù có quân đội nhà nghề, tiềm lực quân sự kinh tế mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định chọn các huyện Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), huyện Yên Sơn, Chiêm Hoá, Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Cạn) xây dựng An toàn khu (ATK) của Trung ương.
Đầu tháng 3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh di chuyển qua Lâm Thao, Tam Nông (Phú Thọ), rồi đến làng Xảo, xã Hợp Thành, Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Trung tuần tháng 5/1947, Hồ Chủ tịch cùng 8 chiến sĩ bảo vệ, giúp việc do Người đặt tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi vượt Đèo Khế qua Quảng Nạp (Bình Thành) rồi đến thôn Điềm Mặc, xã Thanh Định, ATK Trung ương tại huyện Định Hoá. Các đồng chí Vũ Kỳ, Tạ Quang Chiến ở nhà ông Ma Đình Tương. Sau khi 9 đảng viên do ông Triệu Đình Quân - Chủ tịch Nông hội xã Thanh Định (nay là xã Điềm Mặc) phụ trách làm hai chiếc lán trên đồi Khau Tý, đêm ngày 20/5/1947 Bác cùng anh em bảo vệ giúp việc từ Quảng Nạp đến ở, làm việc tại Khau Tý. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra các chủ trương, quyết sách quan trọng chỉ đạo quân và dân ta đập tan cuộc tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc của quân viễn chính Pháp mùa Đông 1947. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng, Chính Phủ đề ra nhiều Chủ trương, quyết sách, sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo cuộc kháng chiến, quyết định lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày thương binh toàn quốc (Ngày thương binh liệt sĩ). Vào đầu tháng 10/1947 giữa lúc quân Pháp đang tiến công lên Việt Bắc, Bác đã hoàn thành bản thảo cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh X.Y.Z, một tác phẩm có ý nghĩa lớn, xây dựng đội ngũ cán bộ, rèn luyện đạo đức tác phong cho cán bộ, đảng viên và Người đã viết bài thơ “Cảnh Khuya” nổi tiếng:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ, Người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
(Hồ Chí Minh 1947)
Còn đây, lán Khau Tý nơi Bác ở và làm việc. Căn lán nhỏ, đơn sơ nằm trên một khoảng đất bằng được thiết kế theo mô hình nhà sàn của đồng bào Tày. Tuy nhiên căn lán có một số chi tiết khác biệt để phù hợp với yêu cầu cách mạng. Vị trí tiếp giáp với mặt đất rất ngắn và có cửa hậu phía sau nhà. Theo đồng bào nơi đây, đó là cách bố trí để khi có sự biến, có thể nhảy xuống nhanh hoặc rút theo lối cửa sau. Ngay cạnh lán của Bác, có hai cây cổ thụ đã nhiều năm tuổi vẫn tỏa bóng mát xuống mái tranh, đó là cây đa trắng và cây trám đã rêu phong. Vầng hoa râm bụt Người trồng hơn 70 năm về trước vẫn lên xanh. Phía sườn đồi, còn đó, đường hầm, đường hào được đồng bào bố trí đào ngay khi Bác về ở và làm việc. Đường hào tuy không sâu nhưng được thiết kế theo một đường có nhiều phương án trú ẩn thuận tiện cho việc giữ bí mật và công việc cách mạng của Bác. Nhờ có ý thức bảo vệ của đồng bào địa phương nên cảnh quan thiên nhiên ở đây còn khá nguyên vẹn. Ban quản lý khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa đã cử bảo vệ trực, hướng dẫn viên đón khách tại nhà sàn đón tiếp ở chân đồi Khau Tý.
Khau Tý từng là "Phủ Chủ tịch" đầu tiên, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi đầu chặng đường gian khó, ác liệt nhưng vô cùng vẻ vang ở “Trung tâm Thủ đô kháng chiến”. Ngày 20/05/1947, đã trở thành mốc lịch sử quan trọng với nhân dân cả nước nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Di tích lịch sử Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc tại Khau Tý năm 1947 được xếp hạng cấp quốc gia năm 2006./.
Bài và ảnh: Hải Đăng