CỔNG DU LỊCH THÁI NGUYÊN

http://thainguyentourism.vn


Sang sông

Sang sông
“Hò… ơ…ơ…ơ…/Sông quê nước chảy đôi bờ/Để anh chín dại mười khờ thương em”. Lời bài hát “Sông Quê” của nhạc sĩ Đinh Trầm Ca được cất lên từ một ngôi nhà gần chân cầu Bến Tượng. Giọng nam trầm vời vợi một niềm nhớ nhung, bao đời khắc khoải câu hò bị ngăn cách bởi dòng sông. Có bao người suốt một đời đau đáu vì không lấy được người mình yêu. Đành… “Cũng vì em xa mà thành điệu nhớ não lòng”.

21

Cầu Bến Tượng, (Ảnh:Phạm Ngọc Chuẩn)

Có miền quê nào trên đất nước Việt Nam không mang trên “lưng nó” một dòng sông. Nhạc sĩ Đình Văn từng tâm sự qua bài hát “Vàm cỏ Đông” rằng: “Quê hương anh cũng có một dòng sông…”. Vâng! Dòng sông nào cũng mang trong lòng nó một niềm đau, ẩn chứa một dữ dội và mơ màng một chất thơ. Ngay cả dòng sông trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của cụ Nguyễn Tuân, thì dù sông có lúc như quỷ dữ, nhưng lại hiền hòa ngay được. Còn với dòng sông Cầu đi qua địa phận Thái Nguyên, có thể nói đó là một trường đoạn của dòng sông ôn hòa, song nặng mang nhiều dấu ấn lịch sử dân tộc... Từ  lâu đời, bên sông đã có bến, có thuyền, rồi có những nét cắt ngang qua miền khờ dại của sóng nước, đó là cây cầu cho người sang sông.

Sẻ chia gánh nặng với cây cầu Gia Bẩy, cầu Bến Tượng đi vào hoạt động đã mở ra nhiều cơ hội trong phát triển đô thị mới ở thì tương lai. Tôi chắc chắn các đồng chí lãnh đạo tỉnh có thâm ý khi chọn ngày thông cầu vào dịp cuối cùng của năm (15-12-2018). Có lẽ ở ẩn ý đặt dấu chấm hết của một thời muốn sang sông phải lụy đò, khép lại một giai đoạn khó khăn vì đôi bờ cách trở. Và theo quy luật vần xoay tạo hoá, giữa trời Đông lạnh cũng đồng nghĩa với việc báo hiệu mùa Xuân mới đang đến gần. Thậm chí là rất gần, cảm nhận gần đến mức có thể cầm, nắm được. Có một chi tiết độc đáo về thời tiết của ngày thông cầu Bến Tượng. Sớm hôm đó trời khá mù, cảm giác không gian trĩu nặng, mưa như sắp ập xuống. Nhưng gần giờ thông cầu, từng đợt gió rất khẽ, nhẹ nhàng kéo hết mây xám vùi giấu vào “càn khôn”. Phía chân trời ánh ngày trở lên rực rỡ, cây cầu được thể làm duyên soi bóng xuống dòng sông. Tất cả dòng sông, cây cầu và bao con người qua lại trở thành bức tự họa sống động giữa cuộc đời thường.

Tôi còn nhớ trong ngày tỉnh tổ chức thông xe cầu Bến Tượng, cư dân 2 bên bờ ra xem đông như hội. Ai cũng muốn được tận mắt chứng kiến cái giây phút được sang sông bằng một cây cầu bê tông vững chãi. Có thể nói đó là cái khắc giây trọng đại, ví như việc đón giao thừa, đón một mùa Xuân tươi mới, bởi từng nhịp cầu vươn dài sang sông, sang để mở mang một đô thị mới. Có người đứng giữa cầu lặng lẽ nhìn về phía thượng nguồn, nuối nhớ về một thời tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ, lặn sông mò con chai, con hến về cho mẹ nấu cháo ăn không đổ mồ hôi trộm. Chỗ đó bây giờ in hình cây cầu.  cây cầu ấy được xê dịch theo sự di chuyển của mặt trời. Cũng trong cái khoảng xê dịch ấy, vào những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa, máy bay Mỹ đã nhiều lần ném bom đánh phá thành phố Thép Thái Nguyên, có  quả bom rơi xuống phá nát sự yên bình của dòng sông. Những người cao niên sống bên đoạn sông này còn nhớ nguyên năm đó, từng cột nước dựng lên, cá phơi bụng trắng xóa.

Bầu trời im tiếng động cơ phản lực, B52, người dân bên bờ hò nhau xuống vớt cá. Nhưng bất thình lình lũ giặc trời quay lại, trút xuống dòng sông nỗi đau kinh hoàng chết chóc… Đoạn Bến Tượng trở thành một khúc ca buồn, là nỗi nhớ trong ký ức bao người. Nhưng tuổi thơ và dòng sông bao giờ cũng đẹp như một giấc mơ. Song khác biệt với bao dòng sông trên đất Việt, tại đoạn sông này từ hơn 500 năm về trước (1492), đây là nơi quân lính thuần tượng vệ (thời Lê sơ) cho voi trận tắm, uống nước hằng ngày. Sử sách chép rằng, trong quãng thời gian tròn 100 năm voi trận tắm nước sông Cầu, nhưng có một ngày không vui, vì có ông tượng già xuống uống nước bị sa lầy không lên được. Thương bạn, đàn voi nằm phủ phục vòng quanh, nước mắt chảy dòng vì phải nhìn tượng già lịm dần về cõi tiên cảnh. Cái tên Bến Tượng (Tượng bạn) có từ thủa bấy giờ.

Hàng trăm năm trôi qua cùng dòng sử sanh, nhưng câu chuyện về tình bạn thủy chung còn đó, khắc vào một triền sông, thành bến đợi. Có cụ già nói với chúng tôi như một chiêm nghiệm: Người xưa rất tài tình khi lựa chọn các vị trí xây dựng bến, chợ, đường xá hoặc vị trí làm nhà ở. Ngay như Bến Tượng, từ xưa đã là nơi giao thương, là bến cho người sang sông. Người trước làm thế, người sau làm theo, đông đúc lên, muốn thay đổi cũng không thể được nữa, vì… liên quan đến long mạch, sự thịnh - suy của một vùng đất. Ngay như việc sau này nhân dân làm cầu phao dập dềnh sang sông, cũng chọn neo đậu vào Bến Tượng. Rồi bây giờ là một cây cầu cứng, vững chãi, cũng một chân đứng ở bờ Bến Tượng, tạo thế và lực để vươn sang mạn bờ tả sông Cầu. Từ sau cái khoảnh khắc thông xe cầu Bến Tượng, người dân mạn bờ thuộc phường Trưng Vương - người dân mạn bờ thuộc phường Đồng Bẩm giật mình, òa vỡ niềm vui sướng vì nhận ra cái khoảng cách quá gần gũi và thân thiện đến bất ngờ.

Nhờ có cầu, người đôi bờ sang sông chỉ mất chừng 5 phút đi bộ, hoặc đầy 60 giây đi xe máy (cầu dài 370 mét, bề mặt rộng 23,6 mét). Tôi đã thử sang sông bằng cả 2 cách đi như thế. Dù trong khoảng thời gian sang sông không dài, nhưng đủ để mỗi người khi đặt chân, hoặc cho xe lăn bánh trên thảm nhựa mặt cây cầu mới đều có giây phút xốn xao, bồi hồi liên tưởng đến sức sống mới đang bắt đầu động cựa, thức dậy ngay trên vùng đất có một thời là “cái rốn” của tệ nạn xã hội.

 Tương lai về một đô thị mới ở phía bờ tả dòng sông đã thành hiện thực. Trong cảm nhận một đô thị văn minh gợi lòng người nhớ tới công sức của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và thành phố Thái Nguyên và rất nhiều những người dân từng bao năm sinh sống bên bờ Tượng bạn. Tất cả họ đã vì một cây cầu, sẵn sàng di dời đến nơi ở mới, nhượng lại đất đai, hương hỏa cha ông. Mỗi một gia đình chuyển đi, là một sự trân quý được xuất phát từ tấm lòng yêu quê hương đất nước. Tôi nghĩ như thế vì từng được chứng kiến những giọt nước mắt của người dân khi phải xa Bến Tượng, xa nơi kỷ niệm của tuổi thơ. Cảm động biết nhường nào khi tận mắt chứng kiến các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố cùng đại diện các ban, ngành liên quan luôn gần dân, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân; sẵn sàng đối diện với sự thật để cùng nhân dân khắc phục khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong quá trình giải phóng mặt bằng xây dựng cầu; tổ chức cho người dân đến nơi ở mới. Điều các đồng chí lãnh đạo tỉnh và thành phố tâm đắc là phải hiểu dân, an dân thì công trình mới có giá trị đích thực.

Ở một tầng cao của ngôi nhà gần Bến Tượng, phóng mắt nhìn bao quát một khoảng sông rộng, thấy cây cầu in bóng xuống làn nước xanh trong. Trên cây cầu là từng đường vòm uốn cong, cách điệu, nâng đỡ, gồng gánh chia sức, chịu lực. Người dân thành phố đã có thêm một cây cầu mới, đồng nghĩa với việc thành phố có thêm tin vui mới, cơ hội mới về đô thị tương lai. Những siêu thị, trường học, nhà cao tầng đang theo nhau mọc lên trên vùng đất mới mang tên Đồng Bẩm. Trong hân hoan của niềm vui được đi trên cầu Bến Tượng, tôi cũng như bao người có chung cảm nhận mình được “cưỡi” trên lưng rồng, đang vươn dài sang sông. Để “điệu nhớ não lòng” khi xưa nay chỉ còn là kỷ niệm.

Tác giả bài viết: Phạm Ngọc Chuẩn